Luật Người khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thông qua ngày 17/6/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2011. Tại chương III của Luật đã quy định cụ thể về quyền được chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật, trong đó có đề cập khá cụ thể về chế độ khám chữa bệnh, đặc biệt khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.
Ngoài ra chế định này còn được quy định cụ thể tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014 hay cụ thể hóa trong Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội do Chính phủ vừa ban hành ngày 21/10/2013. Theo những quy định này thì hiện nay, nhà nước có những chính sách ưu đãi cho người khuyết tật về lĩnh vực này, cụ thể như: khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, được ưu đãi về chi phí khám, tiền viện phí và các chi phí dịch vụ liên quan; ưu đãi hỗ trợ chi phí đi lại, nằm viện trong quá trình điều trị… những ưu đãi, hỗ trợ này được quy định rất cụ thể tại điểm C, khoản 1 Điều 9 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Điều 1 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg hướng dẫn việc hỗ trợ đi lại, cho người khuyết tật khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế nhà nước.
Xét trên góc hệ thống chính sách pháp luật thì đã có khá nhiều những chính sách quy định cụ thể về lĩnh vực này, song trên thực tế thì câu chuyện bảo hiểm y tế cho người khuyết tật vẫn còn khá nhiều điều cần được thảo luận.
Trong quá trình tư vấn luật tại các địa phương của phòng tư vấn Luật Trung tâm ACDC, chúng tôi đã gặp không ít những trường hợp người khuyết tật chia sẻ có mong muốn được sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Người khuyết tật cho biết, ai cũng mong muốn được chăm sóc sức khỏe, và với người khuyết tật, đây cũng là nhu cầu tất yếu và không thể thiếu để đảm bảo sức khỏe của chính mình. Rất nhiều những câu hỏi được đưa ra như “những trường hợp nào thì được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế” hay “người khuyết tật có được cấp thẻ bảo hiểm y tế hay không”, “khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế thì khám ở bệnh viện nào”… Với những băn khoăn này, khẳng định rõ người khuyết tật rất quan tâm tới việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, và cũng khẳng định nhu cầu thực sự của người khuyết tật trong việc chăm sóc sức khỏe.
Luật, nghị định và các văn bản dưới Luật khác đã có, nhu cầu của người khuyết tật cũng có, vậy trên thực tế thì hoạt động khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho người khuyết tật diễn ra đạt được hiểu quả như thế nào? Thời gian vừa qua, các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng như Trung tâm ACDC đã tiến hành những cuộc tọa đàm về bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Tại những buổi tọa đàm này, với những bài chia sẻ từ các đại biểu tới từ một số bộban ngành cũng chỉ ra những bất cập trong việc thực thi chính sách bảo hiểm y tế cho người khuyết tật hiện nay.
Việc ra đời Luật bảo hiểm y tế phần nào đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia, tuy nhiên trên thực tế, tỉ lệ người khuyết tật sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám tại các cơ sở y tế không cao, chất lượng phục vụ chưa thật sự tốt, trang thiết bị chưa đảm bảo yếu tố tiếp cận với người khuyết tật.(1)
Trên thực tế trả lời tư vấn cho người khuyết tật, phòng tư vấn Luật Trung tâm ACDC đã không ít lần nhận được những băn khoăn, chia sẻ từ phía người khuyết tật như chất lượng của loại hình dịch vụ này chưa được tốt; những khó khăn khi dùng thẻ bảo hiểm y tế, cụ thể như phải khám đúng tuyến, trong khi đó trạm y tế tuyến địa phương lại chưa có đủ trang thiết bị tiếp cận với người khuyết tật và đội ngũ nhân lực cũng chưa được đảm bảo về mặt kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn người khuyết tật, thủ tục sử dụng dịch vụ này còn quá phức tạp, thời gian chờ đợi lại quá lâu hay tại sao chỉ có người khuyết tật nặng mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, còn những người khuyết tật nhẹ thì không?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, mức sống của người khuyết tật không cao, tình hình tài chính lại có hạn, trong khi chi phí đi khám, chữa bệnh lại không hề nhỏ chút nào. Đây là rào cản để một bộ phận không nhỏ người khuyết tật không thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (khoảng 61,7% người khuyết tật tham gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội năm 2013 nhận định như vậy) (2). Hơn nữa, người khuyết tật thường có sức khỏe yếu hơn những người không khuyết tật, vì vậy, người khuyết tật sẽ phải chi trả nhiều chi phí hơn cho quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài. Điều này càng thể hiện rõ người khuyết tật phải chịu gánh nặng tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe hơn so với những người không khuyết tật. Đó là còn chưa kể tới quá trình điều trị, người khuyết tật cần những dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo quá trình phục hồi chức năng (ví dụ như nẹp, chân giả, tay giả…), nhưng những loại dụng cụ hỗ trợ này lại gần như không nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Như vậy, người khuyết tật phải tự mình trang trải cho những chi phí này. Đây là một trong những điều mà cộng đồng người khuyết tật rất băn khoăn và khá lo lắng.
Để thực hiện tốt Luật bảo hiểm y tế, cũng như giúp người khuyết tật có thể tiếp cận hoàn toàn với dịch vụ này, nên chăng các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính đồng bộ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể, tăng cường nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm y tế, cũng như đội ngũ cán bộ y bác sỹ khám chữa bệnh đối với việc khám chữa bệnh cho người khuyết tật. Các cơ sở y tế công lập cần chú trọng tới công tác ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người khuyết tật, có phương án hỗ trợ đối với người khuyết tật nhẹ sử dụng bảo hiểm y tế . Đặc biệt, cần phải đưa vào danh mục một số dụng cụ hỗ trợ thiết yếu cho người khuyết tật vào hạng mục do Bảo hiểm chi trả. Hiện thực hóa những điều này sẽ giúp người khuyết tật yên tâm hơn với việc tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền của người khuyết tật trong quá trình tham gia khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Nguyễn Ngọc Lan
Trưởng phòng Tư vấn Pháp luật Trung tâm ACDC
Chú thích:
(2): “Chi phí kinh tế của sống với Người khuyết tật và kỳ thị ở Việt Nam”, Nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện năm 2013 tại 8 tỉnh