Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thực trạng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 25/10/2017

Trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để đảm bảo quyền của người khuyết tật (như Luật người khuyết tật 2010; Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật người khuyết tật và một số văn bản pháp luật khác có liên quan). Tuy nhiên, dường như những văn bản pháp luật của nhà nước quy định về quyền tiếp cận các dịch vụ công cộng (trong đó có giao dịch với ngân hàng) của người khuyết tật vẫn chưa được được đảm bảo thực hiện, khiến cho không ít người khuyết tật bị từ chối hoặc gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động này. 

Khái niệm tiếp cận dịch vụ ngân hàng

Tại điểm v Lời nói đầu của CRPD đã thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với môi trường thể chất, xã hội, kinh tế...trong việc giúp người khuyết tật hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người. Để cụ thể hóa quy định của CRPD, khoản 8 Điều 1 Luật người khuyết tật 2010 giải thích: “Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”. Có thể hiểu, tiếp cận là việc đảm bảo cho người khuyết tật được sử dụng tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội để hòa nhập cộng đồng. Trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, tiếp cận là việc ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo người khuyết tật sử dụng tất cả dịch vụ của ngân hàng bao gồm tiếp cận về cơ sở vật chất và tiếp cận khi tham gia giao dịch. 

Thực trạng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật tại Việt Nam

Thực trạng trong tiếp cận tại địa điểm giao dịch ngân hàng

Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quy định nội dung hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận đối với các công trình giao thông, công trình xây dựng. Ví dụ: khoản 1.1.2 Điều 1.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng, yêu cầu kỹ thuật bắt buộc đối với các công trình công cộng như công trình thương mại, dịch vụ phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn đã quy định cụ thể các điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật đối với các công trình thương mại, dịch vụ như lối vào, thang máy, sảnh chờ, nhà vệ sinh… đảm bảo tất cả người khuyết tật đều sử dụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nhìn về thực tế, hầu hết các địa điểm đặt cây ATM, các phòng giao dịch hay chi nhánh của ngân hàng đều được đặt cao hơn vỉa hè ít nhất 10cm, không có lối đi dành cho người khuyết tật, không có chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật. Đối với các địa điểm đặt cây ATM thường là cửa kính, nặng hơn so với sức khỏe và cao hơn so với tầm với của người khuyết tật ngồi xe lăn. Tại phòng giao dịch, cây ATM thường đặt trên cao, nhiều bậc thang, không có lối đi dành riêng cho người khuyết tật dẫn đến việc người khuyết tật bắt buộc phải đi cùng người hỗ trợ. Chính những điều này đã hạn chế người khuyết tật tham gia các giao dịch ngân hàng.

Thực trạng tiếp cận khi tham gia giao dịch ngân hàng

Không thể phủ nhận, hiện nay nhiều ngân hàng đã có những bước tiến bộ khi hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao dịch. Ví dụ ngân hàng Đông Á đã đồng ý rằng nếu người khuyết tật gặp trở ngại trong việc mở tài khoản ATM thì có thể liên lạc với phòng pháp lý để yêu cầu hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp, nhiều ngân hàng hay các nhân viên của ngân hàng có những hành động gây khó dễ, định kiến đối với người khuyết tật như:

 Người khuyết tật là người mất năng lực hành vi dân sự, phải có người giám hộ

Trong bài viết “Người mất năng lực hành vi dân sự, quy định và thực tế” được đăng ở Bản tin Chính sách và Cuộc sống số 39, tháng 5/2017, người viết đã phân tích những sai lầm khi xem người khuyết tật là người mất năng lực hành vi dân sự.Việc áp suy nghĩ cứ là người khuyết tật là phải có người giám hộ là hoàn toàn trái với quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015.

"Ngày 14/9/2016 ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kym Việt (là một đơn vị hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi bông) đã cùng 4 nhân viên đến chi nhánh Vietcombank Thành Công để đăng ký làm thẻ ATM. Ông Hoài đã mang đầy đủ hồ sơ và có trình bày việc 4 nhân viên Cty bị câm điếc bẩm sinh. Vậy nhưng, sau khi trao đổi, nhân viên ngân hàng đã từ chối mở thẻ ATM cho 4 người này vì cho rằng họ không có đủ năng lực hành vi dân sự. Ông Hoài và các nhân viên đành phải ra về.''
 

Yêu cầu người giám hộ cho người khuyết tật chỉ là một người trong mọi giao dịch

Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLDS 2015 quy định: “Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu”, tức là một người có quyền được 2 người giám hộ trong trường hợp cha mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông bà cũng giám hộ cho cháu. Như vậy, với yêu cầu người giám hộ chỉ là một người trong mọi giao dịch là hoàn toàn trái với nguyên tắc cơ bản về giám hộ theo quy định của BLDS 2015.

Người khuyết tật bị giới hạn số tiền giao dịch so với người không khuyết tật 

Pháp luật về tín dụng không có quy định hạn chế số lượng tiền giao dịch của người tham gia giao dịch ngân hàng là người khuyết tật, họ có quyền sử dụng, định đoạt số tiền thuộc sở hữu của họ và ngân hàng chỉ được coi là một trung gian hỗ trợ. 

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài 

Trên thế giới đã có nhiều cách giải quyết vấn đề tăng cường tiếp cận cho người khuyết tật khi tham gia giao dịch tại ngân hàng. Cụ thể:

Tại Ấn Độ, có 7.000 trong số 18.000 máy ATM của Ngân hàng quốc gia Ấn Độ (SBI) thân thiện với người khiếm thị để họ thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng. SBI cũng yêu cầu các ngân hàng phải có ít nhất 1/3 số máy ATM có bàn phím chữ nổi.

Ở Anh, HSBC đã tung ra một video ngôn ngữ ký hiệu Anh - Video Relay Service (VRS) nhằm giúp cho cộng đồng người khiếm thính - những người sử dụng “ngôn ngữ ký hiệu Anh” có thể giao tiếp với các ngân hàng thông qua dịch vụ ngân hàng qua điện thoại.

Hiệp hội Ngân hàng New Zealand cũng đã đưa ra các hướng dẫn trong dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thành viên dành riêng cho người khuyết tật như:  Đào tạo cho tất cả nhân viên ngân hàng tương tác với khách hàng về việc nhận thức rõ các kiến thức về người khuyết tật để hiểu và hỗ trợ khách hàng của mình, sử dụng các dịch vụ New Zealand Relay hay việc phát triền công nghệ ATM dành riêng cho người khuyết tật. 

Kiến nghị giải pháp tăng cường tiếp cận của người khuyết tật đối với các dịch vụ ngân hàng

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam, kết hợp tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, chúng tôi có một số kiến nghị giải pháp đối với hệ thống ngân hàng như sau nhằm góp phần tăng cường đảm bảo tiếp cận của người khuyết tật đối với các dịch vụ ngân hàng ở nước ta:

Kiến nghị đối với Ngân hàng nhà nước

Trước tiên, cần tăng cường phổ biến những quy định pháp luật có liên quan đến việc đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tới hệ thống ngân hàng trong cả nước và tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật đó trên thực tế. 

Thứ hai, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường tổ chức các khoá tập huấn cho nhân viên của các ngân hàng này về kỹ năng tương tác với người khuyết tật để tăng cường nhận thức về người khuyết tật và cách hỗ trợ khi họ tham gia giao dịch ngân hàng.

Cuối cùng, trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đối với các ngân hàng thương mại trong việc đảm bảo những điều kiện cần thiết về hạ tầng cơ sở, về trang thiết bị... để người khuyết tật tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với các dịch vụ ngân hàng.

Kiến nghị đối với hệ thống ngân hàng

 Tổ chức xây dựng, sửa chữa công trình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; tăng cường các trang thiết bị nhằm đảm bảo hỗ trợ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật như: lắp bảng hướng dẫn chữ nổi hoặc loa hướng dẫn cho người mù, bảng hướng dẫn cho người điếc, về khoảng không gian cần thiết cho người khuyết tật sử dụng,xây dựng các địa điểm đặt cây ATM phù hợp với người khuyết tật sử dụng như lối lên, chiều cao tối đa, lắp đặt cây ATM có bàn phím chữ nổi để người mù có thể sử dụng./.