Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo “An sinh xã hội cho người khuyết tật, kinh nghiệm quốc tế và phương pháp tiếp cận ở Việt Nam”, Ts.Matthias Meissner - Giảng viên Đại học Bochum, Cộng hòa Liên bang Đức đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Đức trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội với người khuyết tật. Tạp chí Người Bảo trợ xin giới thiệu đến quý độc giả.
Một tỷ người, tương đương 15% dân số thế giới là NKT (nhóm thiểu số lớn nhất thế giới) đây là một thách thức cho nhiều quốc gia, nhiều Chính phủ. NKT thường có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề hơn do những hậu quả của kinh tế xã hội so với người bình thường như: thường có tỷ lệ giáo dục thấp hơn, sức khỏe kém hơn, ít có khả năng tìm kiếm việc làm (toàn thời gian), chủ yếu làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có tỉ lệ nghèo cao hơn.
Bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 đã khẳng định quyền về an sinh xã hội. Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của NKT khuyến khích người khuyết tật có thể hòa nhập đầy đủ trong xã hội. Quyền về an sinh xã hội cho NKT được thể hiện thông qua việc đưa ra các tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ phù hợp một cách bình đẳng, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của NKT, an sinh xã hội và giảm nghèo, hỗ trợ chi phí liên quan đến NKT, chương trình nhà ở công cộng, chương trình và phúc lợi hưu trí…
Tại Đức, an sinh xã hội cho NKT được kết hợp với chính sách thị trường lao động chủ động, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội, chính sách về giáo dục và dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong 80,8 triệu người Đức, chúng tôi có khoảng 10,2 triệu NKT (tương đương 13% dân số). Trong đó có 7,5 triệu người (chiếm 9,4% dân số) bị khuyết tật nặng. Quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề an sinh xã hội với NKT là sự kết hợp các quy định và chính sách trong mọi lĩnh vực (thị trường lao động, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội…) tuy nhiên vẫn phải chú trọng đến quyền tự quyết của NKT.
Chúng tôi có ngân sách cá nhân dành cho NKT. Theo đó, đối tượng được hưởng lợi từ nguồn quỹ phục hồi chức năng được phép chọn tham gia dịch vụ hoặc nhận trợ cấp bằng hiện vật (giống như lựa chọn người cung cấp dịch vụ). Thường thì NKT sẽ chọn hình thức nhận tiền trợ cấp và tự tổ chức các dịch vụ của mình, xây dựng các dịch vụ định hướng khác. Họ có quyền sử dụng tiền trợ cấp và quyết định lấy dịch vụ ở đâu chứ không phải phụ thuộc vào chính phủ.
Chúng tôi có các chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT đang tìm kiếm việc làm chính thức (đào tạo tại chỗ và các hình thức khác). Đây là chính sách thị trường lao động chủ động rất mạnh của Đức. Sự hỗ trợ với NKT có thể bằng hình thức cung cấp người trợ giúp hoặc phần mềm hỗ trợ.
Tại Đức, chúng tôi có chương trình Quản lý hòa nhập tại nơi làm việc, áp dụng bắt buộc đối với tất cả lao động không thể làm việc liên tục 6 tuần/năm. Khi xuất hiện trường hợp người lao động không thể làm việc liên tục trong 6 tuần vì lý do khuyết tật, ốm đau, người sử dụng lao động, người lao động và thành viên Hội đồng lao động phải ngồi lại với nhau trong một cuộc họp mở (có sự tham gia của nhiều người lao động khác nữa) để đánh giá khả năng làm việc, mức độ thích nghi của NKT, xem xét cách thức tốt nhất để giúp người lao động khuyết tật vượt qua thời điểm này và xác định hình thức hỗ trợ cần thiết để hạn chế tình trạng ngưng việc nhằm duy trì vị trí công việc của họ.
Bảo hiểm tai nạn lao động (hay Bảo hiểm xã hội) có vai trò quan trọng ở Đức trong việc ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và mối nguy hiểm sức khỏe tại nơi làm việc thông qua thông tin, quy định và kiểm tra. Đặc biệt, chúng tôi có Quỹ Phục hồi chức năng sau tai nạn lao động thuộc bảo hiểm tai nạn lao động, được sử dụng để điều trị y tế và phục hồi chức năng lao động và xã hội sau tai nạn lao động để giảm thiểu khuyết tật và giúp người lao động nhanh chóng quay trở lại làm việc. Ngoài ra, bảo hiểm tai nạn lao động cũng được sử dụng để trợ cấp tiền mặt hoặc hiện vật đối với lao động bị bệnh và lao động khuyết tật.
Để giảm thiểu tình trạng khuyết tật do tai nạn lao động, kinh nghiệm của chúng tôi là cần thực hiện phục hồi chức năng lao động ngay sau tai nạn lao động để hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc sớm nhất có thể. Khi một người bị tai nạn lao động, họ sẽ được điều trị y tế tại Bệnh viện/Trạm y tế gần nhất. Nếu cần thiết, họ sẽ được chuyển trực tiếp lên Bệnh viện chuyên khoa có bảo hiểm tai nạn lao động. Họ sẽ được tiếp tục điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng để giúp sớm quay trở lại làm việc. Nếu cần thiết, Giám đốc doanh nghiệp sẽ can thiệp giải quyết các vấn đề về hòa nhập tại nơi làm việc, lợi ích, trợ cấp…Thường thì sau vài tháng điều trị, người lao động có thể quay lại làm việc bình thường. Nếu không thể tiếp tục công việc, cán bộ công tác xã hội trong Bệnh viện, Trung tâm Phục hồi chức năng sẽ liên lạc với cơ quan Nhà nước để đảm bảo chính sách tìm việc làm mới, phương pháp giải quyết giúp người lao động quay lại thị trường lao động. Trong các trường hợp này, vai trò của người quản lý ca đặc biệt quan trọng.
ở bất kỳ đâu, NKT dù là phụ nữ hay đàn ông cũng muốn trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng không phải ai cũng có thể cạnh tranh trong thị trường lao động trong lần đầu tiên. Phần lớn có thể nhưng không thể nhận được trợ cấp phù hợp. Việc làm thể hiện địa vị và mức độ tham gia xã hội của NKT, đồng thời việc làm cũng đóng góp vào GDP cũng như chương trình bảo hiểm. ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển, việc thúc đẩy hòa nhập xã hội và cơ hội việc làm cho NKT đòi hỏi việc tiếp cận giáo dục cơ bản và dạy nghề, thừa nhận các kỹ năng, quyền lợi và khả năng của NKT.
Để giúp NKT hòa nhập cần thiết phải có sự nỗ lực chung của tất cả các thành phần trong xã hội. Tại khu vực công (luật, hành chính…) cần có quy định và quy trình về an sinh xã hội cho NKT (nhằm chống lại phân biệt đối xử, tạo ra thị trường lao động tích cực, xây dựng bảo hiểm xã hội/trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội). Vai trò của khu vực tư nhân/chủ sử dụng lao động cần quy định nơi làm việc và cơ hội làm việc phù hợp cho NKT, tự bản thân phải tiến bộ trong việc nhìn nhận khả năng của NKT. Các đoàn thể, nhóm tự lực và tổ chức phi chính phủ cần quan sát quyền của NKT, trung gian hòa giải giữa các bên liên quan, phản hồi từ cấp cơ sở tới nhà hoạch định chính sách đồng thời thiết kế, thực hiện chính sách tại địa phương. Đối với NKT, điều quan trọng nhất là phải hiểu và đấu tranh đòi quyền lợi và hòa nhập xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ