Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về sự tương thích của Luật Sở hữu trí tuệ với Hiệp ước Marrakesh về vấn đề tiếp cận của người khuyết tật đến các ấn phẩm đã công bố

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 28/10/2021

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình vận động và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để tiến hành thủ tục gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Trong đó có một số quy định về tiếp cận các tác phẩm đã được công bố dành cho người khuyết tật của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (ban hành 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019) và sự tương thích với các điều khoản trong Hiệp ước Marrakesh. Để góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam, trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu một số nét cơ bản và đánh giá sự tương thích của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ mới liên quan đến vấn đề tiếp cận của người khuyết tật đối với các tác phẩm sở hữu trí tuệ (bản ngày 04/10/2021) với Hiệp ước Marrakesh.

1. Vài nét sơ lược về Hiệp ước Marrakesh và tiến trình Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp ước

Hiệp ước Marrakesh được thông qua vào tháng 06/2013, có hiệu lực vào tháng 09/2016. Hiệp ước Marrakesh là một thỏa thuận giữa các quốc gia phê chuẩn hoặc tham gia nhằm điều chỉnh luật bản quyền, chuyển đổi, phân phối, tăng số lượng các ấn phẩm có định dạng tiếp cận và chia sẻ các tài liệu dễ tiếp cận trong nước và xuyên biên giới để người mù và người khuyết tật không có khả năng đọc có thể tiếp cận được các ấn phẩm đó. Theo ước tính từ Hiệp hội Người mù Thế giới, những người khiếm thị chỉ có 1/10 cơ hội được đi học hoặc kiếm được việc làm. Những người khiếm thị hoặc người khuyết tật về thị giác chỉ có thể đọc được ít hơn 10% số tài liệu đã được xuất bản[1]. Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 01/2019, trong khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, có 1,03 triệu người khiếm thị và 0,93 triệu người khiếm thính[2]. Như vậy, nhu cầu tiếp cận với các tác phẩm của người khuyết tật tại Việt Nam là không nhỏ, và việc ký kết Hiệp ước Marrakesh là cần thiết và tất yếu.

Chúng ta biết rằng, cho đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2021), Việt Nam chưa tham gia Hiệp ước nói trên. Trên tinh thần chung là: Pháp luật Việt Nam luôn hướng đến tiệm cận với quy định của pháp luật quốc tế nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng với mọi người, trong đó bao gồm người khuyết tật. Chủ trương đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cần thiết khác để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét gia nhập Hiệp ước Marrakesh đã được đưa vào nội dung của Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính Phủ, nhằm về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.[3] Đồng thời, hoạt động góp ý, sửa đổi nội dung các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

2. Một số so sánh giữa nội dung Hiệp ước và quy định cơ bản có liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành

Tại Điều 3 Hiệp ước Marrakesh quy định[4]:

Người thụ hưởng là:

(a) Người mù;

(b) Người khiếm thị hoặc khuyết tật về khả năng nhận thức hoặc đọc mà không thể cải thiện chức năng thị giác cơ bản tương đương với của một người không có suy giảm hoặc khuyết tật do đó không thể đọc các tác phẩm in cùng một mức độ như người không có suy giảm hoặc khuyết tật; hoặc

(c) Người vì bất kỳ một khuyết tật thể chất nào khác không thể cầm nắm hoặc thao tác một cuốn sách, hay tập trung hoặc di chuyển mắt để đọc ở mức độ bình thường;

Không tính đến bất kỳ khuyết tật nào khác.

So sánh với Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam thì, hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã có quy định thể hiện nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh về chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị. Cụ thể, tại điểm i, khoản 1, Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, một trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao là “Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị”. Tuy nhiên, so với Hiệp ước Marrakesh và các văn bản liên quan đến người khuyết tật khác, nội dung quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành vẫn còn một số điểm hạn chế cần sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, về định dạng tác phẩm để tiếp cận với người khuyết tật.

Theo quy định tại Hiệp ước Marrakesh, các bên ký kết sẽ quy định trong luật quốc gia của họ về giới hạn hoặc ngoại lệ đối với quyền sao chép, quyền phân phối và quyền cung cấp cho công chúng theo quy định của Hiệp ước Bản quyền WIPO (WCT), để tạo điều kiện sẵn có của các tác phẩm ở dạng “bản sao định dạng có thể truy cập được” (bản sao của tác phẩm theo cách thức hoặc hình thức thay thế cho phép người thụ hưởng quyền truy cập vào tác phẩm, bao gồm cả việc cho phép người đó có quyền truy cập khả thi và thoải mái như một người không bị khiếm thị hoặc các khuyết tật in)[5] cho những người thụ hưởng. Như vậy, định dạng tác phẩm không chỉ dừng lại ở dạng chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác chỉ dành cho người khiếm thị mà còn bao gồm nhiều hình thức khác cho các đối tượng là người khuyết tật có dạng khuyết tật khác.

Thứ hai, về cách sử dụng từ ngữ trong quy định liên quan đến người khuyết tật.

Theo quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật thì người khuyết tật được chia thành 06 dạng tật (khuyết tật vận động; khuyết tật nghe nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh tâm thần; khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác)[6], không có khái niệm về “người khiếm thị”. Trường hợp này, để đảm bảo việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật tại Việt Nam và tương thích với quy định của Hiệp ước Marrakesh cần sửa đổi từ ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh thuật ngữ “người khiếm thị” sang “người khuyết tật nhìn”.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề người thụ hưởng quy định về tiếp cận tác phẩm dành cho người khuyết tật.

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, “khuyết tật nhìn” được hiểu là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường. Như vậy, khái niệm “khuyết tật nhìn” hiện nay của Việt Nam đã tương thích với điểm (a), (b), Điều 3, Hiệp ước Marrakesh, đó là những người bị mù, bị khiếm thị hoặc khuyết tật về tri giác hoặc khả năng đọc mà không thể cải thiện để cung cấp chức năng thị giác về cơ bản tương đương với chức năng của người không bị suy giảm hoặc khuyết tật như vậy và do đó không thể đọc các tác phẩm in về cơ bản cùng mức độ với người không bị khiếm thị hoặc khuyết tật.

Tuy nhiên, nếu theo khái niệm người thụ hưởng (là người khuyết tật) tại điểm c, Điều 3 của Hiệp ước Marrakesh thì phạm vi những người thụ hưởng bao gồm cả những người khuyết tật ở dạng vận động và khuyết tật ở các dạng khác (do khuyết tật về thể chất, không thể cầm hoặc thao tác một cuốn sách hoặc tập trung hoặc di chuyển mắt đến mức độ mà thông thường có thể chấp nhận được để đọc điểm). Vì vậy, phạm vi người thụ hưởng quyền sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao không chỉ dừng lại ở những người khuyết tật nhìn như quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay mà còn bao gồm cả người khuyết tật vận động và khuyết tật khác không có khả năng đọc chữ in như: người khuyết tật nghe – nói có khó khăn về khả năng đọc, viết; người khuyết tật có khó khăn về nhận thức, học tập…. Do đó, cần quy định phạm vi đối tượng thụ hưởng quy định về ngoại lệ liên quan đến sở hữu trí tuệ với các ấn phẩm có định dạng tiếp cận với người khuyết tật rộng hơn.

3. Một số điểm mới trong Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (bản 04/10/2021) liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền của người khuyết tật tiếp cận với các tác phẩm sở hữu trí tuệ

Để áp dụng phù hợp các quy định của Hiệp ước Marrakesh tại Việt Nam, trước hết cần phải hiểu chính xác về khái niệm người khuyết tật (với tư cách là người được thụ hưởng) được nêu trong Hiệp ước Marrakesh và các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Người khuyết tật của Việt Nam. Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ ngày 04/10/2021 (Dự thảo) dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Theo đó: “Người khuyết tật, người nuôi dưỡng, người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận là bản sao của tác phẩm được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác dành cho người khuyết tật.

Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận chỉ được sử dụng cho mục đích cá nhân của người khuyết tật và có thể có những điều chỉnh phù hợp đối với tác phẩm khi làm bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận nhưng không được có thay đổi nào khác ngoài những thay đổi cần thiết để người khuyết tật có thể tiếp cận tác phẩm….”[7]

Có thể thấy rằng, nội dung trong Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ ngày 04/10/2021 đã khắc phục được những hạn chế về tiếp cận của người khuyết tật đến các tác phẩm đã công bố, từ hình thức tác phẩm đến đối tượng thụ hưởng tương thích với Hiệp ước Marrakesh. Cụ thể:

Thứ nhất, về định dạng tác phẩm để tiếp cận với người khuyết tật.

Thay vì chỉ quy định chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì nội dung dự thảo đã quy định về định dạng các tác phẩm dễ tiếp cận với người khuyết tật là định dạng “được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác dành cho người khuyết tật”. Quy định này đã không hạn chế các tác phẩm dành cho người khuyết tật chỉ dừng ở chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác hướng đến đối tượng là người khuyết tật nhìn, mà nó còn quy định mở, linh hoạt để phù hợp với các đối tượng là người khuyết tật khác không có khả năng đọc được chữ in.

Thứ hai, về cách sử dụng từ ngữ và đối tượng thụ hưởng quy định về tiếp cận tác phẩm dành cho người khuyết tật.

Tại quy định mới trong Dự thảo đã không còn sử dụng cụm từ “người khiếm thị” nữa, thay vào đó là “người khuyết tật”. Quy định này vừa khắc phục hạn chế về việc sử dụng từ ngữ chưa thống nhất giữa Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác liên quan đến người khuyết tật tại Việt Nam, đồng thời đã giúp phá vỡ hạn chế về đối tượng thụ hưởng quyền được hưởng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật không chỉ dừng ở dạng khuyết tật nhìn, mà còn bao gồm các dạng khuyết tật khác không có khả năng đọc chữ in, không có khả năng tiếp cận với các tác phẩm đã được công bố.

Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay đang tồn tại một số hạn chế cần được xem xét, sửa đổi để tương thích với Hiệp ước Marrakesh và Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ ngày 04/10/2021 đã khắc phục những vấn đề còn tồn tại đó. Nếu nội dung liên quan đến “Ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật” trong Dự thảo được thông qua sẽ là bước tiến lớn trong quá trình gia nhập Hiệp ước Marrakesh của Việt Nam đồng thời tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với các tác phẩm đã được công bố, cải thiện tình trạng “đói sách” của người khuyết tật, góp phần đảm bảo hơn nữa quyền của người khuyết tật trong xã hội.

 

[1]Vận động phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh” (2016), Trang điện tử Quyền của người khuyết tật, tại địa chỉ: https://www.globaldisabilityrightsnow.org/vi/tools/v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-ph%C3%AA-chu%E1%BA%A9n-hi%E1%BB%87p-%C6%B0%E1%BB%9Bc-marrakesh, cập nhật ngày 17/10/2016.

[2]  Việt Nam điều tra quốc gia người khuyết tật” (2016), Tổng cục Thống kê, Nxb Thống kê (2018) tại địa chỉ: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/04/Baocao-nguoikhuyet-tat.pdf, truy cập ngày 15/10/2021.

[3] Phụ lục Kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (Ban hành kèm theo Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03 tháng năm 2020 của Thủ tưng Chính phủ), STT 21.

[4] Nguyên bản Tiếng Anh như sau: (A beneficiary person is a person who:

(a) is blind;

(b) has a visual impairment or a perceptual or reading disability which cannot be improved to give visual function substantially equivalent to that of a person who has no such impairment or disability and so is unable to read printed works to substantially the same degree as a person without an impairment or disability;  or 

(c) is otherwise unable, through physical disability, to hold or manipulate a book or to focus or move the eyes to the extent that would be normally acceptable for reading;

regardless of any other disabilities).

[5] Hiệp ước Marrakesh, Điểm (b) Điều 2.

[6] Luật Người khuyết tật năm 2010, Khoản 1 Điều 3 và Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Điều 2.

[7]  “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, Trang điện tử Dự thảo online, Quốc Hội, tại địa chỉ: https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371, Điều 25a, cập nhật ngày 04/10/2021.