Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ IX): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 26/10/2022

KỲ X: CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay. Riêng đối với người khuyết tật, những tiện ích từ công nghệ thông tin cũng như sự tiếp cận với truyền thông sẽ góp phần hỗ trợ người khuyết tật lao động, học tập và hòa nhập xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghê thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật, pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đã có những quy định cụ thể nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông.

Quy định của pháp luật hiện hành về công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật

Theo Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), các nước cam kết tiến hành mọi biện pháp đảm bảo người khuyết tật có thể thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do chính kiến, cung cấp thông tin dễ tiếp cận dành cho người khuyết tật dựa trên cơ sở bình đẳng với các đối tượng khác. Đồng thời, Công ước cũng khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật (khoản 1 Điều 4, khoản 1, 2 Điều 9, Điều 21).

Là một thành viên của Công ước, Việt Nam đã cụ thể hóa các nội dung cam kết trong Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan như sau:

Thứ nhất, tại Điều 43 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật đã khẳng định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật, cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi vốn vay và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn, tài liệu đọc dành cho người khuyết tật nghe, nói và người khuyết tật trí tuệ.

Thứ hai, tại Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin là bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Nhà nước có trách nhiệm trong việc tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin (khoản 6 Điều 3).

Trong trường hợp công khai thông tin, ngoài các hình thức công khai thông tin được quy định cụ thể trong luật, cơ quan nhà nước phải xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân, đặc biệt là đối với người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi... (khoản 3 Điều 18).

Trong trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu, cơ quan nhà nước cũng cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin là người khuyết tật, người không biết chữ, ví dụ như giúp họ điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe - nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.

Luật tiếp cận thông tin cũng quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi. Theo đó, những đối tượng này thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, người giám hộ, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác (khoản 2 và khoản 3 Điều 4).

Thứ ba, Thông tư 26/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông đã có những quy định cụ thể về: Danh mục tiêu chuẩn (Điều 3); quy định đối với cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình (Điều 4); quy định đối với Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử/Cổng Dịch vụ công (Điều 5).

Bên cạnh đó, ngày 05/08/2020, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 1190/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/3 tỷ lệ chung cả nước.

Có thể thấy rằng, Luật Người khuyết tật năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, về cơ bản đã hướng đến đảm bảo quyền về công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định cần khắc phục.

Một số điểm hạn chế, bất cập từ quy định pháp luật và kiến nghị giải pháp hoàn thiện

Thứ nhất, quy định về tiếp cận thông tin trong Luật Người khuyết tật năm 2010 còn  thiếu toàn diện, thiếu tính đồng bộ với chính sách về tiếp cận thông tin hiện hành

Các quy định về công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật tại Điều 43 Luật Người khuyết tật năm 2010 hiện nay mới tập trung vào vấn đề phát triển hệ thống “công cụ truyền tin” phù hợp với người khuyết tật mà chưa đề cập đến vấn đề quyền của người khuyết tật phải được đảm bảo cung cấp những nội dung thông tin bắt buộc phải công khai và những thông tin khác theo quy định của pháp luật phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận của họ. Trong khi đó, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin” và “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin” (khoản 1, khoản 6 Điều 3). Là một đạo luật “chuyên ngành” điều chỉnh các chính sách cơ bản về người khuyết tật, đây được xem là một điểm bất cập cần khắc phục trong chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông của Luật Người khuyết tật năm 2010 so với pháp luật liên quan hiện hành.

Để khắc phục bất cập trên, cần bổ sung trong quy định về công nghệ thông tin và truyền thông trong Luật Người khuyết tật nội dung về quyền bình đẳng và được đảm bảo trong cơ hội tiếp cận thông tin và truyền thông theo quy định phù hợp với khả năng thực tế, dạng tật và mức độ khuyết tật của người khuyết tật. Cụ thể, bổ sung nội dung khoản 4 Điều 43 Luật Người khuyết tật năm 2010 như sau:

4. Người khuyết tật bình đẳng với các chủ thể khác trong cơ hội tiếp cận thông tin và truyền thông, đặc biệt là các thông tin bắt buộc công khai theo quy định của pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tật phù hợp với khả năng thực tế, dạng tật và mức độ khuyết tật.”

Thứ hai, liên quan đến tiêu chuẩn công nghệ hỗ trợ người khuyết tật chưa thật sự mang lại hiệu quả

Tại Thông tư 26/2020/TT-BTTTT, các quy định việc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông còn mang tính khuyến khích, chưa mang tính lộ trình cụ thể nên chưa thật sự mang lại hiệu quả.

Tham khảo hoạt động tại Singapore, trong chiến lược “Cùng chung tay giúp đỡ” (MHHA), Chính phủ với “người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các nhóm tôn giáo và các thành viên gia đình” đã chung tay trong việc giúp đỡ những người khuyết tật trong tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, cụ thể: (1) Về cơ sở vật chất: Đối với những gia đình không đủ khả năng để mua máy vi tính hoặc thuê bao mạng băng thông rộng, Chương trình cung cấp máy tính NEU sẽ cung cấp cho các sinh viên và những người khuyết tật có thu nhập thấp cơ hội để sở hữu một chiếc máy vi tính mới có thuê bao truy cập Internet với một mức giá ưu đãi; (2) Về nâng cao sự hiểu biết của người khuyết tật: Trung tâm truy cập truyền thông (IAC) đã thiết lập các khóa đào tạo về công nghệ thông tin cho người khuyết tật; (3) Về hợp tác quốc tế: Chính phủ Singapore đã chủ động phối hợp với rất nhiều Tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước về mở rộng tiếp cận thông tin cho người khuyết tật, ví dụ như dự án APECTEL năm 2012 “Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho những người có nhu cầu đặc biệt”.[1]

Có thể thấy rằng, hướng đến khắc phục phần nào hạn chế trong quy định của pháp luật hiện nay, bên cạnh việc bổ sung trong Luật Người khuyết tật quy định về khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đặc biệt là cơ quan báo chí bổ sung mục riêng trên trang báo điện tử của mình chuyên mục dành cho người khuyết tật, các trang điện tử của cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính... phải được cập nhật thông tin dành cho người khuyết tật ứng dụng công nghệ tiếp cận cho người khuyết tật như: phần mềm đọc cho người khuyết tật nhìn, video có phụ đề ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật nghe - nói....Trong hoạt động thực tiễn, qua kinh nghiệm của Singapore và các dự án hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục triển khai và mở rộng các hoạt động về nâng cao cơ sở vật chất, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật như: Các trường trình giảm giá máy tính, cung cấp dịch vụ internet giá rẻ hay các khóa đào tạo công nghệ thông tin miễn phí dành cho người khuyết tật…

Như vậy, để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật cần có những quy định cụ thể hơn hướng đến xóa bỏ rào cản, tạo cơ sở để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hoàn thiện bản thân, tự chủ kinh tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.


[1] AITA, “Kinh nghiệm của Singapore trong việc thúc đẩy sự tham gia vào chính phủ điện tử (phần cuối)”, tại: https://aita.gov.vn/kinh-nghiem-cua-singapore-trong-viec-thuc-day-su-tham-gia-vao-chinh-phu-dien-tu-phan-cuoi, cập nhật ngày 29/12/2015.