Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tầm gửi

  • Thực hiện: Trần Thủy
  • 28/08/2017

Điện thoại reo liên hồi, tôi đang dở tay với lũ trẻ nên chưa nghe được. Lát sau thấy số di động của Bích, tôi vội vàng gọi lại. Bích là người bạn khuyết tật mà tôi quen đã ba năm nay sau lần thực hiện một dự án về phụ nữ khuyết tật. Cô gái này đã 27 tuổi, làm bạn với chiếc xe lăn đã gần 10 năm. Sau khi Bích bị liệt, bố mẹ cô cũng qua đời. Giờ Bích đang sống với người cô họ hàng xa đến nay cũng được mấy năm rồi.

Tôi với Bích thi thoảng vẫn liên lạc nhưng thường tôi là người gọi trước. Lần này Bích đã gọi nhỡ nhiều cuộc nên tôi rất lo lắng. Phía đầu dây bên kia giọng Bích thì thào, mệt mỏi. Nhận thấy có gì đó không ổn nên tôi đến tận nhà Bích. Phải đợi khá lâu tôi mới được vào nhà vì cô của Bích đi đâu đó khóa cửa trái. Dù biết tôi là bạn của Bích nhưng lần nào cô Tình cũng tỏ thái độ không thiện cảm. Bích nằm ôm bụng trên chiếc giường gỗ ép sát vào bức tường loang lổ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được vào phòng của Bích.

Bích vừa khóc vừa kể, Bích bị đau bụng cả tháng nay mà cô Tình không hỏi han hay đưa đi khám. Nghe Bích tâm sự cùng với kinh nghiệm dược sĩ ít ỏi, tôi nghi ngờ Bích đang bị viêm đường sinh sản, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại hậu quả xấu. Từ khi bị liệt, mọi sinh hoạt cá nhân của Bích đều phụ thuộc vào người khác. Đó là điều khiến cô mệt mỏi mà không thể làm khác được. Bích mong giảm gánh nặng cho người cô của mình nên đã gửi toàn bộ số tiền trợ cấp hàng tháng cho cô Tình giữ. Số tiền ít ỏi đó là tất cả những gì Bích có vào thời điểm này. Bích không để tâm tới việc cô Tình dùng số tiền đó như thế nào cho đến khi cô có bệnh mà không được đưa đi khám. Tôi đã dần hiểu ra mọi việc và xin phép được nói chuyện với cô Tình nhưng đáp lại tôi là thái độ thờ ơ và khó chịu.

Tôi mua cho Bích ít thuốc và nhờ cô cho Bích uống theo chỉ dẫn. Thế nhưng mấy ngày sau tôi hỏi lại mới biết cô Tình không đưa thuốc cho Bích. Tôi không thể ngồi yên được nữa nên đã tìm sự giúp đỡ của người khác. Tôi tìm đến cán bộ hộ tịch nơi Bích ở thì được biết cô Tình đã đăng ký giám hộ đúng quy định. Tôi có trình bày lại sự việc của Bích để nhờ sự can thiệp. Sau nhiều ngày đi lại, cuối cùng cán bộ hộ tịch và chủ tịch hội phụ nữ đã đồng ý xuống nhà Bích. Chúng tôi đến nhưng cô Tình không có nhà. Tiếp chúng tôi chỉ có chồng cô và bà họ năm nay đã 80 tuổi. Họ từ chối cung cấp thông tin và có ý mời chúng tôi về.

Sự việc xấu đi khi tôi nghe tin Bích phải nhập viện gấp. Người đưa Bích vào viện là chú hàng xóm gần nhà. Chú kể, nghe tiếng kêu khóc từ phía nhà cô Tình, chú đã phải phá cửa xông vào. Lúc đó Bích nằm lịm dưới đất, mặt tái nhợt. Vì gấp quá mà không có ai ở nhà nên chú đưa Bích vào viện luôn. Bác sĩ nói tình trạng của Bích đang rất nghiêm trọng cần phải điều trị dài ngày tốn kém nên phải có ý kiến của người giám hộ. Tôi đã cố gắng liên lạc nhiều lần với cô Tình không được. Hàng xóm nói cô đã đi buôn bán tận miền trong, phải cả tháng mới về. Giờ tôi mới biết, cô Tình thường xuyên đi làm ăn xa như vậy. Những lúc cô Tình đi vắng, Bích sẽ ở nhà với người chú dượng và bà họ. Tôi thấy hoang mang mà không biết phải làm sao cho đến khi bác sĩ nói tôi có thể đại diện làm thủ tục. Tôi không có đủ tư cách để can thiệp nhưng có lẽ đã đến lúc tôi phải lên tiếng với cơ quan chức năng về sự việc này. Giờ Bích đang nằm trong phòng cấp cứu còn người cô ấy không hề hay biết hoặc biết mà vờ như không có gì. Tiếng xe cứu thương rền rĩ nơi cổng bệnh viện khiến tất cả mỏi mệt và bế tắc… 


Điểm a, Khoản 1 Điều 57 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây: a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ

Điều 49 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục đăng ký giám hộ”.