Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ I): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 23/12/2021

KỲ II: MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP PHẦN HOÀN THIỆN NỘI DUNG CHƯƠNG II TRONG               LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT 2010

Một số bất cập liên quan đến Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật (XĐMĐKT)

Trong thời gian hơn 10 năm thi hành Luật Người khuyết tật 2010 cho thấy Hội đồng XĐMĐKT cấp xã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình XĐ, XĐ lại MĐKT đối với người khuyết tật (NKT). Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2016, đã có 63 tỉnh, thành phố thực hiện việc XĐMĐKT và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 266.639 NKT đặc biệt nặng, 634.567 NKT nặng và 543.126 NKT nhẹ[1]. Tuy nhiên, những quy định liên quan đến Hội đồng XĐMĐKT theo quy định của Luật NKT 2010 cũng đang dần bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Quy định về thành viên của Hội đồng XĐMĐKT

Mặc dù Luật NKT 2010 quy định rõ việc XĐMĐKT sẽ do Hội đồng giám định y khoa thực hiện trong trường hợp Hội đồng XĐMĐKT không đưa ra được kết luận về MĐKT[2], tuy nhiên đây chỉ được xem là cơ chế pháp lý để giải quyết những trường hợp hãn hữu chiếm số lượng ít, giải quyết những trường hợp thực sự vượt quá khả năng chuyên môn của Hội đồng XĐMĐKT (và một số trường hợp khác theo quy định[3]), chứ không thể sử dụng hình thức này như một cơ chế để xác định (XĐ), XĐ lại MĐKT song song với hoạt động của Hội đồng XĐMĐKT. Do vậy, cần có cơ chế tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng XĐMĐKT, để Hội đồng có thể giải quyết về cơ bản những yêu cầu XĐ, XĐ lại MĐKT của NKT. Tránh tình trạng vừa gây bất tiện cho NKT (khi phải lên Bệnh viện đa khoa tỉnh để Hội đồng giám định y khoa XĐMĐKT), vừa gây quá tải cho Hội đồng Giám định y khoa, đồng thời cũng không tăng cường được tính trách nhiệm của Hội đồng XĐMĐKT.

Một vấn đề đặt ra liên quan đến thành viên của Hội đồng XĐMĐKT: Nếu duy trì cơ chế thành viên tương đối “cứng” như quy định Luật NKT 2010, sẽ không thể huy động được đội ngũ chuyên gia tham gia Hội đồng trong những trường hợp cần thiết. Nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo linh hoạt trong hoạt động của Hội đồng XĐMĐKT thì Luật NKT trong thời gian tới nên quy định theo hướng “mở” hơn về thành viên tham gia Hội đồng XĐMĐKT. Cụ thể là trao quyền cho Chủ tịch Hội đồng XĐMĐKT, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, đối tượng đề nghị XĐ, XĐ lại MĐKT có quyền mời thêm một số chuyên gia về y tế, tâm lý; giáo dục... tham gia Hội đồng XĐ, XĐ lại MĐKT.

 

Về vấn đề đại diện của cơ sở giáo dục tham gia Hội đồng XĐMĐKT: Tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH có quy định: mời đại diện cơ sở giáo dục trên địa bàn cấp xã dự họp XĐMĐKT của Hội đồng (nếu cần thiết). Sự tham gia của đại diện cơ sở giáo dục trên địa bàn cấp xã trong những trường hợp đối tượng XĐMĐKT là trẻ khuyết tật đang đi học tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 16 của Luật NKT 2010 hiện hành, đại diện cơ sở giáo dục vẫn chưa được luật quy định như là một trong những thành viên tham gia Hội đồng. Vì vậy, quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH cũng cần sớm được “luật hóa” trong dự thảo Luật NKT mới.

Bên cạnh đó, đối với trẻ khuyết tật chưa đi học hoặc không đi học thì Hội đồng không thể tham vấn ý kiến của cơ sở giáo dục/giáo viên để làm căn cứ XĐ, XĐ lại MĐKT, mà nhóm đối tượng này cần có giáo viên chuyên ngành Giáo dục đặc biệt đánh giá hoặc các cơ sở y tế nhi khoa để tham gia đánh giá. Theo quan điểm của tác giả, thực trạng này đang đặt ra vấn đề về việc cân nhắc bổ sung quy định trong dự thảo Luật NKT mới liên quan đến cơ chế huy động sự tham gia của chuyên gia trong Hội đồng XĐMĐKT.

Tại các địa phương, tính đến tháng 12/2019, đã có 21/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội NKT[1]. Trong đó, có một số tỉnh chưa có Hội cấp tỉnh nhưng có Hội NKT thành phố trực thuộc tỉnh. Càng về các cấp xã, huyện thì số lượng Hội NKT hoặc Câu lạc bộ của NKT lại càng ít, chính vì vậy, quy định người đứng đầu tổ chức của NKT cấp xã nơi có tổ chức NKT đang dần mất đi tính khả thi.

 

Về vấn đề thành viên là đại diện của tổ chức NKT tham gia Hội đồng, tại điểm d khoản 3 Điều 16 của Luật NKT 2010 quy định Hội đồng XĐMĐKT có thành viên là: “Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật”. Đây là một quy định đúng đắn nhằm đảm bảo tính toàn diện, khách quan trong quá trình xem xét, đưa ra kết luận của Hội đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của NKT. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại còn nhiều địa phương chưa thành lập tổ chức của NKT ở cấp huyện, xã, dẫn đến Hội đồng XĐMĐKT thiếu đại diện của NKT, gây ảnh hưởng đến đánh giá toàn diện và khách quan của Hội đồng. Do vậy, cần có quy định linh hoạt hơn theo hướng thành viên Hội đồng là: Người đứng đầu của tổ chức của NKT ở cấp xã hoặc đại diện tổ chức NKT ở cấp huyện trong trường hợp cấp xã chưa thành lập tổ chức NKT.

Thiếu quy định cho phép kéo dài thời gian tổ chức Hội đồng XĐMĐKT vì những lý do khách quan

Tại khoản 2 Điều 18 Luật NKT 2010 hiện hành quy định thời hạn tổ chức Hội đồng XĐMĐKT là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị XĐMĐKT. Trong thời gian đó, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng XĐMĐKT, gửi thông báo về thời gian XĐMĐKT cho NKT hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Bên cạnh đó Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH đã quy định thời hạn nói trên xuống 20 ngày làm việc. Đây được xác định là khung thời gian chung, tối đa để tổ chức họp Hội đồng XĐMĐKT.

Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp Hội đồng XĐMĐKT không thể tiến hành XĐ, XĐ lại MĐKT cho NKT trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị vì những lý do khách quan xảy ra ở địa phương như thiên tai, dịch bệnh, v.v… Việc phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ tại thời điểm đó được xác định là nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách, phải được ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương. Vô hình chung, việc quy định thời hạn XĐ, XĐ lại MĐKT nhưng không tính đến những trở ngại khách quan như thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong khoảng thời gian đó đã gây khó khăn cho Hội đồng XĐMĐKT.

Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả, Dự thảo Luật NKT sắp tới cần cân nhắc bổ sung thêm một khoản tại Điều luật quy định về thủ tục XĐMĐKT với nội dung theo hướng: Trong trường hợp vì lý do thiên tai, dịch bệnh, địch họa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian xảy ra trở ngại đó không được tính vào thời hạn XĐ, XĐ lại mức độ khuyết tật. Việc bổ sung quy định mới này sẽ tăng cường tính chặt chẽ, tính khả thi trong dự thảo Luật NKT.


[1] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo đánh giá công tác trợ giúp xã hội năm 2016.

[2] Điểm a khoản 2 Điều 15 Luật NKT 2010

[3] Được quy định tại điểm b,c khoản 2 Điều 15 Luật NKT 2010.