Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điểm mới trong chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 29/09/2021

Quyền được giáo dục là quyền cơ bản của con người, đặc biệt là của trẻ em. Thông qua giáo dục, mỗi người được trang bị đầy đủ hơn các phương tiện để bảo vệ quyền con người của chính mình, của người khác và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Với trẻ khuyết tật, quyền được giáo dục có ý nghĩa lớn hơn nữa, nó là nền tảng cho việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em, là cơ sở có việc làm ổn định và sống độc lập trong tương lai, đồng thời cũng là cách để trẻ khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng nhanh và tốt nhất[1]. Đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ khuyết tật nói riêng, của người khuyết tật nói chung, pháp luật Việt Nam khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ (khoản 3 Điều 61 Hiến pháp năm 2013, Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010). Để khuyến khích trẻ khuyết tật tham gia giáo dục, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi từ tuyển sinh, chương trình học, đánh giá kết quả giáo dục, đến cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết[2]đặc biệt là những ưu đãi về học phí, chi phí học tập.

1. Một số điểm mới trong chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật

Chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập dành cho trẻ khuyết tật được ghi nhận ngay tại khoản 2 Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010, theo đó, trẻ em khuyết tật “…được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập”. Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ mà Nhà nước có chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật khác nhau.

Trẻ khuyết tật được tiếp cận học tập đầy đủ trong môi trường hòa nhập

Kể từ khi Luật Giáo dục 2019 được ban hành (ngày 14/06/2019) đã thể hiện sự quan tâm không nhỏ của Nhà nước về vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật, trong đó, những chính sách ưu đãi về học phí, chi phí học tập được ghi nhận trực tiếp tại Điều 85 về “Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt”. Cụ thể hóa các quy định của Luật, ngày 27/08/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021, thay thế cho Nghị định sô 86/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP). Trong đó, chính sách ưu đãi về học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ khuyết tật được ghi nhận tại các Điều 14, Điều 15, Điều 18, Điều 20 của Nghị định này.

Theo đó, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi người khuyết tật (bao gồm cả trẻ khuyết tật) được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục và tăng mức hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng trong năm học so với các văn bản pháp luật hiện hành (đến thời điểm thực hiện bài viết - tháng 09/2021). Cụ thể là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2018/NĐ-CP).

Tại sao khẳng định như vậy?

Thứ nhất, so với Nghị định số 86/2015/ NĐ-CP, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi đối tượng trẻ khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập:

Hiện nay, theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 10 Nghị định số 86/2015/ NĐ-CP, không phải trẻ khuyết tật nào khi tới trường cũng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Cụ thể, về học phí, ngoại trừ trường hợp trẻ em là học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí, đối với các trường hợp trẻ học mẫu giáo hoặc học sinh phổ thông khác, chỉ có những trường hợp trẻ khuyết tật có khó khăn về kinh tế (tức là thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ khuyết tật mồ côi cả cha lẫn mẹ) hoặc thuộc một số trường hợp được ưu tiên khác mới được miễn, giảm học phí. Chính sách về hỗ trợ chi phí học tập cũng tương tự như vậy.

Trong khi đó, về vấn đề này, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định như sau:

 “Điều 14. Đối tượng không phải đóng học phí

1. Học sinh tiểu học trường công lập…”

Điều 15. Đối tượng được miễn học phí

…2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.”

Điều 18. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập

… 2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật….”

Từ những quy định trên đây có thể khẳng định, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục theo hướng ghi nhận tất cả trẻ khuyết tật (có giấy xác nhận khuyết tật) khi theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đều được hưởng chính sách ưu đãi về học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Cụ thể:

Về học phí: Trẻ em khuyết tật là học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, trẻ em khuyết tật học mẫu giáo và phổ thông được miễn học phí (khoản 1 Điều 14, khoản 2 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Về hỗ trợ chi phí học tập: Trẻ em khuyết tật học mẫu giáo và trẻ em khuyết tật là học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông được hỗ trợ chi phí học tập để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác (khoản 2 Điều 18 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Thứ hai, mức hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng/1 năm học cho trẻ khuyết tật theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được tăng lên 1,5 lần so với Nghị định số 86/2015/ NĐ-CP:

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định số 86/2015/ NĐ-CP, trẻ em mẫu giáo hoặc học sinh phổ thông là trẻ em khuyết tật có khó khăn về kinh tế (thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo) hoặc là trẻ khuyết tật mồ côi cả cha lẫn mẹ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác, thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

Giáo viên hướng dẫn dạy cho trẻ khuyết tật tại trường công lập

Thực tế cho thấy, mức hỗ trợ này còn thấp so với giá sách giáo khoa cơ bản của chương trình học, chưa tính đến những học liệu đặc thù cho đối tượng[3]. Chính vì vậy, để hỗ trợ hơn nữa các em trong quá trình học tập, theo quy định tại khoản 10 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2021-2022, Nhà nước đã tăng mức hỗ trợ chi phí học tập mà trẻ khuyết tật tới trường lên 1,5 lần so với trước đây với mức 150.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng hỗ trợ vẫn theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/1 năm học.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, việc trẻ khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP hay Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cũng không làm loại trừ việc được hưởng những chính sách về học bổng, hỗ trợ chi phí học tập dành riêng cho người khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC. Trong đó, về hỗ trợ chi phí học tập, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư, thì trẻ khuyết tật được hưởng chế độ hỗ trợ cao nhất theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Về học bổng, trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập còn được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ[4], thời gian hưởng học bổng là 9 tháng/năm học (khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC).

2. Ý nghĩa của chính sách mới về ưu đãi học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật

Những điểm mới trong chính sách ưu đãi về học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật tới trường tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP mang nhiều ý nghĩa quan trọng cả về mặt lập pháp và thực tiễn.

Trước hết, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có thể được xem là “cú hích” trong việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tham gia học tập. Học tập là quyền của công dân song đối với người khuyết tật cơ hội, học tập của họ thường hạn chế hơn so với những người bình thường khác, vì vậy cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia học tập và thực hiện được quyền học tập của mình. Sự hỗ trợ này không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ của người thân, gia đình mà còn từ phía Nhà nước, cộng đồng và xã hội. Đây là nguyên tắc cơ bản của giáo dục đối với người khuyết tật được quy định trong Quy tắc tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật năm 1993. Cụ thể hoá nguyên tắc này, khoản 3 Điều 61 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 27 Luật Người Khuyết tật năm 2010 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để người khuyết tật được học văn hóa và học nghề. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận một số quyền trong giáo dục của người khuyết tật, trong đó, “Người khuyết tật… được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập” (Khoản 2 Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010). Tương ứng với quyền của người khuyết tật chính là trách nhiệm của Nhà nước. Mặc dù để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ mà Nhà nước có chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ khuyết tật khác nhau, nhưng nhìn chung, trước khi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được ban hành, không phải trẻ khuyết tật nào khi tới trường cũng được hưởng chính sách này. Điều này cũng có nghĩa là, Nhà nước chưa thực hiện hết trách nhiệm tạo điều kiện đối với tất cả trẻ khuyết tật tới trường. Tới đây, khi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 15/10/2021), với quy định rằng tất cả trẻ khuyết tật (có giấy xác nhận khuyết tật) được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập, thì lẽ dĩ nhiên, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện ưu đãi về học phí và hỗ trợ thêm về chi phí học tập để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác cho tất cả trẻ khuyết tật theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hay nói cách khác, với những điểm mới của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã tạo “cú hích”, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho tất cả trẻ khuyết tật khi tới trường.

Tiếp đó, quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP góp phần mở rộng cơ hội để các em có điều kiện tới trường, tham gia học tập, cơ sở có việc làm ổn định và sống độc lập trong tương lai. Trên thực tế, trong những năm qua, đã có khoảng 55,5% người khuyết tật từ 5 đến 24 tuổi được miễn, giảm học phí[5]. Điều này đồng nghĩa với việc, còn gần một nửa (1/2) số người khuyết tật không được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm học phí. Nhìn về thực tiễn, một điều không thể phủ nhận rằng, điều kiện kinh tế là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tới trường của trẻ khuyết tật. Theo kết quả khảo sát trong Báo cáo thực địa năm 2016, có 53,7% những người khuyết tật được phỏng vấn từng bỏ học vì nhiều nguyên nhân, mà một phần lý do không nhỏ chính là việc gia đình không đủ điều kiện tế để cho trẻ em đi học (52%)[6]. Thống kê cũng cho thấy, trong nhóm người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, hơn một nửa trong số họ chưa học hết tiểu học[7], cơ hội tiếp cận với các bậc giáo dục cao hơn với họ cũng rất khó khăn. Trong tương quan so sánh với tổng dân số, người khuyết tật chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên thì số người khuyết tật chiếm 15,37% số người chưa hoàn thành bậc tiểu học[8]. Không được đi học hay bỏ học giữa chừng là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ biết chữ, trình độ học vấn của người khuyết tật thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Sâu xa hơn, điều này dẫn đến việc tiếp cận các cơ hội việc làm đối với người khuyết tật cũng trở nên khó khăn hơn. Theo kết quả của Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016, tỷ lệ người khuyết tật chưa hoàn thành bậc giáo dục tiểu học có việc làm thấp hơn nhiều so với người không khuyết tật. Hệ quả là, người khuyết tật lại tiếp tục trong vòng xoáy của đói nghèo, khó khăn.

Đối với trẻ khuyết tật, được tham gia học tập là một hành trình vượt qua sự khó khăn bằng nỗ lực và nghị lực phi thường

Rõ ràng, với trẻ em khuyết tật, để được đi học là cả một sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của trẻ. Nhà nước ta cần có những hỗ trợ cần thiết để khuyến khích các em học tập, mà như Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016 đã khẳng định: “Một chính sách để thúc đẩy việc đi học là miễn giảm học phí”[9]. Xuất phát từ đó, yêu cầu và kiến nghị trong việc xem xét bổ sung quy định về việc miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho tất cả trẻ em khuyết tật tham gia học tập đã được đề xuất xuyên suốt quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật giáo dục trong những năm qua. Cánh cổng trường đã thực sự gần hơn với trẻ khuyết tật khi Nhà nước quyết định chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho tất cả trẻ em khuyết tật theo học tại hệ thống giáo dục quốc dân tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Quy định mới này đã phần nào giúp gia đình trẻ khuyết tật vơi bớt những khó khăn trên con đường tìm kiếm “cái chữ” của các em, tạo điều kiện cho các em có thêm cơ hội để được tham gia học tập, nâng cao kiến thức, trình độ để chính các em có thể mang kiến thức, mang tài năng cống hiến cho đất nước, cho xã hội.

Ngoài ra, về mặt lập pháp, quy định này thể hiện bước tiến lớn trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế, trước hết là Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRDP). Với việc quy định chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho tất cả người khuyết tật theo học hệ thống giáo dục quốc dân, pháp luật Việt Nam đã tiến thêm một bước tiệm cận với trong việc quy định về quyền được “tiếp cận giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng tốt và miễn phí trên cơ sở bình đẳng với những người khác trong cùng cộng đồng mà họ sinh sống” của người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng (Điểm b khoản 2 Điều 24 CRDP).

Như vậy, có thể thấy, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới cả về hỗ trợ học phí lẫn chi phí học tập cho trẻ khuyết tật theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nó mang ý nghĩa cả về lập pháp và thực tiễn, giúp cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật đến gần hơn với con đường học hành ở tất cả mọi cấp học./.

 

[1] Huỳnh Ngọc Hồng Nhung (2019), “Vai trò của giáo dục đối với đời sống của người khuyết tật – chia sẻ góc nhìn của người trong cuộc”, Trang điện tử Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tại địa chỉ: http://asvho.vn/vai-tro-cua-giao-duc-doi-voi-doi-song-cua-nguoi-khuyet-tat-chia-se-goc-nhin-cua-nguoi-trong-cuoc-a11.html, cập nhật ngày 18/01/2019.

[2] Đào Mộng Điệp, Phan Vĩnh Tuấn Anh (2017), “Quyền của trẻ em khuyết tật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 16(344) T8/2017, tr.18-24.

[3] Nguyễn, Hiền Phương (2013), “Giáo dục đối với người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam - Từ quy định đến thực tiễn thực hiện”, Tạp chí Luật học, Số Đặc san pháp luật người khuyết tật/2013, tr. 94 - 103.

[4] Hiện nay, mức lương cơ sở trong năm 2021 áp dụng theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính Phủ, là 1.490.000VNĐ. Theo Nghị quyết 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2021 thì vẫn giữ nguyên mức lương cơ sở hiện tại (Khoản 7, Điều 3 của Nghị quyết).

[5] Tổng cục thống kê (2016), "Điều tra Quốc gia về người khuyết tật 2016 (VDS2016) - Báo cáo cuối cùng,"Tổng cục thống kê, Hà Nội, Việt Nam, tr.85.

[6] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2020), Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, tr.26.

[7] Tổng cục thống kê (2016), tlđd, tr.227.

[8] Tổng cục thống kê (2016), tlđd, tr.180.

[9] Tổng cục thống kê (2016), tlđd, tr.85.