Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thực trạng cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề và làm việc

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 22/07/2021

Nhu cầu đi lại, tham gia học nghề và làm việc đối với tất cả mọi người đều quan trọng như nhau, song đối với người khuyết tật thể hiện nhiều sự đặc thù hơn thông qua việc Nhà nước Việt Nam có những chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ dành riêng cho người khuyết tật học nghề và làm việc. Việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tiếp cận, trang thiết bị hỗ trợ cần thiết trong các cơ sở dạy nghề, đào tạo, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp là cơ hội để người khuyết tật được đối xử công bằng và bình đẳng, thúc đẩy sự đóng góp hữu hiệu của người khuyết tật trong xã hội.

1. Một số chính sách về cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề và làm việc

Cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ có vai trò và ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ học nghề, việc làm cho người khuyết tật. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ luôn là vấn đề được quan tâm, nghiên cứu để có thể tìm kiếm những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện thể chế pháp lý, cơ chế thực thi pháp luật cần thiết, tăng cường cơ hội học nghề, việc làm cho lao động là người khuyết tật ở Việt Nam.

1.1. Về cơ sở hạ tầng hỗ trợ người khuyết tật học nghề và làm việc

Theo khoản 3 Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010 quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Ngoài ra, khoản 1 Điều 159 Bộ luật lao động 2019 cũng nhấn mạnh người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ. Trong trường hợp người sử dụng lao động không bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP[1]. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Người khuyết tật được hướng dẫn học nghề tại Xưởng gỗ ở Thái Hòa, Nghệ An

Cũng theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05 tháng 08 năm 2020, đến cuối năm 2025, 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm (đến cuối năm 2030, mục tiêu này tăng lên tương ứng là 300.000 người khuyết tật), hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 06 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật.

1.2. Về thiết bị hỗ trợ người khuyết tật học nghề và làm việc

Hiện nay, theo quy định tại Điều 26 Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Việt Nam có quy định về việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo dự án cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học về người khuyết tật, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên về chỉnh hình, phục hồi chức năng. Cơ sở sản xuất thiết bị hỗ trợ người khuyết tật học tập và lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, theo khoản 7 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013 thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học tập và lao động từ chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng, hỗ trợ thuộc trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật về thuế[2].

Như vậy, nhìn chung các chính sách về cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề và làm việc tại Việt Nam hiện nay được thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

2. Thực trạng thực thi chính sách về cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề và làm việc ở Việt Nam hiện nay

2.1. Về cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật học nghề và làm việc

Để giúp đỡ người khuyết tật có điều kiện tốt nhất khi tham gia học nghề, làm việc, trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp thiết thực, được dư luận đánh giá cao. Nhiều địa phương tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, như nâng cấp chỉnh trang đồng bộ hè phố, cải tạo công viên và các không gian công cộng nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người khuyết tật đi lại. Tuy nhiên, nhiều công trình chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật tham gia học nghề và làm việc. Cho đến hiện nay, Nhà nước mới chỉ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chung về tiếp cận đối với công trình xây dựng mà chưa có quy chuẩn tiếp cận đối với trang thiết bị nhà xưởng, công cụ, thiết bị lao động nơi làm việc đối với người khuyết tật đối với từng loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bố trí công cụ lao động phù hợp là vấn đề quan ngại của các doanh nghiệp vì nó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp[3].

Trên thực tế, có rất ít công trình công cộng phục vụ cho việc đi lại của người khuyết tật được xây dựng đảm bảo tính tiếp cận. Theo Báo cáo Nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, có 61,2% người khuyết tật tham gia nghiên cứu trả lời về việc gặp khó khăn về tiếp cận cơ sở vật chất tại nơi làm việc; 59,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, 51,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận các công trình công cộng. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng cung cấp trong báo cáo nghiên cứu tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật năm 2016 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Việt Nam mới chỉ có 20,8% số công trình giáo dục; 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật. Với thực trạng như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đều chưa thể đáp ứng yêu cầu về lộ trình quy định tại Điều 40 Luật người khuyết tật năm 2010 là đến năm 2020 tất cả các công trình công cộng phải xây dựng, cải tạo phù hợp với người khuyết tật.

Người khuyết tật nghe, nói đang làm việc tại Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ 5 color

 Bên cạnh đó, công nghệ thông tin truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người khuyết tật, góp phần hỗ trợ người khuyết tật khắc phục các rào cản để hòa nhập xã hội, trong đó có hỗ trợ người khuyết tật học nghề và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ có người khuyết tật sở hữu các phương tiện truyền thông đều thấp hơn so với hộ không có người khuyết tật, cụ thể: Ti vi (87,7% so với 94,4%); thuê bao internet (16,8% so với 30,9%); máy tính (13,7% so với 28,6%) và điện thoại (84,7% so với 96,2%). Có khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng điện thoại di động giữa người khuyết tật và không khuyết tật (38,85% so với 73,09%). Tỷ lệ sử dụng internet không chỉ có sự khác biệt giữa các nhóm người khuyết tật, mà còn có sự chênh lệch khá lớn giữa người khuyết tật và không khuyết tật. Tỷ lệ người không khuyết tật sử dụng internet cao gấp 6,5 lần người khuyết tật (42,9% so với 6,7%). Tương tự, chênh lệch giữa người không khuyết tật và người khuyết tật: Khu vực thành thị là 4,7 lần, nông thôn là 7,4 lần; Nam là 5,5 lần, nữ là 7,2 lần[4]. Có khoảng cách đáng kể trong việc tiếp cận với những ứng dụng công nghệ thông tin. Gần 43% người không khuyết tật được tiếp cận với mạng internet so với 6,7% người khuyết tật. Khoảng cách sử dụng điện thoại di động là 73,09% người không khuyết tật so với 38,85% người khuyết tật. Những khoảng cách này tương tự nhau theo giới tính và nông thôn so với thành thị[5].

Với những kết quả bước đầu đạt được, số lượng người khuyết tật được tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin còn thấp và xu hướng tăng chậm, chưa tương xứng với tốc độ phát triển về thông tin hiện đại của xã hội. Đa số người khuyết tật và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì thế họ ít có cơ hội tiếp cận, nên tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng mạng internet là rất hạn chế. Song song đó, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, mạng internet không có sẵn mọi lúc, mọi nơi và thiếu công cụ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin, đặc biệt là ở những vùng xa xôi, nông thôn, miền núi, hải đảo. Có 1,75% người khuyết tật thuộc hộ nghèo có truy cập internet so với gần 8% người khuyết tật thuộc hộ không nghèo có truy cập internet và cũng chỉ có 1,47% người khuyết tật thuộc nhóm nghèo nhất có truy cập internet so với 24,98% người khuyết tật thuộc nhóm giàu nhất[6].

2.2. Về thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề và làm việc

Ngân sách nhà nước chỉ cấp kinh phí mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội[7]. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ cung cấp hỗ trợ thiết bị để phục hồi chức năng cho người khuyết tật mà không có quy định về vấn đề hỗ trợ các thiết bị cho người khuyết tật học nghề và làm việc, điều này giảm thiểu đi điều kiện và môi trường học nghề, làm việc của người khuyết tật. Phần lớn các trang thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật đều xuất phát từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng,… Số lượng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị hỗ trợ như xe lăn, nẹp nạng, lắp các dụng cụ như chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình vẫn không được nhà nước hỗ trợ, họ chỉ còn cách chờ vào những nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức từ thiện.

Ngoài ra, chính sách về hỗ trợ cơ sở sản xuất thiết bị hỗ trợ người khuyết tật học tập và lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được miễn, giảm thuế tuy đã có nhưng hiện nay vẫn chưa được quy định quy trình thực hiện, áp dụng dẫn đến việc chưa khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia sản xuất các thiết bị hỗ trợ người khuyết tật.

3. Một vài khuyến nghị

Để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận việc làm, đào tạo nghề có hiệu quả, cần xem xét nhiều khía cạnh như cải tạo cơ sở hạ tầng, thiết kế chương trình giảng dạy, đào tạo kỹ thuật, đào tạo kỹ năng mềm, tuyển dụng sinh viên, giới thiệu việc làm, gây quỹ, vận động và nhiều hơn nữa. Theo đó:

- Bổ sung thêm quy định rõ việc đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cho các thí sinh là người khuyết tật khi thực hiện bài thi theo hình thức viết trên giấy hoặc thao tác trên máy tính. Trường hợp cơ sở tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia không thể bố trí được thiết bị thì thí sinh được sử dụng thiết bị, phương tiện cá nhân đã qua kiểm tra về độ tin cậy, trung thực;  

- Bổ sung quy định chi tiết về mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh; phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của từng loại doanh nghiệp;

- Bổ sung các văn bản hướng dẫn về việc đảm bảo thực hiện quy định về thiết lập môi trường làm việc toàn diện và dễ tiếp cận cho người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật 2010, bao gồm các tiêu chuẩn cho thiết bị và đồ nội thất trong văn phòng;

- Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ bằng hiện vật cho các doanh nghiệp cải tạo môi trường làm việc và không gian công cộng để giúp người khuyết tật có thể tiếp cận được;

- Tăng cường bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật trong Quỹ quốc gia về việc làm bên cạnh các nguồn vốn vay dành cho thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội;

- Để đảm bảo rằng các cơ hội đào tạo nghề tiếp cận với đối tượng hưởng lợi, người đứng đầu cơ sở đào tạo phải đảm bảo rằng thông tin về các khóa đào tạo phải được cung cấp ở các định dạng có thể tiếp cận được;

- Cần có các chính sách hỗ trợ các thiết bị hỗ trợ phù hợp với tình hình tài chính dành cho tất cả người khuyết tật trong quá trình học tập và làm việc.

Lưu ý rằng, những giải pháp trên đây chỉ là một phần gợi mở trong tổng thể các giải pháp mà chúng ta phải thực hiện trong thời gian tới. Việc thực hiện những giải pháp này sẽ góp phần giúp cho mục tiêu của các chính sách đảm bảo quyền và khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người khuyết tật tham gia học nghề và làm việc đạt hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người khuyết tật, hướng tới hoà nhập cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội./.

 

[1] Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

[2] Khoản 7 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về thu nhập được miễn thuế doanh nghiệp trong đó bao gồm: “7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.”

[3] Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam (NCD) (2018), Báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực hiện các quy định của BLLĐ và các văn bản liên quan đến lao động là người khuyết tật, tr. 33.

[4] Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, [tr.20, 21, 22].

[5] Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, [tr.145]

[6] Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, [tr.146, 147]

[7] Xem Điều 45 Luật người khuyết tật năm 2010