Câu hỏi: Tôi muốn hỏi một việc như sau. Bản án của Tòa án khi giải quyết ly hôn có quyết định giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ nuôi. Sau đó người mẹ tái hôn và không trực tiếp chăm sóc con mà giao cho ông bà ngoại nuôi cháu bé. Nếu bố cháu bé muốn giành lại quyền nuôi con thì có được không?
Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì bố của cháu bé có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu rõ 02 căn cứ để Tòa án giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, bao gồm:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, trong trường hợp người bố muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì có thể thỏa thuận với người mẹ về việc này.
Nếu trường hợp bố và mẹ của cháu bé không thể thỏa thuận được thì người bố có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người bố có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bố cháu bé phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, người bố cần chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ và chứng minh người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.