Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tôi là người khuyết tật, đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 10 tháng trước khi nghỉ việc

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 26/12/2018

Tôi là người khuyết tật, đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 10 tháng trước khi nghỉ việc nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp vì không đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nay tôi chưa tìm được việc, vậy tôi muốn hỏi rằng tôi có được hỗ trợ để đi học nghề trong thời gian tìm việc mới không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Vì thông tin anh/chị cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi xin được đưa ra phương án tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 55 Luật Việc làm 2013 về hỗ trợ học nghề thì điều kiện để hỗ trợ người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được hỗ trợ học nghề trong các điều kiện sau đây:

  1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
  1. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
  2. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;…
  3. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo thông tin mà anh/chị cung cấp, anh/chị đã có 10 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc, vậy với điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp này thì anh/chị đã thỏa mãn.

Như vậy, khi anh/chị đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện kể trên thì anh/chị sẽ thuộc trường hợp được hỗ trợ học nghề.

Về mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ: Căn cứ theo Điều 3 của Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật Việc làm năm 2013 thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Về hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề: Căn cứ khoản 2 Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm các loại giấy tờ như sau:

  1. Đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu số 18 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH;
  2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của quyết định thôi việc;
  3. Sổ bảo hiểm xã hội.

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, anh/ chị nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho anh/chị.