Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quy định biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin

  • Thực hiện: TS. Trần Thái Dương (Trường Đại học Luật Hà Nội)
  • 29/09/2017

(Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều  và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin)

Nhìn chung, đánh giá cả quá trình làm việc đến nay với việc đưa ra các bản dự thảo mà chúng ta có được (Dự thảo 1 và Dự thảo 2) theo những quan điểm chỉ đạo, chủ trương và cách thức thể hiện cụ thể nội dung từng điều khoản thì đây là một nỗ lực, cố gắng lớn của Ban soạn thảo. Các quy định của Luật tiếp cận thông tin (TCTT) năm 2016 mới chỉ tạo ra được những nguyên tắc chung để người khuyết tật có thể thực hiện được quyền TCTT (hay như cách nói của những người khuyết tật là “tiếp cận được quyền TCTT” - phải có tới hai lần tiếp cận!). Tuy chỉ ở tầm văn bản quy phạm pháp luật là nghị định (văn bản dưới luật) nhưng Nghị định này sẽ có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng đối với cộng đồng người khuyết tật, thậm chí nó quyết định tính thực chất của việc bảo đảm quyền TCTT của những người khuyết tật ở Việt Nam.

 

Với tư cách là một thành viên của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, tác giả xin có một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định với mong muốn chúng ta sẽ có một bản Dự thảo tốt, phù hợp với nguyện vọng, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Những đánh giá và góp ý của tác giả được thể hiện trên hai nội dung chính sau:

1. Về sự phù hợp của Dự thảo so với Hiến pháp, các luật và điều ước quốc tế

Câu hỏi đặt ra ở đây là Dự thảo có phù hợp với tinh thần, nội dung quy định của Hiến pháp, Luật người khuyết tật, Luật TCTT, Công ước về quyền của người khuyết tật? Về nội dung này, tác giả bài viết xin nêu hai ý kiến sau đây:

Một là tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện được quyền TCTT (tức là xoá các rào cản khiến cho người khuyết tật không thể tiếp cận thực hiện quyền) là trách nhiệm của chủ thể nắm giữ, quản lí thông tin chứ không phải là tuỳ thuộc điều kiện thực tiễn của cơ quan như cách quy định tại các khoản 2, 3 Điều 3 Dự thảo Nghị định và cũng là quan điểm chỉ đạo cơ quan soạn thảo Nghị định này. Nếu tư duy rằng việc tạo điều kiện trợ giúp người khuyết tật tiến cận thông tin còn tuỳ thuộc vào nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật thì chắc chắn đây sẽ là một thứ rào cản mà có nhà nghiên cứu về pháp luật nhân quyền đã gọi là “trì hoãn cung cấp thông tin”.1 Tác giả bài viết đồng ý là quy định phải bảo đảm được tính khả thi nhưng cũng không muốn cộng đồng người khuyết tật cứ phải hi vọng, chờ đợi mãi rồi lại rơi vào thất vọng vì cái kiểu pháp luật càng xuống thấp (văn bản có hiệu lực pháp lí thấp hơn) lại càng bóp chặt và khắt khe hơn trong việc bảo đảm quyền của họ. Nếu không quy định theo hướng mở rộng, tăng cường trách nhiệm bảo đảm quyền thì hầu như tất cả các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền của người khuyết tật nói chung, quyền TCTT của họ nói riêng đều muốn vin vào khả năng, điều kiện thực tế của mình để từ chối người khuyết tật. Tác giả cho rằng cần lấy các tiêu chuẩn tiên tiến về TCTT của người khuyết tật làm yêu cầu bắt buộc đối với chủ thể có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền TCTT của người khuyết tật. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho việc TCTT trong thông lệ quốc tế, theo đó trường hợp cần thiết, hồ sơ dữ liệu được hoàn chỉnh đầy đủ để bảo đảm một số nhóm xã hội đặc biệt vẫn có thể TCTT, ví dụ những người không thể đọc hoặc viết hoặc những người khiếm thị.2 Để bảo đảm tính khả thi của các biện pháp thì có thể xác lập một lộ trình thích hợp, tuy vậy phải coi đây là yêu cầu có tính bắt buộc chứ không phải là khuyến khích. Chúng ta không lo ngại có 6 dạng khuyết tật thì phải tạo ra 6 loại cơ sở dữ liệu để cho người khuyết tật có thể TCTT, nghĩ và nói như vậy thật sự là chưa hiểu biết đầy đủ, cần thiết về cộng đồng những người khuyết tật. Chúng ta cũng không quá lo lắng khi quy định trách nhiệm bảo đảm TCTT cho mọi người khuyết tật là tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước. Về điểm này, so với Dự thảo lần trước thì Dự thảo lần 2, sau khi tiếp thu ý kiến đóp góp, theo cảm nhận của cá nhân người viết bài này, có vẻ là một sự do dự, thậm chí có điểm còn bị thụt lùi. Để bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương nói chung và cộng đồng người khuyết tật nói riêng, nếu pháp luật không sáng tạo ra được những biện pháp phù hợp, tiên tiến để ấn định nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà nước, cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội nhằm bảo đảm thực chất quyền của họ thì điều đó chưa thật đúng với tinh thần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp. Phấn đấu, nỗ lực cho con người, cho công dân; vì con người, vì công dân được hưởng các quyền của họ không bao giờ được phép coi là áp lực theo nghĩa không mong muốn đối với cơ quan nhà nước.

Hai là tinh thần bảo đảm quyền của người khuyết tật nói chung và quyền TCTT của họ nói riêng là bình đẳng, không phân biệt đối xử, dựa trên quan điểm nhân quyền chứ không phải là sự ban phát hay ban ơn, thậm chí là sự ưu tiên. Điều đó cũng có nghĩa các điều kiện có tính phổ cập cần được tạo ra cho mọi công dân, trong đó có cả người khuyết tật (người khuyết tật cũng tiếp cận được), để mọi công dân đều có thể tiếp cận được thông tin một cách bình đẳng nhằm thoả mãn nhu cầu được biết của mình. Vì thế, cách diễn đạt trong quy định như khoản 6 Điều 3 Dự thảo Nghị định, theo tác giả cũng chưa thật phù hợp.

2. Về tinh thần kiến tạo được thể hiện trong Dự thảo Nghị định

Người khuyết tật thực hiện quyền TCTT đồng thời giao trách nhiệm Chính phủ quy định cụ thể về các biện pháp. Tác giả nhận thấy Dự thảo đã có một số điểm tương đối cụ thể, tuy vậy cần cụ thể hơn nữa, nhất là đối với mỗi dạng tật, mức độ khuyết tật thì việc trợ giúp, tạo điều kiện được thực hiện như thế nào cho phù hợp nhằm bảo đảm nguyên tắc là phải trợ giúp, tạo điều kiện để mọi người khuyết tật đều có thể tiếp cận được thông tin theo nhu cầu hợp pháp, tức là lấy mục tiêu thoả mãn nhu cầu được biết của người khuyết tật làm yêu cầu đối với các chủ thể có trách nhiệm cung cấp hoặc công khai thông tin. Như vậy, ở tầm nghị định chắc cũng khó giải quyết được yêu cầu này, cộng đồng người khuyết tật cũng phải chờ đợi những giải pháp cụ thể, chắc chắn Chính phủ lại phải giao cho các bộ ra thông tư quy định chi tiết hơn ở những khía cạnh này (hiện Dự thảo 2 không thấy giao cho bộ nào quy định chi tiết các vấn đề có liên quan đến các giải pháp trợ giúp người khuyết tật thực hiện quyền TCTT).3 Tác giả ủng hộ ý kiến của TS. Đặng Huỳnh Mai (Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam) khi bà cho rằng người khuyết tật dạng nào cũng quan tâm tới các thông tin từ nhà đất, di chúc tới quyền lợi về y tế, khám sức khoẻ… Vì thế, Dự thảo Nghị định không cần thiết phải phân loại, người khuyết tật dạng này hay dạng khác cần những thông tin này hay thông tin kia để tránh phức tạp, rườm rà. Tuy nhiên, đối với dạng khuyết tật nghe, nhìn hay không biết chữ lại rất cần những quy định cụ thể về cách thức cung cấp thông tin. Các phương tiện để tạo điều kiện cho người khuyết tật thực hiện quyền TCTT như hỗ trợ chữ nổi, phóng to chữ hay các dạng thức giao tiếp, kí hiệu khác cần được đề cập.4

Chắc rằng đến lúc soạn thảo thông tư hướng dẫn Nghị định, những người khuyết tật lại có cơ hội được mời tham gia góp ý kiến xây dựng. Tuy nhiên, điều quan trọng theo tác giả là Nghị định phải dứt khoát tạo ra được định hướng và khuôn khổ, phải khẳng định được nguyên tắc chung: việc tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật ở tất cả các dạng tật, mức độ khuyết tật để họ tiếp cận thực hiện được quyền TCTT của mình là trách nhiệm của các chủ thể nắm giữ, quản lí thông tin./.

 -----------------------------------------------------------------------------------

(1) Xem: Vũ Công Giao - Nguyễn Minh Tâm, Quyền TCTT trên thế giới và việc bảo đảm quyền TCTT ở Việt Nam, chuyên đề trong sách tham khảo: “Thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013”; Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr.509.

(2) Xem: Vũ Công Giao - Nguyễn Minh Tâm, sđd, tr.510 - 511.

(3). Cần làm rõ thế nào là “thông tin liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của NKT”?; cái gọi là ưu tiên cung cấp thông tin cho NKT gồm những biện pháp cụ thể nào? các dạng tật và mức độ khuyết tật cần được tiêu chuẩn hoá việc TCTT như thế nào cho phù hợp, nhất là đối với người mù, người điếc, NKT hệ thần kinh, tâm thần v.v..

(4). Theo Thảo Mộc-DBND, Xoá rào TCTT cho NKT. Nguồn: http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=8720175321139231&MaMT=23. Truy cập ngày 30/7/2017.