Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ VIII): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 29/09/2022

KỲ IX: BÀN VỀ VẤN ĐỀ ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT NGHE, NÓI TRONG LĨNH VỰC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, cả nước có 6.225.519 người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó, có đến 933.896 người khuyết tật nghe và 836.247 người có vấn đề về giao tiếp[1]. Do điều kiện sức khỏe nên trên thực tế, nhu cầu về khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật (bao gồm cả người khuyết tật nghe, nói) rất cao,[2] song, việc tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nghe, nói còn gặp nhiều khó khăn. Bài viết này đề cập một số vấn đề nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật đảm bảo quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám chữa bệnh ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Một số nét khái quát về chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật (đặc biệt là người khuyết tật nghe, nói) trong khám bệnh, chữa bệnh theo Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRDP)

Như chúng ta đều biết, dịch vụ y tế (trong đó có khám chữa bệnh) là một trong những dịch vụ quan trọng hàng đầu mà người khuyết tật cần tiếp cận. Chính vì vậy, CRPD đã dành một điều riêng khá toàn diện để các quốc gia tham gia (trong đó có Việt Nam) cam kết đảm bảo thực hiện các quyền của người khuyết tật (gồm người khuyết tật nghe, nói) trong lĩnh vực này, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản như: đảm bảo bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và đảm bảo được hỗ trợ tích cực trong phạm vi điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của mỗi quốc gia.

Cụ thể Điều 25 của CRPD khẳng định: các quốc gia thành viên công nhận rằng người khuyết tật có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất đã đạt được mà không có sự phân biệt nào trên cơ sở sự khuyết tật. Theo đó, cam kết: Cung cấp cho người khuyết tật sự chăm sóc và chương trình y tế cùng loại, cùng chất lượng, cùng tiêu chuẩn miễn phí hoặc giá thành vừa phải như đối với những người khác; Cung cấp những dịch vụ y tế đặc biệt mà người khuyết tật cần do họ bị khuyết tật; yêu cầu cán bộ chuyên môn y tế cung cấp chăm sóc y tế cho người khuyết tật... bằng cách nâng cao nhận thức về quyền con người, nhân phẩm, sự tự lực và nhu cầu của người khuyết tật, thông qua đào tạo và tuyên truyền tiêu chuẩn y đức cho cơ sở y tế công và tư...

Khái quát về chính sách pháp luật liên quan đảm bảo quyền của người khuyết tật (gồm người khuyết tật nghe, nói) trong khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam

Hiện nay, bên cạnh Hiến pháp 2013, các chính sách nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực y tế (bao gồm khám chữa bệnh, phục hồi chức năng) được quy định trong một số văn bản luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Người khuyết tật năm 2010 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Nội dung chủ yếu của các văn bản luật nói trên thể hiện trên ba nhóm chính sách lớn:

i) Một là: Khẳng định quyền của người khuyết tật (bao gồm cả người khuyết tật nghe, nói) đảm bảo bình đẳng với người không khuyết tật, không bị phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh và thụ hưởng các dịch vụ y tế (khoản 1 Điều 3; các Điều 6; Điều 7-13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).

ii) Hai là: Người khuyết tật được hưởng một số quyền ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng...(Điều 23 Luật người khuyết tật năm 2010, khoản 4 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;..);

iii) Ba là: Có chính sách bảo hiểm y tế miễn phí đối với người khuyết tật mức độ nặng, đặc biệt nặng (Luật BHYT, Điều 12).

Riêng đối với người bệnh là người khuyết tật nghe, nói, Bộ Y tế đã ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam”[3], bao gồm 83 tiêu chí chất lượng. Trong đó, một bệnh viện được đánh giá chất lượng rất tốt (mức 5) phải: “10. Có nhân viên phiên dịch cho người bệnh khiếm thính hoặc có phương án hợp tác, ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người bệnh khiếm thính đến khám, chữa bệnh; 11. Bảo đảm đáp ứng được người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu”.

Như vậy, có thể thấy: Hệ thống chính sách pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và liên quan của Việt Nam về cơ bản đã đảm bảo quyền khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật (bao gồm người khuyết tật nghe, nói) trên cơ sở tinh thần của CRPD và tinh thần của Hiến pháp Việt Nam 2013.

Những bất cập chủ yếu trong chính sách và một số nét thực trạng khó khăn của người khuyết tật nghe, nói khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta

Khoảng trống về chính sách liên quan đến đảm bảo quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám, chữa bệnh

Mặc dù đã có những chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật các lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là ở Việt Nam hiện nay, chính sách pháp lý đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật nghe, nói thông qua sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong các lĩnh vực đời sống xã hội mới chủ yếu tập trung vào hai lĩnh lực là giáo dục và thông tin truyền thông (thể hiện qua Luật Giáo dục năm 2019, Luật người khuyết tật năm 2010;...).

Tính đến thời điểm hiện hành, ở tầm chính sách của luật, ngôn ngữ ký hiệu chưa được công nhận chính thức như là một trong những ngôn ngữ được sử dụng khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam.

Điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành (2009) mới chỉ dừng lại ở quy định việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; vấn đề phiên dịch ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh...

Vậy, ngôn ngữ ký hiệu nằm ở đâu? Là một dạng của tiếng Việt hay là ngôn ngữ không phải tiếng Việt, được sử dụng trong khám chữa bệnh?

Điều 2 CRPD định nghĩa rõ: “Ngôn ngữ” bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu và các dạng giao tiếp phi ngôn ngữ khác”. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngôn ngữ ký hiệu được khẳng định là một bộ phận cấu thành của tiếng Việt. Cụ thể Thông tư số 17/2020/TT-BGD ĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành về chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật đã khẳng định: Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật quy định về hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam dành cho người khuyết tật nghe, nói sử dụng (mục A của Thông tư 17/2020/TT-BGD ĐT).

Như vậy, căn cứ vào cả định nghĩa nói trên của CRPD và pháp luật Việt Nam hiện hành thì đương nhiên ngôn ngữ ký hiệu (được dùng theo chuẩn quốc gia của Việt Nam) phải được xem là bộ phận cấu thành, một hình thức ngôn ngữ đặc thù của ngôn ngữ Tiếng Việt [4]. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành (2009) còn thiếu quy định về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong hoạt động khám, chữa bệnh [5]. Đây là khoảng trống đáng kể trong chính sách, chưa phù hợp với nội dung khoản e Điều 21 CRPD. Các quốc gia tham gia CRPD (trong đó có Việt Nam) cam kết thực hiện: “Thừa nhận và thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”. Đây là một trong những điểm hạn chế của chính sách khám chữa bệnh hiện hành, xét dưới giác độ bảo đảm quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói trong khám chữa bệnh theo tinh thần của CRPD và Hiến pháp Việt Nam.

Một số thực trạng về khó khăn của người khuyết tật nghe, nói trong tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay

Một thực trạng được thừa nhận là: Hiện nay người khuyết tật nghe, nói gặp không ít khó khăn trong khám chữa bệnh do rào cản ngôn ngữ. Theo kết quả khảo sát ý kiến của một số người khuyết tật nghe, nói tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, tỷ lệ người khuyết tât được tiếp cận dịch vụ y tế đầy đủ còn khá ít, chỉ có 7/100 người khuyết tật nghe, nói được tiếp cận dịch vụ y tế đầy đủ[6].

Một trong lý do chủ yếu hiện nay là hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều thiếu nghiêm trọng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Ngay cả tại bệnh viện tuyến trung ương và các thành phố lớn ương ở các thành phố lớn thì việc sử dụng phiên dịch NNKH trong khám bệnh, chữa bệnh cũng khá hạn chế và còn rất thấp so với nhu cầu của người khuyết tật[7]. Việc khan hiếm phiên dịch NNKH tại các bệnh viện khiến cả người bệnh lẫn người hành nghề y đều gặp khó khăn, lúng túng. Trên thực tế, người bệnh là người khuyết tật nghe, nói gặp nhiều vấn đề nan giải dẫn đến việc khám chữa bệnh phải chờ đợi lâu do quá lượt hoặc không thể khám, thậm chí có thể gặp phải những rủi ro khi thiếu phiên dịch NNKH, do giữa bác sĩ và người bệnh không thể giao tiếp[8]. Khó khăn về giao tiếp trong khám chữa bệnh sẽ ngày càng trầm trọng hơn đối với những người bệnh là người khuyết tật nghe, nói không biết đọc, viết tiếng Việt hoặc có khó khăn khi viết tiếng Việt; không có người thân đi cùng khi đi khám chữa bệnh. Phía cơ sở khám chữa bệnh cũng đối mặt với việc thiếu phiên dịch NNKH hỗ trợ trong dịch vụ khám chữa bệnh, trong tình trạng chung là: số lượng người bệnh đông, thời gian phân bổ để bác sĩ khám bệnh cho mỗi bệnh nhân khá hạn hẹp; đa số nhân viên y tế cũng không biết sử dụng NNKH trong khám chữa bệnh; vv

Một số kiến nghị nhằm đảm bảo tăng cường quyền tiếp cận của người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh

Nhóm Kiến nghị về chính sách:

Trước tiên, cần cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh việc khẳng định ở tầm chính sách: Ngôn ngữ ký hiệu là một trong những ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam. Đồng thời, ngay trong Luật, Quốc hội nên giao cho Chính phủ/Bộ Y tế quy định chi tiết về vấn đề này.

Ngoài ra để đảm bảo tính khả thi của chính sách, pháp luật (nghị định của Chính phủ) nên quy định lộ trình bố trí phiên dịch NNKH tại các cơ sở khám chữa bệnh (trước tiên đối với khu vực công). Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đối với các cơ sở khám chữa bệnh bố trí phiên dịch NNKH, sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác (dịch vụ phiên âm có sự hỗ trợ của máy tính, tài liệu viết...).

Hơn thế nữa, cần đẩy mạnh chính sách xã hội hóa hoạt động cung cấp nguồn phiên dịch NNKH, sản xuất, cung ứng các thiết bị hỗ trợ khác đối với người khuyết tật nghe, nói trong hoạt động khám chữa bệnh (xác định vấn đề đảm bảo phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong khám chữa bệnh là trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức và của cả xã hội, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Y tế). Trong đó, cần có chính sách khuyến khích và phát huy vai trò tích cực của các doanh nghiệp các tổ chức xã hội trong việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn phiên dịch NNKH[9];

Nhóm kiến nghị các giải pháp đảm bảo chính sách

Bên cạnh các giải pháp sửa đổi, bổ sung luật, các giải pháp đảm bảo chính sách cũng cần được thực hiện song song. Cụ thể, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách tăng cường đào tạo phiên dịch NNKH để tạo nguồn cung đầy đủ cho dịch vụ khám chữa bệnh (và cả các dịch vụ khác), trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, thuật ngữ y khoa cơ bản cho các phiên dịch viên NNKH.

Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về NNKH cho nhân viên y tế (đặc biệt là nhân viên các phòng công tác xã hội, điều dưỡng viên...). Điều này nhằm đảm bảo tính chủ động của cơ sở khám chữa bệnh hỗ trợ người khuyết tật nghe, nói trong những tình huống khẩn cấp hoặc cần thiết khác (như cấp cứu...).

Song song với đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần ứng dụng linh hoạt các hình thức phiên dịch NNKH khác nhau trong hoạt động khám, chữa bệnh (trực tiếp; qua video call...); tăng cường ứng dụng hoạt động đăng ký khám chữa bệnh qua mạng; Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm đẩy mạnh cung cấp phiên dịch NNKH trong hoạt động khám chữa bệnh.

Cuối cùng, từng bước hỗ trợ phiên dịch NNKH miễn phí cho người khuyết tật nghe, nói thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn khác..../.


[1] Tổng cục thống kê (2018), Điều tra Quốc gia người khuyết tật năm 2016, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, tr.68.

[2] Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, 91,5% NKTbị ốm/bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng.

[3] Bộ Tiêu chí này được ban hành kèm theo Quyết định số 858/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016.

[4] Trong bài viết này chúng tôi tiếp cận khái niệm ngôn ngữ ký hiệu dưới giác độ pháp lý (theo định nghĩa của CRPD và pháp luật Việt Nam), không tiếp cận khái niệm này dưới giác độ chuyên môn sâu thuộc chuyên ngành ngôn ngữ.

[5] Điều 24 của Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần 3 (Dự thảo ngày 07/05/2022) tiếp tục khẳng định nội dung trên mà chưa đề cập đến việc xác định NNKH được sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh đối với NKT nghe, nói.

[6] Kết quả khảo sát của Công ty TNHH hỗ trợ kết nối người Điếc và cộng đồng (SCDeaaf) về tình hình sức khỏe tâm thần hậu Covid khu vực phía Bắc và Trung của người điếc (trong khoảng thời gian ba năm, tính đến Tháng 2- 2022), Nguồn: Tài liệu tập huấn TOT - Giảng viên nguồn sức khỏe tâm thần cho 05 CLB Điếc khu vực Miền Bắc và Miền Trung.

[7] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2020), Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội, tr.32.

[8] Trường hợp một thai phụ là người điếc đi khám thai nhưng suýt nữa bị chỉ định đình chỉ thai bởi vì người này không thể diễn đạt cho bác sĩ hiểu là mình đi khám thai trong khi bác sĩ nghĩ rằng đi đình chỉ thai; một số CSKCB không dùng bảng thông báo điện tử nên người bệnh là người khuyết tật nghe, nói bị bỏ quá lượt khám ...(Nguồn: https://vovgiaothong.vn/thieu-phien-dich-vien-benh-nhan-dac-biet-thiet-thoi-ve-co-hoi-cham-soc-y-te; https://vnexpress.net/nguoi-diec-di-vien-3987999.html).

[9]  Theo thống kê sơ bộ, ở Việt Nam hiện nay có khoảng gần chục doanh nghiệp, tổ chức ngoài công lập đang có các dịch vụ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng & cung cấp phiên dịch NNKH  như Công ty Nắng mới; Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội;  Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính;vv (Nguồn: Tọa đàm Tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho Người khuyết tật nghe, nói tại các cơ sở y tế, ACDC chủ trì tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/6/2022).