Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ IV): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 23/05/2022

KỲ V: VẤN ĐỀ DẠY NGHỀ VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, khoảng 62% trong số đó đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, những nội dung liên quan đến dạy nghề và việc làm dành cho người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật năm 2010 vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập. Những chia sẻ trong bài viết sau đây sẽ giúp độc giả có thêm những góc nhìn đa chiều hơn trong vấn đề này.

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam về học nghề và việc làm của người khuyết tật ở Việt Nam cho thấy rằng, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, khoảng 62% trong số đó đang trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Trong đó, 15% người khuyết tật là lao động làm công ăn lương, còn lại là các công việc không chính thức và không có thu nhập. Về trình độ đào tạo nghề, trong số những người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên, chỉ 05% trong số đó đã qua đào tạo nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học)[1]. Có thể thấy rằng, tỷ lệ người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động tại Việt Nam có được một công việc với thu nhập ổn định, cũng như tỷ lệ người lao động là người khuyết tật đã qua đào tạo nghề đều còn rất thấp, nhu cầu được học nghề và có việc làm của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay là rất cao.

Quyền được dạy nghề và cơ hội có việc làm của người khuyết tật được ghi nhận ở nhiều văn bản quốc tế khác nhau như: (i) Điều 24 và Điều 27 của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD); (ii) Công ước 159 năm 1983 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người có khuyết tật và (iii)  Khuyến nghị (số 168) về phục hồi chức năng lao động và việc làm người khuyết tật năm 1983 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các Công ước và Khuyến nghị này quy định về việc các quốc gia tạo điều kiện, thúc đẩy và đảm bảo cơ hội được học nghề và việc làm dành cho người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Là một quốc gia thành viên của các Công ước trên, Việt Nam đã tiến hành cụ thể hóa các quy định về quyền dạy nghề và việc làm của người khuyết tật tại chương V của Luật Người khuyết tật năm 2010 (Điều 32 đến Điều 35) cũng như được lồng ghép trong một loạt những văn bản pháp luật hiện hành như Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019...

Tuy nhiên, phân tích các chính sách trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật tại Luật Người khuyết tật năm 2010, trên cơ sở đánh giá tính tương thích với các quy định có liên quan trong CRPD cũng như tính thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật trong nước cho thấy: Một số chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, việc làm đối với người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật hiện hành (và một vài văn bản có liên quan) vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập.

Thứ nhất, đối với các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp dành cho người khuyết tật:

Luật Người khuyết tật năm 2010 tại Điều 32 và 33 quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật chỉ mới tập trung vào các quy định về cơ chế bảo đảm quyền của lao động người khuyết tật trong khâu học nghề, tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm môi trường làm việc... của lao động là người khuyết tật. Các quy định trên chưa thể hiện rõ nét chính sách bảo đảm cho người lao động là người khuyết tật duy trì việc làm bền vững và tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm (đặc biệt đối với lao động người khuyết tật vùng nông thôn, khu vực miền núi). Các chính sách hiện hành có liên quan (như Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và các luật khác có liên quan) cũng chưa thể hiện rõ nét yếu tố này. Đây là điểm chưa thực sự tương thích với nội dung cơ bản thuộc các Điều 7 và Điều 8 của Công ước số 159 (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm đối với người khuyết tật.

Thứ hai, đối với cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật:

(1) Nhìn tổng thể thì Luật Người khuyết tật năm 2010 mới chỉ tập trung về các chính sách hỗ trợ người khuyết tật làm việc tại các khu vực được xem là “khu vực tư”, thông qua các chính sách khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật mà chưa quy định đối với “khu vực công”, những đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo điểm ii khoản a Điều 29 của CRPD, người khuyết tật có “quyền giữ chức vụ một cách có hiệu quả và thực hiện mọi chức năng công quyền ở mọi cấp chính quyền”.

(2) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, chính sách về ưu đãi thuế tại Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 đã bị bãi bỏ bởi điểm k khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 và thay thế bằng những điều kiện ưu đãi chặt chẽ hơn. Cụ thể, khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 quy định chỉ miễn thuế đối với những doanh nghiệp mà: “Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật ....và có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên, không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản”. Với tiêu chuẩn đó thì đa số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong một loạt lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, thương mại, dịch vụ... sử dụng trên 30% số lao động là người khuyết tật nhưng tổng số lao động bình quân trong năm dưới 20 người đều không thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên. Những doanh nghiệp này được xếp vào loại doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ[2] theo xếp loại của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành.

 Trong khi đó, thực trạng hiện nay đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (theo Sách Trắng về doanh nghiệp Việt Nam, năm 2020 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ vẫn chiếm 93,7% tổng số doanh nghiệp). Do đó, chính sách ưu đãi về thuế như trên chỉ có thể áp dụng với một bộ phận rất ít doanh nghiệp. Đây là “nút thắt” quan trọng cần được giải quyết để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng để đảm bảo vấn đề học nghề và việc làm của người khuyết tật, các quy định liên quan trong Luật Người khuyết tật năm 2010 cần phải được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, đối với các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp dành cho người khuyết tật:

Để tránh lãng phí nhân lực, vật lực sau khi đào tạo và đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, bổ sung Điều 32 Luật Người khuyết tật năm 2010 về dạy nghề đối với người khuyết tật:

(1) Bổ sung quy định về tăng cường trách nhiệm tư vấn hướng nghiệp của cơ sở dạy nghề đối với người khuyết tật.

(2) Cân nhắc bổ sung quy định “khuyến khích các hình thức kết nối giữa cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật với cơ sở sản xuất, kinh doanh” nhằm tạo cơ chế bảo đảm việc làm cho người khuyết tật sau khi học nghề.

Thứ hai, đối với cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật:

(1) Thay thế cụm từ “không được từ chối” thành “cấm” tại Khoản 2 Điều 33 của Luật Người khuyết tật năm 2010 nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuyển dụng người khuyết tật. Đây cũng là cơ sở nhằm tăng cường sự tương thích của các chính sách đối với lao động là người người khuyết tật của Luật Người khuyết tật năm 2010 với các quy định liên quan của CRPD và Công ước số 159 (ILO).

(2) Bổ sung điều khoản quy định tiêu chuẩn nhận số lượng người lao động là người khuyết tật tối thiểu trong một doanh nghiệp/ tổ chức, đặc biệt là cơ quan nhà nước và các cơ quan tổ chức hưởng ngân sách nhà nước...

(3) Sửa đổi Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 theo hướng giữ nguyên quy định về miễn thuế và ưu đãi thuế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật để thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật.[3]

Bên cạnh đó, trong xu hướng thế giới hiện nay tăng cường khuyến khích việc thiết kế, sản xuất các sản phẩm theo tiêu chí thiết kế phổ quát, cần nghiên cứu, cân nhắc việc bổ sung về dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật quy định khuyến khích các doanh nghiệp thiết kế, sản xuất các sản phẩm theo tiêu chí thiết kế phổ quát (sản phẩm chứa đựng tiện ích phục vụ người khuyết tật) nhằm phù hợp với nội dung của CRPD (Điều 2, Điều 4).

Có thể thấy rằng, việc sửa đổi Luật Người khuyết tật năm 2010, đặc biệt là những nội dung liên quan đến dạy nghề và việc làm dành cho người khuyết tật là một trong những nội dung và nhu cầu tất yếu, góp phần để người khuyết tật tham gia, hòa nhập cộng đồng cũng như chung tay cùng xã hội ổn định và phát triển kinh tế nước nhà.


[1] Thảo Lan (2021), “Nhu cầu và những khó khăn, thách thức trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật”, Trang điện tử, tạp chí Lao động và xã hội, http://laodongxahoi.net/nhu-cau-va-nhung-kho-khan-thach-thuc-trong-dao-tao-nghe-doi-voi-nguoi-khuyet-tat-1320333.html, cập nhật ngày 29/8/2021

[2] Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ như sau: “1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng....

[3] Kiến nghị này đưa ra trong trường hợp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 vẫn giữ nguyên khoản 3 Điều 1 và điểm k khoản 4 Điều 2, tức là vẫn giữ nguyên quy định miễn thuế đối với doanh nghiệp mà: “Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, ....và có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên, không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản”.