Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 13/11/2020

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi, trường hợp một người bị bạo hành gia đình thì họ có thể đến các cơ sở nào để được trợ giúp? Xin cảm ơn.

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Căn cứ Điều 26 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định như sau:

“1. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cơ sở bảo trợ xã hội;

c) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

d) Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

đ) Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.”

Cụ thể, căn cứ Điều 27,28, 29 và 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc chăm sóc y tế theo quy định tại Điều 23 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và tư vấn về sức khỏe.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, ngoài việc thực hiện quy định về việc chăm sóc y tế và tư vấn về sức khỏe, tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá 1 ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Cơ sở bảo trợ xã hội: Cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình: Theo quy chế hoạt động hoặc chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh và các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải có các điều kiện sau đây: (i) Có cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; (ii) Có nguồn tài chính bảo đảm chi phí cho các hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.

Nhân viên tư vấn phải có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm yêu cầu về chuyên môn theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực tư vấn. Trong quá trình tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, nhân viên tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

4. Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng: Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:

Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage Facebook: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc