Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đảm bảo điều kiện tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 22/11/2022

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm, chăm lo sâu sắc đối với người khuyết tật, từng bước đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, cơ sở khám chữa bệnh… đầy đủ. Trong đó, các chính sách đảm bảo tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật đã được xây dựng, ban hành, điều chỉnh theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế. Nhìn chung, các chính sách về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã hướng tới nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (bao gồm người khuyết tật). Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đảm bảo điều kiện tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

1. Công ước quốc tế, pháp luật của một số nước về đảm bảo tiếp cận trong khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật

Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại điểm a khoản 1 Điều 9 đã quy định: “Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc… trong đó có phát hiện và loại bỏ những cản trở và chướng ngại đối với sự tiếp cận, sẽ áp dụng trước hết đối với tòa nhà, đường sá, giao thông và các công trình, cơ sở vật chất trong nhà và bên ngoài khác, trong đó có trường học, nhà ở, cơ sở y tế và nơi làm việc”. Do đó, các quốc gia thành viên của CRPD, trong đó có Việt Nam, cần chủ động xây dựng các chính sách phù hợp để tương thích với quy định của CRPD đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo tiếp cận công trình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật, đảm bảo người khuyết tật được sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tốt nhất. Tiêu biểu có thể kể đến như:

Tại Hoa Kỳ, để đảm bảo cho người khuyết tật có thể dễ dàng được hưởng đầy đủ các dịch vụ do cơ sở chăm sóc y tế cung cấp, các tiêu chuẩn Americans with Disabilities Act (ADA)[1] năm 1990 có những quy định bắt buộc các cơ sở chăm sóc y tế và dịch vụ chăm sóc lâu dài phải đáp ứng các điều kiện về: (i) Sắp xếp bố trí và phân bố giường ngủ, phòng ngủ, nhà vệ sinh; (ii) Phân bổ một cách hợp lý các phòng ngủ dễ tiếp cận giữa các khu vực chăm sóc bệnh nhân như khoa nhi, chăm sóc tim mạch, phụ sản và các đơn vị khác[2].

Tại Philippines, theo 4.1.1 IRR của BP 344[3] có những quy định bắt buộc tại không gian mà các dịch vụ chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phục vụ và nơi đặt cơ sở vật chất, nơi đỗ xe, lối vào/ ra của cơ sở phải đảm bảo để người khuyết tật có thể tiếp cận được. Ngoài ra, IRR của BP 344 còn quy định cụ thể về các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc thiết kế, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị tương ứng đối với từng dạng khuyết tật khác nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng sử dụng, đảm bảo an toàn cho người khuyết tật, đảm bảo tất cả mọi người, dù họ có phải là người khuyết tật hay không đều có thể sử dụng và tận hưởng các dịch vụ, tiếp cận các cơ sở đó nhiều nhất có thể.

Tại Singapore, Chương 2 Code on accessibility in the built environment 2019[4] đã quy định các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng khám, viện dưỡng lão có cơ sở vật chất phải đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận được, bao gồm: (i) Đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà vệ sinh, các thiết bị vệ sinh trong khu vực hoặc nhà cho bệnh nhân/ người dân phải được cung cấp phù hợp với các yêu cầu, nhu cầu của bệnh viện và gia đình bệnh nhân; (ii) Lắp đặt và cung cấp các hệ thống nâng cao thính lực; (iii) Có các bảng hiệu bằng chữ nổi cho người mù; (iv) Sắp xếp vị trí bãi đỗ xe lăn phù hợp cho người khuyết tật...

Tại Trung Quốc, Nghị định số 622 Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (People's Republic of China promulgated by Decree No. 622[5]) đã được ban hành, trong đó yêu cầu chính quyền nhân dân trên cấp quận có trách nhiệm ưu tiên thúc đẩy các kế hoạch và thực hiện xây dựng, cải tạo lại các cơ sở vật chất trong đó có bao gồm các cơ sở y tế, các phòng khám phục hồi chức năng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật.

2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về đảm bảo tiếp cận trong cơ sở khám chữa bệnh đối với người khuyết tật

Thực hiện nghĩa vụ thành viên của CRPD, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã xây dựng, ban hành các quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo tiếp cận công trình trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật. Mục tiêu nhằm đảm bảo người khuyết tật được sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tốt nhất trong phạm vi cho phép. Trong đó, theo Luật Người khuyết tật năm 2010, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp vào “các công trình công cộng” (Điều 39 và 40). Quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 tập trung vào quy định phạm vi áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đối với các công trình công cộng và nhà chung cư (cả xây dựng mới và cải tạo lại). Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 4 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng: “Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em...”. Tuy nhiên, đạo luật chuyên ngành trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh - Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (hiện hành đang áp dụng và đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật này lại chưa có các quy định rõ ràng về việc đảm bảo điều kiện tiếp cận sử dụng đối với người khuyết tật trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tính đến thời điểm giữa tháng 11 năm 2022). Điều này đã gây ra sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tất yếu cũng gây ra những ảnh hưởng trong quá trình thực hiện pháp luật về vấn đề này.

Mặt khác, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện hành cũng đã có một loạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải tuân theo, trong đó phải kể đến những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe; Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 06:2021/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình... Tuy nhiên, quá trình thực thi các chính sách nói trên còn một số hạn chế, khó khăn và thách thức bởi những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, ở tầm chính sách của luật, tính đến thời điểm hiện tại, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa có quy định cụ thể về đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đây được xem là một khoảng trống về mặt chính sách dẫn đến khó khăn, hạn chế trên thực tiễn.

Ngoài ra, theo lộ trình cải tạo công trình công cộng được quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật thì đến năm 2015 có ít nhất 50% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật, đến năm 2017 có ít nhất 75% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật[6]. Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 thì mới chỉ có 16,9% trạm y tế được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật. Trong đó, chỉ 22,4% trạm y tế có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp cho người khuyết tật, khoảng 41,7% trạm y tế có lối đi, đường dốc dành cho người khuyết tật. Giữa các vùng có sự khác nhau, ví dụ: Trong khi trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 7,8% trạm y tế thiết kế phù hợp với người khuyết tật, thì tỷ lệ này tương ứng là 27,4% và 26,0% ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ công trình vệ sinh thiết kế phù hợp cho người khuyết tật cao nhất, là 34,1%. Khu vực thành thị tốt hơn đôi chút khi có lối đi, đường dốc cho người khuyết tật, nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn 50%[7].

Tiếp đó, theo Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/08/2012, lộ trình giai đoạn 2016 - 2020 thì có 100% công trình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020 mới có 80% các công trình y tế xây dựng mới đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, việc trùng tu, cải tạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật triển khai rất chậm[8]. Thậm chí, theo số liệu thống kê trong Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam thì Việt Nam mới chỉ có 22,6% số công trình y tế đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật[9].

Với thực trạng trên, có thể thấy rằng, việc cải tạo, xây dựng mới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật vẫn chưa đạt được lộ trình đặt ra. Việc không đảm bảo điều kiện tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật có thể được coi là một trong những nguyên nhân làm hạn chế quyền khám bệnh, chữa bệnh của họ.

3. Kiến nghị

Trên cơ sở những phân tích trên cho thấy: Để tương thích với quy định của CRPD, tiệm cận với pháp luật các nước tiên tiến trên thế giới cũng như đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật trong nước (trước hết là thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 39, 40 Luật Người khuyết tật năm 2010), đồng thời để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên thực tiễn đã nêu, đề nghị bổ sung thêm quy định vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh về việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần phải: “Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy định pháp luật”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo đạt được mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 05/08/2020: “Đến năm 2030, 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật”, cần có kế hoạch tổng thể nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương, các cơ sở y tế tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo đúng chuẩn quốc gia và tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận sử dụng công trình phù hợp với từng dạng khuyết tật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Lưu ý rằng, những giải pháp trên chỉ là một phần gợi mở trong tổng thể các giải pháp mà chúng ta phải thực hiện trong thời gian tới. Việc bổ sung quy định “cứng” về đảm bảo điều kiện tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật ngay trong đạo luật khám bệnh, chữa bệnh được xem là giải pháp góp phần giúp cho mục tiêu của các chính sách đảm bảo quyền và khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh toàn diện. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người khuyết tật, hướng tới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người khuyết tật./.

 

[1] Xem tại: https://www.access-board.gov/ada/, truy cập ngày: 15/11/2022.

[2] Theo 223 DOJ’s ADA standards năm 2010.

[3] Batas Pambansa Blg. 344 - Luật nhằm tăng cường khả năng vận động của người khuyết tật bằng cách yêu cầu một số tổ chức, cơ sở và các dịch vụ công cộng lắp đặt cơ sở vật chất và thiết bị được yêu cầu khác. Xem tại: https://www.ncda.gov.ph/disability-laws/implementing-rules-and-regulations-irr/irr-of-bp-344/, truy cập ngày: 15/11/2022.

[4] Xem tại: https://www1.bca.gov.sg/regulatory-info/building-control/universal-design-and-friendly-buildings/code-on-accessibility-in-the-built-environment, truy cập ngày: 15/11/2022.

[5] Xem tại: https://www.global-regulation.com/translation/china/158960/construction-of-barrier-free-environments-regulations.html, truy cập ngày: 15/11/2022.

[6] Điều 40 Luật Người khuyết tật năm 2010; Khoản 1 Điều 13 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật.

[7] Tổng cục thống kê (2018), Điều tra Quốc gia người khuyết tật 2016, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, tr.159.

[8] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, ngày 23/10/2022.

[9] Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội - 2020, tr.22.