Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật hiện đang làm nhân viên văn phòng của một công ty. Tháng trước có đợt tôi phải nghỉ ốm 10 ngày liên tục. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2001, tính đến nay được 17 năm. Xin hỏi trường hợp này tôi có được hưởng chế độ gì cho người lao động không?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014: Người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc (trừ trường hợp người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được hưởng chế độ ốm đau. Lưu ý rằng, trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy (Nghị định 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất) thì không được hưởng chế độ ốm đau.
Như vậy, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kể trên thì anh/chị sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc: “Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên”. Như vậy, anh/chị đã có 17 năm đóng BHXH bắt buộc thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa là 40 ngày.
Lưu ý rằng, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm của anh/chị được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH của anh/chị.
Về mức hưởng chế độ ốm đau, căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 28 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau = (Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75%) / 24 ngày x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau.
Để được hưởng chế độ ốm đau, anh/chị cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (trong trường hợp điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (trường hợp điều trị ngoại trú) theo quy định tại Điều 100 Luật BHXH năm 2014.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, anh/chị nộp hồ sơ tới người sử dụng lao động (là người trực tiếp giao kết hợp đồng lao động với anh/chị). Sau khi đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.