Bài viết đề cập đến vấn đề việc làm của phụ nữ khuyết tật, trong đó chỉ ra những khó khăn, thuận lợi của phụ nữ khuyết tật trong công việc cũng như trên con đường tìm kiếm việc làm và đề xuất những chính sách mang tính đặc thù đối với việc làm cho phụ nữ khuyết tật.
Người khuyết tật được coi là một trong những nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm phụ nữ khuyết tật. Vì vậy nghiên cứu về thực trạng sức khỏe, việc làm, chỉ ra những nguyên nhân góp phần đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện sống, và làm việc đối với người khuyết tật là một việc làm hết sức cần thiết. Trong năm 2012, Viện Nghiên cứu Phụ nữ thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành dự án Điều tra cơ bản thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Dự án được thực hiện tại 3 tỉnh đại diện cho 3 miền trên cả nước là Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh với tổng số 600 mẫu định lượng và 45 mẫu định tính, thời gian khảo sát tháng 6 và tháng 7/2012 do Lưu Song Hà chủ nhiệm đề tài. Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì.
1. THỰC TRẠNG VIỆC LÀM CỦA PHỤ NỮ KHUYẾT TẬT
1.1. Tình trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật
Theo số liệu khảo sát, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật có việc làm chiếm chưa tới 1/3 số phụ nữ khuyết tật, thấp hơn nhiều so với số phụ nữ khuyết tật không có việc làm. Trong số những phụ nữ khuyết tật hiện đang thất nghiệp cũng có những người đã từng có việc làm nhưng phải bỏ việc giữa chừng bởi rất nhiều lý do.
Hơn một nửa số phụ nữ khuyết tật tại các địa bàn khảo sát chưa bao giờ đi làm và 16,4% đã từng đi làm nhưng hiện nay đang thất nghiệp đồng nghĩa với việc có bằng ấy con người đang phải sống nhờ vào sự trợ giúp của xã hội và gia đình.
Tương quan giữa tình trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật theo các nhóm cho thấy, nhóm phụ nữ khuyết tật dưới 25 tuổi đang có việc làm là rất thấp, chỉ có 10,9%, phần lớn trong số họ chưa từng đi làm. Số phụ nữ đang có việc làm, đã từng có việc làm hay chưa bao giờ đi làm ở 2 nhóm tuổi (25-40 tuổi và trên 40 tuổi) còn lại là tương đương. Cứ 1 người ở độ tuổi từ 25 đến 40 đang có việc làm thì cũng có 1 người ở độ tuổi trên 40 có việc làm và cũng tương tự như vậy đối với số phụ nữ đã từng đi làm hoặc chưa bao giờ đi làm. Hay nói cách khác, không có sự khác biệt về tình trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật ở hai nhóm tuổi từ 25 đến 40 và trên 40.
1.1.1. Công việc không phù hợp sức khỏe Có gần 30% phụ nữ khuyết tật tham gia khảo sát cho rằng mình không đủ sức khỏe để làm việc. Cụ thể là có 42,3% số người bỏ việc vì lý do sức khỏe, 31,8% mất việc và 27,5% chưa từng đi làm cũng vì lý do sức khỏe không đảm bảo. 25% số phụ nữ khuyết tật bỏ việc và 13,6% mất việc do khó khăn trong việc đi lại. Trên 10% chưa bao giờ đi làm cũng vì lý do này. Người khuyết tật di chuyển khó khăn do tình trạng khuyết tật của họ, và do sự không thuận lợi trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng như đường xá, xe buýt, thang máy.
Hiệu quả công việc thấp, là nguyên nhân tiếp theo khiến cho phụ nữ khuyết tật phải bỏ việc hoặc bị mất việc (9,6% bỏ việc và 13,6% mất việc). Số phụ nữ khuyết tật bị mất việc do chủ lao động sa thải là 13,6% và 4,5% số người chưa bao giờ đi làm bị từ chối khi đi xin việc làm.
1.1.2. Không tìm được việc làm phù hợp Phụ nữ khuyết tật chưa bao giờ đi làm vì không thể tìm được việc làm phù hợp có 13%. Phỏng vấn sâu một phụ nữ khuyết tật về vận động do bị tai nạn cho thấy, chị chỉ mơ ước có một chút vốn để chăn nuôi nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình nhưng không thể có được. Ngoài ra, không có việc làm phù hợp ở đây bao hàm rất nhiều nghĩa: không phù hợp với dạng khuyết tật, không phù hợp giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng với khả năng đáp ứng của người khuyết tật, đặc biệt khi họ là phụ nữ, thể chất không thể bằng nam giới, nên bị phân biệt, đối xử, kỳ thị. Trong khảo sát của dự án, có 3,4% số phụ nữ khuyết tật chưa từng đi làm vì bị kỳ thị, 4,5% người bị mất việc do mặc cảm về tình trạng khuyết tật của mình.
1.1.3. Nghề nghiệp của phụ nữ khuyết tật Phụ nữ khuyết tật chủ yếu làm những công việc mang tính tự phát, đó là thực trạng chung của hầu hết những đối tượng tham gia khảo sát. Phụ nữ khuyết tật thường có trình độ học vấn không cao, do đó, họ chọn những nghề lao động giản đơn, ít phải đầu tư chất xám. Theo kết quả khảo sát, trong số những phụ nữ khuyết tật hiện đang đi làm có 22,7% làm nghề thêu, may, 18,2% buôn bán nhỏ và 13% làm thuê, 7,8% làm tóc và còn lại là các nghề khác như công nhân, làm ruộng, chăn nuôi, xay xát, phụ việc, làm nón....
Phụ nữ khuyết tật dưới 25 tuổi chỉ tập trung vào một số nghề như làm tóc, mát xa, may/thêu (44,4%, 22,2% và 22,2%). Trong khi biên độ nghề nghiệp của phụ nữ ở hai nhóm tuổi còn lại rộng hơn, ngoài các nghề trên, họ còn bán vé số dạo và buôn bán nhỏ (18,7% và 26,2%). Cũng không có sự đồng nhất về tình trạng nghề nghiệp hiện nay của phụ nữ khuyết tật ở các nhóm tuổi khác nhau. Mức độ thay đổi về nghề nghiệp cho thấy sự không bền vững về nghề nghiệp của phụ nữ khuyết tật và càng nhiều tuổi với sự tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, phụ nữ khuyết tật càng có nhiều hơn các cơ hội lựa chọn nghề nghiệp.
1.1.4. Khu vực làm việc
Số phụ nữ khuyết tật tự làm việc tại nhà 64,1%, tại Hội người khuyết tật 13,2% và chỉ có 1,2% làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của nhà nước, 5,9% tại các cơ sở tư nhân. Như vậy, nhận định về tính tự phát trong công việc của phụ nữ khuyết tật là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài sự hỗ trợ của Hội người khuyết tật, xã hội chưa có sự đầu tư thích đáng đối với vấn đề việc làm của phụ nữ khuyết tật trong đó phải kể đến các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
1.2. Điều kiện làm việc của phụ nữ khuyết tật
1.2.1. Thời gian làm việc
Luật Lao động quy định người khuyết tật không làm việc quá 7 giờ/ngày hay 42 giờ/tuần. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật phân bổ khá tương đồng ở các nhóm thời gian làm việc, tuy nhiên 19,6% số phụ nữ khuyết tật hiện nay đang làm việc trên 8 giờ một ngày, có nghĩa là một số lượng phụ nữ khuyết tật đang làm việc quá sức và không đúng như trong Luật Lao động đã quy định.
1.2.2. Mức độ hài lòng với công việc 37,6% phụ nữ khuyết tật thực sự hài lòng với công việc của mình, 39,4% trong số họ hài lòng một phần và có 22,9% không hài lòng. Có thể thấy phần lớn trong số những phụ nữ khuyết tật đang đi làm có sự hài lòng trong công việc, đây là tín hiệu đáng mừng dù không có nhiều phụ nữ khuyết tật đang làm việc và là yếu tố đáng được xem xét trong việc thu hút người lao động là phụ nữ khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật dưới 25 tuổi có mức độ không hài lòng với công việc cao hơn hai nhóm tuổi còn lại với 27,3% so với 22,1% và 22,5%.
1.2.3. Thu nhập từ việc làm
Gần 40% có đóng góp từ 11-30% thu nhập của gia đình, 22,2% đóng góp từ 31-50% thu nhập và có 5,9% đóng góp trên 50% thu nhập. Tác giả chưa có cơ hội tìm hiểu về đóng góp của nam giới khuyết tật đối với gia đình, nhưng những số liệu thu được qua quá trình khảo sát cho thấy phụ nữ khuyết tật có những năng lực nhất định trong việc đóng góp thu nhập trong gia đình. Điều này khẳng định khả năng làm việc của phụ nữ khuyết tật là rất khả quan và nếu được quan tâm hơn nữa, chúng ta sẽ không bỏ phí nguồn lực lao động này.
1.2.4. Đánh giá điều kiện làm việc
Gần ¼ số phụ nữ khuyết tật cho rằng mình đang làm việc trong điều kiện tốt và ¼ số phụ nữ khuyết tật cho rằng mình đang làm việc trong điều kiện không tốt. Như vậy, cứ 4 phụ nữ khuyết tật đang đi làm thì có 1 phụ nữ phải làm việc trong điều kiện không tốt.
Về thực trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật có thể đưa ra những kết luận sau. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật đang đi làm là rất thấp vì gặp nhiều khó khăn trong việc tìm và giữ việc làm. Công việc nghèo nàn, có ít việc để lựa chọn và chủ yếu là việc làm phi chính thức. Trong số người đang làm việc có tới gần 20% làm việc quá 8giờ một ngày. Tuy vậy, họ vẫn ít nhiều hài lòng với công việc của mình, số không hài lòng với công việc chủ yếu rơi vào nhóm trẻ dưới 25 tuổi. Những người đang đi làm đều có đóng góp trong thu nhập của gia đình và cố gắng nâng cao giá trị bản thân từ hoạt động việc làm.
- Có đến ¼ số phụ nữ khuyết tật phải làm việc trong điều kiện không tốt.
1.3. Nhu cầu hỗ trợ việc làm của phụ nữ khuyết tật
Bảng 1. Nhu cầu hỗ trợ việc làm của phụ nữ khuyết tật |
|
|
|
|
|
||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Các nhóm đối tượng phụ nữ khuyết tật |
|
|
|
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nhu cầu hỗ trợ việc làm |
Phụ nữ khuyết tật |
Phụ nữ khuyết tật |
Phụ nữ khuyết tật |
|
|
|||
|
đang đi làm |
đã từng đi làm |
chưa bao giờ đi làm |
|
|
||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Số phụ nữ |
Tỷ lệ |
Số phụ nữ |
Tỷ lệ |
Số phụ nữ |
Tỷ lệ |
|
|
|
|
khuyết tật |
% |
khuyết tật |
% |
khuyết tật |
% |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Học nghề |
88 |
24,6 |
38 |
26,8 |
197 |
32,6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giới thiệu, tạo việc làm |
91 |
25,5 |
50 |
35,2 |
165 |
27,3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Vay vốn ưu đãi |
76 |
21,3 |
26 |
18,3 |
73 |
12,1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cung cấp thông tin việc làm |
60 |
16,8 |
16 |
11,3 |
97 |
16,0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Không kỳ thị, phân biệt |
42 |
11,8 |
12 |
8,5 |
73 |
12,1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
357 |
100,0 |
142 |
100,0 |
605 |
100,0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án tháng 6-7/2012 tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh.
Trong các nhu cầu hỗ trợ việc làm của phụ nữ khuyết tật nổi lên 2 nhu cầu lớn là học nghề và giới thiệu/tạo việc làm, tiếp theo đó là vay vốn ưu đãi, cung cấp thông tin về việc làm và không kỳ thị (Xem Bảng 1).
Có đến hơn ¼ số phụ nữ khuyết tật mong muốn được giới thiệu/tạo việc làm. Rõ ràng, những khó khăn trong công việc đã khiến họ không an tâm và mong muốn có được một công việc khác thuận lợi và ổn định hơn.
Ngoài ra, 24,6% mong muốn được học nghề, 21,3% muốn được vay vốn ưu đãi và 16,8% muốn được cung cấp thông tin về việc làm.
Phụ nữ đã từng đi làm và phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, nhưng không có nghĩa họ không muốn đi làm nữa. Điều này được khẳng định bằng tỷ lệ 35,2% số phụ nữ khuyết tật thuộc nhóm này mong muốn được giới thiệu và tạo việc làm, 26,8% trong số họ muốn được học nghề và 18,3% mong muốn được vay vốn ưu đãi.
Phụ nữ khuyết tật chưa bao giờ đi làm bởi những lý do khác nhau nhưng mong muốn được làm việc trở thành khát khao cháy bỏng trong họ, khi mà 32,6% trong số họ mong muốn được học nghề và 27,3% muốn được giới thiệu/tạo việc làm. Những phụ nữ khuyết tật tham gia phỏng vấn sâu đều cho rằng, họ cần được làm việc và mong muốn được tự nuôi sống bản thân mình, hoặc ít ra thì “Có một chút để đỡ gánh nặng cho gia đình”.
2. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG VIỆC CỦA PHỤ NỮ KHUYẾT TẬT
2.1. Thuận lợi
Phụ nữ khuyết tật nhận được sự hỗ trợ ưu đãi từ chính sách của Nhà nước về việc làm. Nhà nước quan tâm và bảo hộ quyền làm việc của người khuyết tật. Bộ luật Lao động ban hành năm 1994 đã dành một mục riêng với 4 điều quy định về lao động là người khuyết tật và khẳng định: “Nhà nước bảo hộ quyền làm việc của người tàn tật và khuyến khích việc thu nhận, tạo việc làm cho người tàn tật”. Nhà nước cũng thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho người khuyết tật tạo việc làm.
Nhà nước ban hành những chính sách yêu cầu trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tạo việc làm cho người khuyết tật. Những ưu đãi này được phát triển cụ thể trong Nghị định 81/CP ban hành ngày 23/11/1995 và Nghị định 116/2004/NDCP ban hành ngày 23/4/2004, gần đây được sửa đổi bằng Thông tư liên Bộ số 19/2005/TTLT/ BLĐTBXH ban hành ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những Nghị định nêu trên thiết lập hệ thống hạn ngạch về việc làm cho người khuyết tật.
Nhà nước đưa ra những quy định riêng liên quan đến điều kiện làm việc nhằm đảm bảo sức khỏe cho người khuyết tật.
Những nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị (chính quyền địa phương; các tổ chức từ thiện; tổ chức của người khuyết tật; các tổ chức khác).
2.1.1. Nguồn lực vật chất-vốn
Nguồn ngân sách của Nhà nước trong vấn đề hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật còn hạn hẹp, do vậy Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương hàng năm vẫn kêu gọi sự trợ giúp từ các cơ quan, ban ngành, các Hội đoàn thể trong tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng những kế hoạch hỗ trợ và gửi cho các ban, ngành kêu gọi việc thực hiện. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào quỹ hỗ trợ thông qua các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Hội Người khuyết tật nhân dịp ngày 27/7 hoặc ngày 18/4. Tại các địa bàn dân cư, chính quyền cũng kêu gọi nhân dân đóng góp vào ”Quỹ nhân đạo“ trong các dịp lễ, tết… với mục đích “kêu gọi lòng hảo tâm, tình thương của bà con và các doanh nghiệp” (Phỏng vấn sâu cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tỉnh).
2.1.2. Hỗ trợ tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, các cơ sở tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Một số ngành nghề có tỷ lệ phụ nữ khuyết tật tham gia rất cao như nghề thủ công hay may thêu cũng nhận được sự quan tâm của các tổ chức Quốc tế trong vấn đề bao tiêu sản phẩm, từ đó khuyến khích người lao động sáng tạo thêm các sản phẩm.
2.1.3. Những hỗ trợ từ gia đình, người chăm sóc, cộng đồng
Đối với phụ nữ khuyết tật, sự hỗ trợ thường xuyên, trực tiếp nhất hiện nay chính là hỗ trợ từ phía gia đình, sau đó là những người chăm sóc tại các cơ sở của Hội người khuyết tật. Những người này ngoài việc chăm sóc còn là cầu nối, gắn kết phụ nữ khuyết tật với cộng đồng. Có rất nhiều dạng hỗ trợ từ phía người thân và gia đình nhằm giúp cho người khuyết tật có thêm các cơ hội về việc làm trong đó phải kể đến những hỗ trợ cơ bản như: Chăm sóc về sức khỏe, hỗ trợ đi lại (đưa đón), hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về công việc.
2.1.4. Nỗ lực của bản thân phụ nữ khuyết tật
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, sự nỗ lực và ý chí phấn đấu của phụ nữ khuyết tật là một trong những điều tạo nên thuận lợi của họ trong vấn đề việc làm. Chúng tôi xin lấy một câu chuyện trong dữ liệu định tính của mình để minh chứng cho sự nỗ lực và ý chí vươn lên của phụ nữ khuyết tật.
2.2. Khó khăn của phụ nữ khuyết tật trên con đường tìm kiếm việc làm
82,4% số phụ nữ khuyết tật được hỏi trả lời rằng họ có gặp khó khăn trong công việc. Đây không phải là kết quả quá bất ngờ, bởi vì ngay cả những người không khuyết tật cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khả năng tự giải quyết các khó khăn của những người khuyết tật là rất hạn chế, nhất là với phụ nữ khuyết tật.
2.2.1. Công việc mang lại thu nhập thấp Công việc thu nhập thấp là khó khăn lớn nhất đối với phụ nữ khuyết tật. Và đây cũng là khó khăn khó giải quyết nhất trong điều kiện kinh tế hiện nay. Các kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cũng cho thấy rằng, ngay cả các nhà quản lý cũng như những người xây dựng chính sách cũng lúng túng trước khó khăn này. Phần lớn các nhà quản lý chỉ mới dừng lại ở việc trông chờ vào ngân sách hoặc những hỗ trợ từ lòng hảo tâm chứ chưa thực sự có phương án giải quyết.
2.2.2. Trình độ chưa đáp ứng
Thực tế cho thấy, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay đều cải tiến từng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu mới, điều kiện mới. Trong khi vấn đề đào tạo dành cho phụ nữ khuyết tật hiện nay vẫn là bài toán khó đối với các nhà quản lý. Phụ nữ khuyết tật vẫn chỉ được đóng khung trong một số nghề thủ công đơn giản mà không có cơ hội được đào tạo thêm, kể cả những người có khả năng.
2.2.3. Công việc không phù hợp sức khỏe Thực tế, phụ nữ khuyết tật ít có cơ hội việc làm hơn phụ nữ không khuyết tật bởi rất nhiều hạn chế của họ như học vấn, sức khỏe, điều kiện sống... Do vậy, có nhiều khi họ không có lựa chọn nào khác mà đành chọn những công việc nặng nhọc so với sức khỏe của họ.
2.3. Những khó khăn trong quá trình triển khai chính sách
2.3.1. Vấn đề vốn
Nguồn vốn chủ yếu nhất hiện nay là từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm đưa xuống các địa phương nhằm “tạo việc làm tại chỗ cho người khuyết tật, từ nguồn vốn quốc gia”. Nguồn vốn địa phương có nhưng không nhiều và chỉ hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật dạng nhẹ, “tức là hỗ trợ nguồn vốn cho vay, tạo việc làm tại chỗ như bán tạp hóa, bán nước uống... cái này các huyện đều có” (Phỏng vấn sâu cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Nguồn vốn của Hội Phụ nữ và các hội đoàn thể là rất hạn hẹp. Nhìn chung các nguồn vốn có được khá ít ỏi và chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách.
Tuy nhiên, điều bất cập ở đây chính là vấn đề phân phối đồng vốn. Trước đây ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhưng sau đó chỉ quản lý mang tính chất hành chính còn thủ tục giao hết cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Về mặt nghiệp vụ thì khá thuận lợi khi ngân hàng là nơi quản lý và giám sát đồng vốn nhưng lại tạo ra một sự bất cập trong thẩm định cho vay vốn bởi vì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý về mặt hành chính trong khi ngân hàng lại là nơi thực hiện các thủ tục cho vay. Do vậy, khi muốn vay vốn, phụ nữ khuyết tật, vốn đã khó khăn trong di chuyển, lại phải qua hai cơ quan với rất nhiều khâu thẩm định hồ sơ, giấy tờ mới có được đồng vốn. Trải qua rất nhiều khâu xét duyệt một cách khó khăn vất vả như vậy nhưng “người cần vốn tạo việc làm thì không nhận được hoặc nhận được chỉ năm ba triệu” (Phỏng vấn sâu cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).
2.3.2. Tạo việc làm
Theo Nghị định số 81/CP của Chính phủ thì các doanh nghiệp được yêu cầu phải thuê 3% lao động là người khuyết tật (2% đối với các ngành công nghiệp nặng và nguy hiểm), các doanh nghiệp có trên 51% là người khuyết tật sẽ được miễn thuế (trừ thuế giá trị gia tăng VAT), ngoài ra còn các ưu tiên khác như vay vốn ưu đãi với mức vay 30 triệu đồng/1 lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đưa ra những quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện Nghị định và sẽ đưa số tiền phạt vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, trong các văn bản này đều không có những quy định dành riêng cho lao động nữ khuyết tật và cũng không quy định rõ chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp không thực hiện nghị định.
Điều đó đã dẫn đến rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi khiến cho các nhà quản lýkhông thể thuyết phục được các doanh nghiệp nhận phụ nữ khuyết tật vào làm việc kể cả các doanh nghiệp đông nữ (Phỏng vấn sâu cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi thấy có mấy nội dung cần bàn đến như sau.
Thứ nhất, các doanh nghiệp không ý thức được trách nhiệm xã hội của mình. Do đó, mặc dù có rất nhiều nhu cầu tuyển dụng, các sàn giao dịch việc làm được mở ra, nhưng không hề đề cập đến đối tượng lao động là phụ nữ khuyết tật. Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng người khuyết tật, Nghị định 81 ban hành quy định doanh nghiệp nào chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật thì sẽ phải đóng một khoản tiền nhất định. Nhưng trong thực tế, số lượng người khuyết tật có được việc làm tại các doanh nghiệp không nhiều.
Thứ hai, các doanh nghiệp e ngại việc nhận người khuyết tật vào làm việc bởi quy định về giờ giấc làm việc của người khuyết tật là không quá 7 giờ/ngày, trong khi phần lớn các xí nghiệp sản xuất kinh doanh đang vận hành dây chuyền.
Thứ ba, về mặt tâm lý, chủ lao động bao giờ cũng mong muốn nhận được những nhân công khỏe mạnh, năng động và có chuyên môn, trong khi người khuyết tật lại thiếu những điều đó. Do vậy các chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp có sử dụng người khuyết tật cũng không khuyến khích được họ nhận người khuyết tật vào làm việc. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế chưa có tác dụng khuyến khích tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc. “Thành lập một công ty để nuôi con em thương binh thì nói về thuế má tôi phải được giảm,nhưng làm mấy cái đó cồng kềnh lắm, nhiều khâu lắm không đơn giản đâu” (Một chủ cơ sở sản xuất của thương bình). Rõ ràng là những thủ tục hành chính rườm rà đã tạo ra trở ngại trong vấn đề giải quyết ưu đãi cho người sử dụng lao động khuyết tật.
Thứ tư, bản thân người lao động không khuyết tật đã nhận những đồng lương rất ít ỏi so với thời gian và sức lao động họ phải bỏ ra, riêng đối với phụ nữ khuyết tật thì càng ít hơn. Có thể nói, phụ nữ khuyết tật làm việc trong các doanh nghiệp hầu như không nhận được bất cứ ưu tiên gì. Và đây là nguyên nhân khiến cho chính những phụ nữ khuyết tật cũng “e ngại” khi đến làm việc tại các doanh nghiệp.
2.3. Các khó khăn liên quan đến gia đình, người chăm sóc và hỗ trợ của cộng đồng
Công tác xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ cho người khuyết tật đã được chú ý và có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên một số điều còn chưa được luật hóa nên việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương. Không có những biện pháp chế tài hay khen thưởng và xử phạt các vi phạm.
Thực tế cho thấy, gia đình của những phụ nữ khuyết tật phần lớn đều nghèo và đó chính là cản trở lớn nhất đối với họ trong việc chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật trong cuộc sống cũng như trong công việc làm ăn.
Hơn nữa, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật của gia đình còn rất hạn chế, nhiều khi người khuyết tật cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình của mình bởi thiếu đi sự đùm bọc, hay những lời chia sẻ. Bản thân người khuyết tật luôn mặc cảm với sự khiếm khuyết của mình nên rất dễ nổi nóng, do vậy, khi người chăm sóc không có kỹ năng ứng xử và tư duy tích cực sẽ nảy sinh mâu thuẫn.
3. KẾT LUẬN
1. Thực trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật không mấy khả quan: tỷ lệ phụ nữ khuyết tật có việc làm là rất thấp - chưa tới 30%. Trong số những phụ nữ khuyết tật hiện không đi làm, có người đã từng có việc làm nhưng đã bỏ việc hoặc mất việc bởi rất nhiều lý do, ngoài ra còn một tỷ lệ lớn phụ nữ khuyết tật chưa từng đi làm.
2. Trong số những phụ nữ khuyết tật đang đi làm, có tới gần 20% làm việc quá 8 giờ một ngày và điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
3. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật hiện đang làm trong điều kiện không tốt là 22,6%.
4. Phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong công việc hơn là thuận lợi, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn trong công việc là 82,4%. Những khó khăn phải kể đến như lương thấp, năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc, khó khăn vì những bất cập trong chính sách.
5. Những biện pháp được đưa ra nhằm giải quyết những khó khăn là tạo công ăn việc làm, hỗ trợ về đào tạo, về công việc, hỗ trợ vốn, sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ khuyết tật.
6. Cuối cùng cần có những thay đổi về chính sách đối với Nhà nước, Chính quyền địa phương, và các Hội đoàn thể.
NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Tiến sĩ. Học viện Phụ Nữ Việt Nam.
Bài viết là một phần kết quả của Dự án Điều tra cơ bản thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh thực hiện tháng 6, 7/2012. Lưu Song Hà chủ nhiệm. Học Viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Đức Hiền. 2009. Một số kết quả sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật. DRDIT. www.drdvietnam.com.
2. Lưu Song Hà. 2012. Điều tra cơ bản thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh. Học Viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì.