Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 17/11/2020

Câu hỏi: Tôi nghe nói Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình. Xin hỏi như thế có đúng không? Khi nào Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể ra quyết định đó? Xin cảm ơn.

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

1. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Căn cứ Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007Điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc…”

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Điều kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

Căn cứ Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 Điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:

a. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

b. Đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;

c. Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”.

Trong đó, căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình được xác định khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và Điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra;

- Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình;

- Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 4 Điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP quy định nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:

Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage Facebook: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.