Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyện khai sinh cho con

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 27/10/2022

Nhìn họ tự tin mặc váy, đi giày cao gót, mình chỉ ước giá như mình cũng có một đôi chân lành lặn để có thể tự tin đi lại, tự tin mặc váy, đi những đôi giày cao gót mà mình thích”, L đã từng có suy nghĩ như vậy thời con gái. Cuộc đời không lấy đi hết của ai bao giờ, cô được bù đắp lại bởi một người chồng hết mực yêu thương và một đứa con kháu khỉnh.

L sinh ra đã mang khiếm khuyết về mặt cơ thể. Để bù đắp những thiệt thòi của con, bố mẹ L luôn khuyến khích cô học hành, phát triển bản thân. Song biết được năng lực của mình, sau khi tốt nghiệp cấp ba, L đã quyết định tới thành phố Hồ Chí Minh để làm việc tại một công ty xuất khẩu giày da. Với khuôn mặt ưa nhìn, cô được lòng rất nhiều anh em tại đây. Trong số đó, H là người cô cảm mến nhất. Thấu hiểu nhau, không bị gia đình cấm cản, cả hai nhanh chóng nghĩ đến chuyện kết hôn sau 2 năm tìm hiểu. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên cả hai không thể về quê đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới như dự định. Được sự đồng ý của cả hai gia đình, họ về chung một nhà, đợi dịch tạm lắng sẽ về quê đăng ký và tổ chức tiệc cưới sau.

Sau vài tháng, chị L mang thai, cả hai anh chị vỡ òa hạnh phúc. Để con sinh ra thuận tiện về các giấy tờ về mặt pháp lý (như đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu, đăng ký nhập học…) anh chị đã quyết định không vội tổ chức đám cưới mà chỉ có gia đình hai bên gặp mặt nói chuyện, rồi cặp đôi trẻ đi đăng ký kết hôn với nhau. Nhưng chuyện đâu ngờ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cả hai anh chị mãi không về quê để làm thủ tục đăng ký kết hôn được do yêu cầu giãn cách xã hội. Hết giãn cách cũng là lúc chị L ở giai đoạn cuối thai kỳ, bác sĩ khuyến nghị không nên di chuyển xa, tránh ảnh hưởng đến việc sinh nở. Anh H động viên vợ:Em đang mang thai những tháng cuối cần được nghỉ ngơi, ổn định để không ảnh hưởng đến con. Anh sợ đi lại xa, vất vả cho cả em và con. Tình hình dịch Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm. Bác sĩ cũng khuyến nghị không nên đi xa rồi. Chúng mình sẽ đăng ký kết hôn sau em nhé!”.

Đến ngày dự sinh, chị L thuận lợi sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Khi cháu được hơn 03 tháng, anh chị quyết định về quê đăng ký kết hôn và làm khai sinh cho con. Việc đăng ký kết hôn diễn ra thuận lợi, nhưng đăng ký khai sinh cho con lại vướng về mặt giấy tờ.

Khi được cán bộ hộ tịch hỏi Giấy xét nghiệm ADN chứng minh quan hệ cha con giữa anh H và cháu bé, cả hai ngơ ngác không hiểu cần giấy đó để làm gì. Lúc này, cán bộ hộ tịch xã mới giải thích do cháu sinh ra khi bố mẹ chưa đăng ký kết hôn, cần phải làm giấy tờ chứng minh đây là con chung của hai vợ chồng thì mới thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu được. Trường hợp của anh chị là phải kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký khai sinh và nhận cha, con. Lần đầu gặp phải tình huống như vậy, vợ chồng chị L vô cùng lo lắng: “Sợ nhỡ không có đủ giấy tờ đăng ký khai sinh cho con thì sao? Giờ biết tìm ở đâu bệnh viện làm xét nghiệm này? Đi đến bệnh viện xét nghiệm ADN có tốn kém không…”, anh chị càng lo lắng hơn bội phần. Bởi từ khi sinh con, ngoài giấy chứng sinh của bệnh viện thì anh chị không có bất kỳ một giấy tờ nào khác, ảnh chụp chung của anh chị cũng không có nhiều, chỉ vài ba tấm ảnh kỷ niệm. May thay, hiểu được hoàn cảnh của hai vợ chồng, cán bộ hộ tịch xã đã hướng dẫn anh chị thực hiện thủ tục theo diện không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con (Giấy xét nghiệm ADN). Theo đó, vợ chồng chị L chỉ cần lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, đồng thời, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con là có thể thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu. Bên cạnh đó, cán bộ hộ tịch xã cũng không quên việc giải thích rõ ràng, chi tiết cho hai vợ chồng chị L về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật về việc đăng ký xác nhận cha cho con.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ hộ tịch, vợ chồng chị L hiểu rõ hơn về quy định và đã về nhà nhờ bố mẹ anh H, họ hàng đến làm chứng về quan hệ của anh chị và cháu. Vì vậy, việc kết hợp đăng ký khai sinh và xác nhận cha con của anh chị cũng phần nào dễ dàng, nhanh chóng hơn những trường hợp khác. Nhận được giấy khai sinh của cháu, vợ chồng chị L vui mừng khôn xiết. Cuộc sống sau khi kết hôn, sinh con của chị L và anh H luôn hạnh phúc, rộn tiếng cười. Hàng ngày, anh H sẽ dậy sớm đi chợ để vợ chuẩn bị những bữa cơm cho 3 thành viên. Chị L cũng tích cực phụ chồng đỡ đần công việc gia đình và tạo điều kiện để anh H có thể đi làm. Nói về mong ước trong tương lai gần, hai vợ chồng mong sớm hết dịch bệnh để có thể tổ chức đám cưới bù cũng như ổn định công việc, cuộc sống.

Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

...

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”

Điều 14, khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch quy định:

Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Điều 15. Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con

1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.”