Vài ngày nay cả mấy thôn trong xã đều nháo nhác về chuyện dịch tả lợn Châu Phi hoành hành. Riêng nhà anh Tiến thì cửa đóng im ỉm. Ngôi nhà này bình thường vào chập tối vẫn đầy ắp tiếng trẻ con nô đùa xen lẫn âm thanh vô tuyến, nay im ắng lạ thường. Có lúc còn nghe tiếng vợ anh quát con rồi khóc lóc kêu trời than khổ. Dân trong xóm xì xào bàn tán về việc anh Tiến vừa bị phạt “một vố đau” vì vận chuyển lợn nhiễm dịch tả Châu Phi sang xã bên cạnh. Có người chép miệng ái ngại thương vợ chồng anh hiền lành mà bị phạt, người khác thì bảo: Hiền lành nhưng ai bảo nghe xui dại, lại hơi tham nữa nên bị phạt đâu có oan!
Vợ chồng anh Tiến đều là người khuyết tật vận động, họ có ba đứa con, đứa lớn và thứ hai đều đang học tiểu học, đứa út thì mới lên ba. Không thể nhận ruộng khoán do sức khỏe yếu, vợ chồng anh đã xoay xở vay vốn chăn nuôi. Kinh tế nhà anh Tiến khá eo hẹp vì chủ yếu trông vào chút tiền lời bán đàn lợn sau mỗi kỳ xuất chuồng. Thi thoảng hái được vài trái đu đủ, hồng xiêm trong vườn hoặc gom được chục trứng gà, vợ anh đều mang ra chợ bán để kiếm thêm vài đồng mua rau, mua mắm cho cả nhà.
Tối hôm trước, một đoàn cán bộ gồm cán bộ xã, cán bộ thú y và trưởng thôn… có ghé tận nhà anh Tiến phát tờ thông báo khẩn của xã và trực tiếp thông báo về việc thôn đang bị khoanh vùng gấp vì nghi ngờ bị lây và thành ổ dịch lợn Châu Phi. Đoàn cán bộ yêu cầu toàn bộ đàn lợn của các gia đình trong thôn phải cách ly và tiến hành các biện pháp kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh, cũng đồng thời yêu cầu các gia đình tuyệt đối không vận chuyển lợn, thịt lợn sang khu vực ngoài phạm vi thôn, xã mình và nếu có tiêu hủy thì sẽ được trợ giá. Nghe phổ biến mà hai lỗ tai anh Tiến lùng bùng, miệng vầng vầng, đầu gật gật mà ruột như lửa đốt. Anh đã xem trên tivi, cũng hiểu là dịch tả lợn Châu Phi rất khủng khiếp, đang hoành hành trên thế giới và đã lan sang cả một số tỉnh ở Việt Nam. Nhiều nơi họ đã phải tiêu hủy hàng vài trăm con lợn. Nhưng anh luôn nghĩ đấy là “chuyện thiên hạ”, xảy ở đâu đó xa xôi, chứ chả bao giờ nghĩ cái dịch tả oái ăm ấy lại lan đến thôn mình, nhà mình. Nhìn đàn lợn “mơn mởn” con nào con ấy vài chục ký đang đi lại trong chuồng, vợ chồng anh buồn nẫu nà, lo tiếc công tiếc của.
Tuần trước ông Hùng lái buôn quen đã vào xem đàn lợn nhà anh Tiến và nói ngót 10 ngày nữa là có thể xuất chuồng được, ai dè… Thật ra một con trong đàn lợn nhà anh có biểu hiện bỏ ăn từ chiều qua, nhưng anh đoán nó ốm xoàng xoàng nên cũng để từ từ theo dõi. Nhưng, anh lại nghĩ: nếu nói dại, lợn nhiễm bệnh dịch phải tiêu hủy là mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình, lấy gì trả nợ ngân hàng, lấy gì trang trải cuộc sống? Anh Tiến bần thần, đầu óc rối như tơ vò. Rồi anh vồ lấy điện thoại gọi cho anh em, bạn bè trong xóm, ngoài xóm để xin “hiến kế” cứu đàn lợn. Người thì khuyên anh Tiến bình tĩnh, cứ theo chỉ dẫn của xã, hy vọng đàn lợn không nhiễm bệnh, người thì khuyên phải bán tống bán tháo ngay… Cuối cùng anh nói với vợ: “Để anh gọi cho ông Hùng lái buôn xem có cách gì, còn nước còn tát”. Chị vợ nước mắt vòng quanh nhưng vẫn nói: “Anh xem thế nào, hay cứ đợi mai họ kiểm tra lợn nhà mình đã, chứ làm thế liều lắm, nhỡ ra…thì khổ”. Anh khoát tay gạt đi, rồi bấm máy gọi ông Hùng. Gã lái lợn đồng ý mua với giá bằng một phần ba giá vẫn thu mua với lý do…xuất chuồng sớm?! Gã hẹn địa điểm xã bên và bảo anh Tiến tự chở sang đó, đúng 3h30 sáng gã sẽ đón ở xã bên. Trong lúc bối rối, anh Tiến đồng ý ngay, anh đâu ngờ gã lái lợn tinh ranh đã tính toán đâu đấy để nhỡ “có chuyện gì” thì vô can.
Đúng theo kế hoạch, hơn 3 giờ sáng anh Tiến đã hẹn anh Hoàng cùng làng, chất mấy con lợn to nhất lên xe chở sang xã bên cạnh. Xe đi được hơn một cây số, đường không một bóng người, nhìn nhà cửa, cây cối hai bên anh Tiến biết là sắp hết địa phận xã mình, thấy tràn trề hy vọng. Bỗng một hồi còi lảnh lót rít lên, bốn năm bóng người đeo băng đỏ xuất hiện ra hiệu dừng xe. Anh Tiến hốt hoảng nhìn ra phía trước thì thấy một chiếc rào chắn ngăn xã anh với xã bên không biết đã được dựng lên từ lúc nào. Hóa ra, trạm kiểm dịch của xã. Nhận ra anh Tiến, anh cán bộ xã nghiêm mặt: Chập tối qua chúng tôi đã đến thông báo, sao gia đình còn vi phạm? Nhìn quanh, anh Tiến thấy vài chiếc xe chở lợn giống như xe chở lợn nhà anh cũng đều bị giữ lại trước trạm kiểm dịch. Ngay sau đó, đoàn cán bộ kiểm dịch đã tạm giữ toán bộ số lợn nhà anh Tiến và một số nhà khác, đưa lên xe chở đến nơi tập kết kiểm dịch động vật. Anh Tiến run run ký vào biên bản sau khi nghe anh cán bộ đọc rõ nội dung tạm giữ đàn lợn. Ngay 9h sáng hôm đó, cán bộ kiểm dịch thông báo kết quả: Đàn lợn nhà anh Tiến và hầu hết lợn trong mấy thôn của xã đều bị nhiễm dịch tả Châu Phi, phải đưa đi tiêu hủy gấp.
Khi nhận được quyết đinh xử phạt hành chính, anh Tiến thấy đất như sụt dưới chân. Thiệt hại từ đàn lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy, lại còn chịu một khoản tiền phạt khá lớn so với thu nhập của vợ chồng anh lại càng cay đắng.
Khoản a, mục 5, điều 8, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;.. |