Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (được 192 trong tổng số 194 nước thành viên phê duyệt, trong đó Việt Nam là thành viên thứ hai của Công ước) định nghĩa trẻ em là “người dưới tuổi 18 trừ khi pháp luật quốc gia có quy định sớm hơn”. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi, tuy nhiên luật dân sự quy định tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi là tuổi vị thành niên. Điều 37 Hiến pháp quy định công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân. Luật Giáo dục quy định trẻ em là người học của giáo dục mầm non, nghĩa là chỉ những người từ 3 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi (dưới 3 tháng tuổi thường được gọi là trẻ sơ sinh). Luật lao động quy định những người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền tham gia lao động. Luật dân sự Việt Nam quy định “Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi” và “Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi”…Như vậy,kiến nghị đầu tiên của bài viết này là cần phải tiếp tục chỉnh sửa để có tên gọi thống nhất độ tuổi được gọi là “trẻ em” trong hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng đã xác định của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam: “Trẻ em là những người dưới 18 tuổi”. Theo hướng quy định này thì toàn bộ đối tượng của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là trẻ em, trẻ em có quyền đến nhà trẻ từ đủ 3 tháng tuổi và kết thúc giáo dục phổ thông khi vừa tròn 18 tuổi.
Định nghĩa pháp lý về một “trẻ em” nói chung còn được biết tới là một người chưa đến tuổi trưởng thành.Sự phân biệt và công nhận thời thơ ấu như là một trạng thái khác biệt với tuổi trưởng thành xuất hiện trong các thế kỷ 16 và 17, liên quan đến một quan niệm phổ biến và rõ rệt lúc đó: trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ mà là một người dưới sự trưởng thành cần được người lớn bảo vệ, thương yêu và nuôi dưỡng. Trong các bức tranh và tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ, trẻ em thường được mô tả như người lớn thu nhỏ, thậm chí không thấy có đặc điểm của trẻ con. Từ thế kỷ 16, hình ảnh của trẻ em bắt đầu có sự khác biệt và nổi rõ yếu tố trẻ con, đến cuối thế kỷ 17 trở đi trẻ em đã được hiển thị cùng với các trò chơi, đồ chơi. Văn học nghệ thuật cho trẻ em cũng bắt đầu phát triển vào thời điểm này với những đặc điểm của con người thời thơ ấu, chưa trưởng thành. Như vậy,kiến nghị thứ hai của bài viết này muốn lưu ý tới việc đối tượng của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là những người chưa trưởng thành, có những đặc điểm của thời thơ ấu, đang dần trưởng thành để trở thành người lớn chứ không phải là người lớn thu nhỏ, vì vậy cần giữ được tính hồn nhiên, thơ ấu chưa trưởng thành của người học ở các cấp học này. Những vui, buồn của thời học sinh thường trở thành những dấu ấn đặc biệt, thành những kỷ niệm sâu sắc và có những đặc điểm khác hẳn so với những thời kỳ sau đó. Cô giáo mẫu giáo hay tiểu học có thể trở thành những nàng tiên trong mắt em; những ngày trốn học bị đòn, roi; những giỏ xe chở đầy hoa phượng hoặc những vết mực tím vương trên tà áo trắng có thể được mang theo trong suốt cuộc đời người.
Vì đối tượng của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là trẻ em nên không thể không tính đến việc ghi nhận, bảo đảm và thực hiện quyền trẻ em trong từng cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Quyền trẻ em là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em. Việc xem xét quy định và thực hiện quyền trẻ em trong nhà trường phải xuất phát từ quan điểm về quyền trẻ em.Các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em 1989 và trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam gồm bốn nhóm quyền: quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia, được thể hiện cụ thể ở các quyền: được khai sinh và có quốc tịch; được chăm sóc, nuôi dạy để phát triển thể chất, trí tuệ và đạo đức; được sống chung với cha mẹ; được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; được chăm sóc sức khỏe; được học tập; được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; được phát triển năng khiếu; được có tài sản; được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.Như vậy,kiến nghị thứ ba của bài viết này lưu ý các nhà hoạch định chính sách giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông không nên chỉ dừng lại ở thực hiện quyền trẻ em được học tập, được rèn luyện sức khỏe, được tiếp cận thông tin mà cần chú ý bảo đảm thực hiện cả 4 nhóm quyền với 10 quyền cụ thể đã nêu trên.
Pháp luật về trẻ em nhấn mạnh yếu tố quyền của trẻ em mà không xác định trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý của trẻ em, pháp luật về quyền trẻ em chỉ nêu vấn đề “bổn phận” của trẻ như một sự nhắc nhở, như một sự động viên hoặc như một quy phạm hướng dẫn. Quy định của pháp luật về quyền trẻ em xác định thái độ đối với trẻ em mà các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông cần hết sức lưu tâm.Các thái độ xã hội về trẻ em thay đổi trên khắp thế giới tùy theo nền văn hóa và có những bước phát triển tiến bộ về nhận thức theo thời gian. Ngay từ thời La Mã, trẻ em bị coi là không có lỗi về tất cả các tội phạm, lập trường này ngay sau đó được nhà thờ chấp nhận.Tuy nhiênở thế kỷ 19, tại nhiều nơi trên thế giới chỉ trẻ em chưa tới bảy tuổi được cho là không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi, còn từ bảy tuổi trở lên chúng có thể vẫn phải đối mặt với các trách nhiệm pháp lý, bị gửi tới nhà tù của người lớn và bị trừng trị như người lớn: đánh roi, đóng dấu ô nhục hay treo cổ.Ngày nay, ở không ít quốc gia như Canada và Hoa Kỳ, trẻ em từ 12 tuổi trở lên vẫn phải chịu trách nhiệm nhất định cho hành động của chúng và nếu vi phạm pháp luật ở mức độ nhất định vẫn có thể được gửi tới trung tâm giáo dục đặc biệt giống như các trường giáo dưỡng của Việt Nam giành cho trẻ vị thành niên. Mặc dù vậy, Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 và nhất là từ Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989 đến nay, việc xác định trẻ từ em được hưởng quyền trẻ em và không xác định trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em vẫn đang là xu hướng tiến bộ vượt trội, pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận theo hướng này. Kiến nghị thứ tư của bài viết này đề nghị việc hoạch định chính sách pháp luật về giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non cần hướng tới thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em mà không đặt nặng vấn đề trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý đối với trẻ em.
Một câu hỏi có thể được tiếp tục đặt ra là: ai sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của trẻ em trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm pháp luật? Pháp luật dân sự quy định khá rõ ràng về chế định đại diện, trong đó có đại diện cho trẻ em. Đại diện là việc một người (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật. Nếu trẻ em không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì người giám hộ cho trẻ em là người đại diện theo pháp luật. Giám hộ đối với người chưa thành niên là việc một người(người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên (người được giám hộ).Một người có thể làm đại diện hoặc giám hộ cho nhiều trẻ em, nhưng một trẻ em chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người đại diện hoặc giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định về giám hộ đương nhiên... Khi đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của trẻ em đưa con em đến trường học là đã thực hiện một hợp đồng đối với nhà trường, trong đó hiệu trưởng nhà trường, chủ nhiệm lớp, người phụ trách từng hoạt động của lớp… có quyền thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em với tư cách là đại diện theo ủy quyền và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động chuyên môn của mình đối với trẻ em. Kiến nghị thứ năm của bài viết này đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm pháp lý trong quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, một đặc thù nổi bật và riêng có của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Một mặt cần nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để phối hợp cùng nhà trường tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục cao, mặt khác cần thiết và có thể phải cá thể hóa và đề cao trách nhiệm pháp lý của từng người đại diện và người giám hộ của trẻ em trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. Kinh nghiệm giáo dục của nhiều nước có giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phát triển cao cho thấy, nhà trường luôn tạo mối liên hệ gắn bó và kịp thời với từng gia đình, đòi hỏi từng người làm cha mẹ phải tôn trọng hoạt động của nhà trường đồng thời có trách nhiệm phối hợp cùng nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Các phân tích trên đây có thể dễ dàng cho thấy người học trong giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non được hưởng đầy đủ các quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời trách nhiệm thực hiện và bảo đảm thực hiện các quyền ấy là thuộc về người lớn. Có một nghịch lý rất lớn đang diễn ra: người lớn đã đóng đủ các thứ thuế rồi và ngày càng nhiều thứ thuế, ngày càng tăng lên về mức thuế nhưng trẻ em đi học vẫn có nghĩa vụ phải đóng thuế để đi học, dưới tên gọi là học phí và nhiều khoản thu ngoài học phí, các khoản đóng góp ấy cũng ngày càng tăng lên. Trẻ em là lứa tuổi cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, chưa làm ra tiền của cho xã hội và pháp luật cũng cấm lao động trẻ em, nhưng trẻ em đi học vẫn phải có tiền để đóng học phí, kể cả giáo dục phổ cập vẫn phải đóng tiền. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, tiền của dành cho giáo dục là chăm sóc cho hạnh phúc hôm nay và phát triển ngày mai. Kiến nghị thứ sáu của bài viết này là miễn toàn bộ học phí cho người học ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, kể cả giáo dục công lập và tư thục. Đất nước càng nghèo càng phải tính đến việc miễn học phí, bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em và không bắt trẻ em phải có nghĩa vụ gì, làm như vậy thì mới có thể thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, vươn tới tầm cao sánh vai với các cường quốc năm châu được.
Giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non là giáo dục trẻ em, một công việc mang tính khoa học và nghệ thuật rất cao. Lợi ích của giáo dục tuổi trẻ không chỉ gói gọn trong những gì người học thu nhận được trong chương trình giáo dục mà có ảnh hưởng tới khả năng nghiên cứu, khám phá, phát triển, tư duy, cá tính, khả năng thành công của trẻ và nhân cách con người trong những năm tháng tiếp theo tại các cấp học cao hơn và suốt cả cuộc đời.Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mầm non và phổ thông thì không thể không quan tâm đến đổi mới và nâng cao chất lượng quan hệ tương tác giữa nhà giáo và người học. Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Vì thế, cùng với việc thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, đặt ra yêu cầu cao đối với giáo viên về năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp thì cần có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học. Theo yêu cầu này thì kiến nghị thứ bảy của bài viết này là cần nhanh chóng nâng dần mức lương và phụ cấp nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông, bảo đảm tiến tới lương giáo viên phải nằm ở mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Kiến nghị thứ tám của bài viết này đề nghị cần xác định rõ ràng các mốc phát triển của trẻ em để xác định các yêu cầu và mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của trẻ, thống nhất về giáo dục kỹ năng trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục gia đình.Một mốc phát triển của trẻ là một kỹ năng mà trẻ tiếp nhận được trong một giai đoạn cụ thể; trẻ sẽ cần phải đạt được một vài kỹ năng này trước khi có thể phát triển những kỹ năng mới khác. Mỗi trẻ đều có một sự phát triển riêng biệt của mình và có thể đạt được các cột mốc phát triển sớm hơn hoặc muộn hơn so với các trẻ khác. Mặc dù vậy, luôn có mốc thời gian giới hạn nhất định mà tất cả mọi trẻ phải đạt được một kỹ năng nào đó (nếu không thể đạt được các kỹ năng cần thiết theo lứa tuổi thì trẻ em đó đã có những vấn đề không bình thường trong phát triển, ví dụ đã 5 tuổi mà không biết nói, đã 10 tuổi mà không thể tự phục vụ…Trong những trường hợp này, việc đánh giá, tham vấn và điều trị cần có sự vào cuộc không chỉ nhà sư phạm mà cần nhiều chuyên gia khác nhau bao gồm bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, chuyên gia phục hồi chức năng, chuyên viên tâm lý, chuyên gia thính học...).“Con chỉ việc học thôi, việc nhà để đấy mẹ làm cho” là câu nói khá quen thuộc với các bậc phụ huynh Việt Nam. Với phần lớn bố mẹ Việt, chỉ cần con học giỏi ở trường là đủ, thế nhưng với nhiều nước khác thì không quan niệm như vậy. Chẳng hạn người Do Thái coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tự lập, sáng tạo và tốt đẹp hơn. Theo phụ huynh Israel, muốn bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn độc lập của con, trước hết phải bồi dưỡng kỹ năng làm việc, như thế dù con có đi khắp năm châu bốn bể, phụ huynh cũng không cần lo lắng cho cuộc sống của chúng. Vì thế giữa nhà trường và gia đình ở Israel đã thống nhất cao về các mốc phát triển của trẻ em:từ ba đến bốn tuổiphải biếtđánh răng, giúp cha mẹ cất quần áo và đồ dùng gọn gàng, dọn dẹp phòng ở và thu xếp đồ chơi, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt; từ bốn đến năm tuổi biếtgiúp cha mẹ lau bàn, giúp người lớn lấy một vài tờ báo, tưới nước cho cây trong nhà; từ sáu đến tám tuổi biết làm hầu hết các công việc vệ sinh cá nhân, quét dọn, lau sàn nhà trong phòng của mình, mang rác xuống thùng rác, biết dọn bàn ăn, bỏ đồ linh tinh vào nơi thích hợp, sắp xếp giường chiếu của mình; chín đến mười hai tuổi, tự làm tất cả các công việc vệ sinh cá nhân, lau chùi đồ dùng trong nhà, giặt một số quần áo, lau sàn nhà phòng khách, giúp mẹ nhặt rau, rửa rau trong phòng bếp; mười ba đến mười lăm tuổi, chuẩn bị bữa cơm cho các thành viên trong gia đình, giặt giũ toàn bộ quần áo của mình, giúp cha mẹ hoàn thành một vài việc khá rắc rối, dự toán tiền cho mình, lựa chọn mua sắm quần áo, làm một số công việc ở khu vực lân cận, là quần áo; từ mười sáu đến mười tám tuổi,làm thuê kiếm tiền ở bên ngoài, đi du lịch dưới sự quản giáo của người lớn, lập kế hoạch đạt trình độ học vấn cao, tự lo liệu chuyện ăn mặc của cá nhân, lên kế hoạch và chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà.Giáo dục ở Hoa Kỳ và châu Âu rất coi trọng tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của mỗi người. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Họ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công, nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ em mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn. Vì vậy, bất cứ sự chăm sóc nào từ phía người lớn cũng phải tạo cho trẻ em những cơ hội để rèn luyện cho trẻ các kỹ năng, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành ngay tại nhà.
Một nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ở đâu ông học được những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy? Ông đã trả lời rằng: Nơi tôi học được nhiều nhất đó là trường mầm non, vì rằng ở đó người ta dạy tôi biết cách ứng xử, biết tuân thủ các quy định, biết nói xin lỗi khi mình sai. Câu trả lời của nhà khoa học có lẽ nên được mở rộng ra: Nơi học được nhiều nhất là giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non, vì đó là nơi người lớn giáo dục cho trẻ em, những tấm gương sáng và tối, những vinh quang và thất bại của người lớn đều được truyền cho đối tượng của các cấp học này là trẻ em. Xác định đúng đặc điểm của loại đối tượng này để lựa chọn đúng giải pháp sẽ là một huyệt điểm quan trọng để đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non đạt kết quả tốt đẹp.
PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh
Link bài viết: http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/phan-tich-nghien-cuu/mot-so-van-de-phap-ly-ve-giao-duc-tre-em-cap-pho-thong-va-mam-non-22753.html