Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quy định về hồ sơ, thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 30/06/2022

Câu hỏi: Cho tôi hỏi hồ sơ, thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định như thế nào?

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

* Về tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi:

Căn cứ Điều 26 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm: (1) Cha mẹ nuôi; (2) Con nuôi đã thành niên; (3) Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi; (4) Cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ để chấm dứt nuôi con nuôi theo quy định (trừ trường hợp con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi).

* Về hồ sơ yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi (theo Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

- Đơn yêu cầu;

- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

* Về thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi (theo Điều 363 đến Điều 371 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015)

Bước 1: Nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc (theo Điều 10 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, điểm b khoản 2 Điều 35, điểm l khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

Bước 2: Theo thủ tục chung, trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nộp đơn sẽ có Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu. Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung thì được sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Sau khi xét thấy đơn đủ điều kiện thụ lý thì thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc. Và sau khi người này nộp biên lai thu tiền lệ phí thì Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu. Việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu sẽ được thực hiện trong 03 ngày làm việc và thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được thực hiện trong 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý.

Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Bước 3: Kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án (nếu có).

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.