Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe cơ giới đối với người khuyết tật - một số khó khăn, bất cập chủ yếu hiện nay

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 06/02/2020

Ở Việt Nam hiện nay, cùng với các chính sách về đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật tham gia giao thông, thì những chính sách quy định điều kiện về đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với người khuyết tật cũng đã được ban hành, nhằm tạo điều kiện đảm bảo tối đa quyền tự do di chuyển cá nhân của người khuyết tật phù hợp với Công ước CRPD và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia đào tạo lái xe và dự thi sát hạch để lấy bằng lái xe cơ giới của người khuyết tật còn vấp phải khá nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi cần tìm kiếm nhiều giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Vài nét khái quát về khung pháp lý trong đào tạo, sát hạch,cấp bằng lái xe cơ giới liên quan đến người khuyết tật

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gọi tắt là xe cơ giới,  gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự [1].

Về chính sách pháp lý, hiện nay bên cạnh các văn bản “chủ đạo” như  Luật Giao  thông đường bộ 2008 (sửa  đổi, bổ sung 2019); Nghị định 65/2016/NĐ-CP[2], thì Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đóng vai trò rất quan trọng. Đây là văn bản quy định chi tiết về chế độ đào tạo, thi sát hạch, cấp  bằng lái xe cơ giới cho công dân, bao gồm người khuyết tật .Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết điều kiên, trình tự thủ tục tham gia đào tạo và dự thi sát hạch để được cấp bằng lái xe cơ giới đối với loại xe như A1 (gồm xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật), xe ô tô số tự động B1; vv [3] Đối với cộng đồng người khuyết tật thì sự ra đời của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT  và một số văn bản có liên quan  khác [4] đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết và hữu hiệu để khẳng định cơ hội bình đẳng của họ với người không khuyết tật trong tham gia đào tạo và thi sát hạch cấp bằng lái xe cơ giới, tạo cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người khuyết tật trong tham gia giao thông, đồng thời giúp từng bước hạn chế tình trạng đa số người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân thiếu bằng lái và sử dụng phương tiện hoán cải chưa qua đăng kiểm.[5]

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết về an toàn giao thông, Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BGTVT-BYT giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế cũng quy định rõ một số đối tượng không được đủ điều kiện sức khỏe để lái xe theo các hạng tương ứng.[6]  

Tựu chung, xét dưới khía cạnh chính sách thì tính đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý quy định chính sách về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe cơ giới nói chung và đối với người khuyết tật nói riêng ở nước ta được xem là đã được hình thành về cơ bản.

 Những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành chính sách và nguyên nhân chủ yếu

Thực tế hiện nay số lượng người khuyết tật được cấp bằng lái xe cơ giới rất ít, số lượng người khuyết tật sử dụng xe cơ giới, đặc biệt là xe ba bánh tự chế không đạt yêu cầu đăng kiểm vẫn khá đáng kể ở các thành phố lớn.

 Ví dụ sau 06 tháng ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì tai Thành phố Hồ Chí Minh mới có 01 người được cấp bằng lái xe ô tô B1 tự động. Tình trạng ở khu vực Hà Nội cũng tương tự [7].

Để đảm bảo an toàn giao thông, bằng Nghị quyết 05/2008/NQ-CP, Chính phủ đã có chủ trương “siết chặt” việc cấp phép đối với xe cơ  giới 03 bánh trong nội thành, nội thị và các quốc lộ, trừ xe thương binh và cho người khuyết tật. Riêng xe tự chế dành cho đối tượng này chỉ được phép lưu hành đến 31/12/2008. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng xe máy, xe ba bánh của người khuyết tật không ít nên một số lượng không nhỏ vẫn sử dụng xe tự đóng, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đăng kiểm và đương nhiên những người này cũng không có giấy phép lái xe.[8]

Đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Thứ nhất:  Công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật (đặc biệt là cập nhật các chính sách mới) nhìn chung vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến không ít người khuyết tật thiếu thông tin pháp luật cập nhật và quan niệm đơn giản về sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông

Thứ hai: các quy định cải tạo xe cơ giới liên quan đến người khuyết tật còn bất cập. Cụ thể: Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) thiếu các quy định cụ thể, đặc thù về cải tạo xe cơ giới dành cho lái xe là người khuyết tật[9].

Thứ ba: chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện và nhân lực dành riêng đào tạo cho lái xe người khuyết tật khá lớn-  là thách thức đáng kể với  đại đa số các trung tâm đào tạo lái xe.

Trên thực tế tình trạng khuyết tật của người theo học rất đa dạng, không thể dùng chung một mẫu xe. Ví dụ đối với người mất chân phải với xe số tự động, hệ thống phanh và ga nằm ở bên phải, nên nếu mất chân phải, người lái xe buộc phải sử dụng chân trái có thể sẽ không thuận lợi trong quá trình lái xe. Do vậy để đào tạo người khuyết tật thì phải mua loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe và phải qua đăng kiểm kỹ thuật mới được đưa ra đào tạo.  Bên cạnh đó, đa số các cơ sở đào tạo hầu như thiếu đội ngũ giáo viên chuyên biệt để đào tạo lái xe cho người khuyết tật; thiếu điều kiện về sân bãi đặc thù cho người khuyết tật học lái… Tóm lại, chi phí bỏ ra rất lớn, trong điều kiện người học ít sẽ dẫn đến không hiệu quả. Vì vậy hết các trung tâm đào tạo lái xe không “mặn mà” với việc đào tạo lái xe là người khuyết tật.[10]

Giải pháp đưa ra là gì?

Một là, cần tăng cường quy mô và hiệu quả của việc phổ biến, tuyên truyền các quy định về giao thông đường bộ, đặc biệt là những văn bản mới ban hành. Trong đó cần chú ý tuyên truyền người khuyết tật tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện xe mô tô đạt tiêu chuẩn kỹ  thuật quốc gia[11].

Hai là, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung Thông tư 85/2014/TT-BGTVT theo hướng  mở rộng phạm vi xe cơ giới cải tạo (bao gồm cả mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật); quy định rõ hơn các tiêu chí đặc thù về xe cơ giới cải tạo (ô tô) liên quan đến đối tượng lái xe là người khuyết tật.Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT phù hợp với điều kiện về chính sách pháp luật mới và  thực tiễn hiện nay.

Ba là, các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, sát hạch lái xe tăng cường hoạt động liên kết đào tạo trong tỉnh và trong vùng (liên tỉnh) để liên kết sử dụng sân bãi đặc thù; xe cơ giới chuyên dụng đào tạo lái xe là người khuyết tật; liên kết sử dụng đội ngũ giáo viên hướng dẫn… nhằm tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở đào tạo và sát hạch đảm bảo yêu cầu về đầu tư về sân bãi, phương tiên đào tạo đặc thù…  và có số lượng lớn người khuyết tật tham gia đào tạo, sát hạch để nhận bằng lái xe.


[1] Khoản 18, Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018).

[2] Nghị định của CP quy định về điều kiện dịch vu đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe, được sđ, bs bằng NĐ 138/2018/NĐ-CP.

[3] Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3; Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1; Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg (Điều 59 Luật Giao thông đường bộ)

[4] Thông tư 38/2919/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT;.

[5] Xem thêm bài: Người khuyết tật sẽ được đào tạo lái  xe. Bài Gỡ khó cấp GPLX cho NKT https://www.baogiaothong.vn/go-kho-cap-gplx-o-to-cho-nguoi-khuyet-tat-d216960.html

[6] Như: rối loạn tâm thần hoặc rối loạn tâm thần mãn tính không điều khiển được hành vi; Liệt vận động từ hai chi trở lên; cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng); Thị lực nhìn xa hai mắt / hoặc còn một mắt  dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); thính lực ở tai nghe dưới 04 m (kể cả trợ thính);…

[8] Ví dụ theo báo cáo số 512/BC-SGTVT ngày 14/7/2019 của Sở Giao thông VT Hà Nội thì toàn thành phố chỉ có 30 xe ba bánh đươc cấp giấy phép, nhưng có tới 4367 trường hợp sử dụng xe  ba bánh tự đóng, trong đó có 99 người khuyết tật.

[9] Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

[11]Như thông tư số 12/2017/TT-BGTVT; Thông tư 38/2919/TT-BGTVT ;Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BGTVT-BYT; TT 26/2019/TT-BGTVT;vv