Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ V): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 27/06/2022

KỲ VI: BÀN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ DỤC, THỂ THAO, GIẢI TRÍ VÀ DU LỊCH TRONG LUẬT NGƯỜI KHUYẾT TẬT 2010

Nằm trong chuỗi bài viết nhằm hoàn thiện Luật Người khuyết tật 2010, kỳ này, Ban biên tập sẽ gửi tới đọc giả bài viết tập trung phân tích một số chính sách đảm bảo quyền tiếp cận, tham gia của người khuyết tật trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể giao, giải trí và du lịch. Bài viết cũng sẽ đề cập tới một số những vướng mắc, bất cập từ thể chế cũng như kiến nghị một số nội dung liên quan đến hoàn thiện các chính sách nói trên.

Quyền được đảm bảo tiếp cận, tham gia và khuyến khích tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao giải trí và du lịch (VH, TDTT, GT &DL), trên cơ sở bình đẳng với người không khuyết tật và phù hợp với khả năng của người khuyết tật, đã được thể hiện khá rõ trong Điều 30 của Công ước về quyền của người khuyết tật CRPD.[1] Ở Việt Nam, vấn đề chính sách đảm bảo quyền tham gia của người khuyết tật trong những lĩnh vực nói trên đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013; Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan. Bài viết này tập trung phân tích một số chính sách đảm bảo quyền tiếp cận, tham gia của người khuyết tật trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL và một số những vướng mắc, bất cập từ thể chế cũng như kiến nghị một số nội dung liên quan đến hoàn thiện các chính sách nói trên trong Luật người khuyết tật 2010 hiện hành.

Những điểm tích cực của chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL theo pháp luật Việt Nam hiện nay

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, nhìn chung hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành khung pháp lý cơ bản khá toàn diện, đảm bảo quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL phù hợp với tinh thần Điều 30 của CRPD và tinh thần của Hiến pháp 2013.[2] Các chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực nói trên đã được quy định khá đầy đủ trong Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Thể dục, thể thao năm 2019; Luật Thư viện năm 2019 ; vv và một loạt văn bản dưới luật [3]. Nội dung các chính sách nói trên tập trung vào những nhóm vấn đề chủ yếu như sau:

* Đảm bảo hỗ trợ hoạt động VH, TDTT, GT &DL phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ VH, TDTT, GT &DL; phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao vv

* Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; nâng cấp, cải tạo các cơ sở vật chất nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận của người khuyết tật đối với các cơ sở VH, TDTT, GT &DL.

*  Giảm giá vé và giá dịch vụ đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch;

* Xử phạt hành vi vi phạm quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL;[4] vv

  Đặc biệt, cùng với những quy định mang tính nguyên tắc chung của Luật Người khuyết tật 2010, mảng chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật tiếp cận sử dụng các công trình xây dựng công cộng đã được lồng ghép trong quy định của các luật chuyên ngành như: Luật Thể thao 2019; Luật Thư viện 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó trong lĩnh vực du lịch cũng đã có văn bản pháp luật quy định về yêu cầu đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật khi tham gia hoạt động du lịch[5].

Một số điểm hạn chế, bất cập từ chính sách và kiến nghị giải pháp hoàn thiện:

Bên cạnh những điểm tích cực của chính sách nêu trên, theo quan điểm nghiên cứu của chúng tôi, còn có một số hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, đối tượng người khuyết tật được hưởng chính sách miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, giải trí và du lịch còn bó hẹp

Hiện nay theo Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này có 02 đối tượng người khuyết tật được hưởng chính sách miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ [6],bao gồm: (i) Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn; (ii) người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ VH, TDTT, GT &DL tại một số cơ sở văn hóa, thể thao[7].

Vấn đề đặt ra là hiện nay những người khuyết tật mức độ nhẹ hầu như rất ít được hưởng các ưu tiên về giảm giá vé, dịch vụ trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL. Riêng trong những lĩnh vực này, theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện tại người khuyết tật mức độ nhẹ chỉ được ưu tiên miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện (khoản 5 Điều 44 Luật Thư viện năm 2019).

Việc phân định chính sách ưu tiên, hỗ trợ dựa trên mức độ khuyết tật của người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật 2010 (và có liên quan) nhìn tổng thể là khá đúng đắn và hợp lý, nhất là đối với các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, giao thông; bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL cần tính đến những yếu tố đặc thù để đảm bảo tính linh hoạt, hợp lý và hiệu quả của nội dung các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với người khuyết tật. Cụ thể như sau:

Hiện tại đa số những người khuyết tật mức độ nhẹ hiện nay ở độ tuổi lao động đều có việc làm, có thu nhập.[8] Trong điều kiện đời sống của người dân càng được cải thiện theo đà phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam[9], đời sống người khuyết tật cũng dần được cải thiện ở mức độ nhất định theo mặt bằng chung xã hội. Kéo theo đó, nhu cầu của người khuyết tật, nhất là người khuyết tật mức độ nhẹ tham gia các dịch vụ VH, TDTT, GT &DL ngày càng tăng. Riêng trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch tại một loạt địa phương ở Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid- 19 đã tăng khá mạnh.[10] Tuy nhiên, việc thiếu các chính sách ưu đãi nhất định đối với nhóm người khuyết tật ở mức độ nhẹ trong hoạt động VH, TDTT, GT &DL chưa thực sự tạo đà khuyến khích cho người khuyết tật tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động nói trên (nhất là lĩnh vực giải trí và du lịch). Do vậy, chúng tôi thiết nghĩ: chính sách miễn giảm giá vé, giá dịch vụ đối với người khuyết tật khi tham gia các hoạt động VH, TDTT, GT &DL cần được áp dụng cả với đối tượng người khuyết tật mức độ nhẹ (dù có thể ở tỷ lệ nhất định thấp hơn ưu đãi đối với người khuyết tật mức độ nặng, đặc biệt nặng). Chính sách này không chỉ đơn thuần là biện pháp nhằm khuyến khích đối với người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào các hoạt động VH, TDTT, GT &DL, mà còn có thể được xem là một trong những giải pháp kích cầu về kinh tế khá hữu hiệu đối với ngành văn hóa, thể thao, du lịch, nhằm thu hút ngày càng nhiều lượng khách hàng đa dạng tham gia vào các dịch vụ này. Vì, nếu mở rộng đối tượng người khuyết tật được miễn, giảm giá vé và dịch vụ, thì đối tượng được hưởng lợi của chính sách khuyến khích nói trên không chỉ là người khuyết tật mà còn là các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL thông qua việc tăng doanh thu trên số lượt người tham gia các dịch vụ này (nhất là đối với dịch vụ du lịch). Cuối cùng, chính Nhà nước cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi khi nguồn thu thuế của các địa phương tăng lên từ mảng hoạt động VH, TDTT, GT &DL .

Do đó, chúng tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc sửa đổi khoản 2, Điều 36 của Luật người khuyết tật 2010 theo hướng: giao cho Chính Phủ quy định việc miễn, giảm giá vé một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật (mà không quy định cụ thể đối tượng người khuyết tật được miễn, giảm như khoản 2, Điều 36 của Luật Người khuyết tật hiện hành). Quy định chung như vậy vẫn đảm bảo định hướng chính sách hỗ trợ với người khuyết tật, đồng thời đảm bảo yếu tố linh hoạt, hiệu quả, khi giao quyền cho Chính phủ quyết định cụ thể việc mở rộng phạm vi đối tượng người khuyết tật được miễn, giảm giá vé, dịch vụ trong lĩnh vực VH, TDTT, GT &DL phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ, đảm bảo vừa tăng cường hỗ trợ người khuyết tật, đồng thời vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các cơ sở VH, TDTT, GT &DL và Nhà nước.

Thứ hai, người khuyết tật còn thiếu thông tin về điều kiện tiếp cận của các cơ sở VH, TDTT, GT &DL

 Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù đang có không ít những nỗ lực nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận của người khuyết tật đối với các công trình VH, TDTT, GT &DL, nhưng trên thực tế người khuyết tật vẫn gặp không ít khó khăn về điều kiện tiếp cận các công trình này.[11] Bên cạnh đó, một trong những khó khăn đáng kể mà người khuyết tật gặp phải là họ thiếu thông tin để lựa chọn địa điểm tham gia các hoạt động VH, TDTT, GT &DL phù hợp, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Trên thực tiễn không hiếm tình trạng là: ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch, người khuyết tật thường không biết nơi nào mình có thể tới được, hoặc không biết các điểm đến, khách sạn trong chương trình có khả năng tiếp cận ở mức độ nào. Thậm chí, cả các công ty lữ hành chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn về thông tin khi tổ chức các tour du lịch có khách hàng là người khuyết tật .[12]

Bên cạnh giải pháp thực tiễn là cần tăng cường các trang thông tin điện tử riêng hướng dẫn những địa điểm du lịch thích hợp, có đảm bảo tiếp cận đối với khách hàng là người khuyết tật[13], thì vấn đề cần giải quyết từ gốc, xét từ khía cạnh pháp lý là cần quy định trách nhiệm đảm bảo cung cấp thông tin từ chính các cơ sở VH, TDTT, GT &DL. Cụ thể:

Về trách nhiệm của các cơ sở VH, TDTT, GT &DL, Luật Người khuyết tật 2010 đã quy định tương đối đầy đủ tại Điều 38 của Luật này. Ví dụ như trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trợ giúp; bố trí nhân lực, phương tiện, hỗ trợ người khuyết tật khi tổ chức những hoạt động VH, TDTT, GT &DL; trách nhiệm cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tậtv… Tuy nhiên Luật Người khuyết tật 2010 lại chưa quy định việc các cơ sở này có trách nhiệm cung cấp những thông tin về mức độ đảm bảo điều kiện tiếp cận cụ thể của cơ sở mình đối với người khuyết tật. Chính “kẽ hở” này trong chính sách chưa tạo ra sự ràng buộc rõ ràng, đầy đủ về trách nhiệm pháp lý của các cơ sở VH, TDTT, GT &DL trong đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật khi tham gia các hoạt động VH, TDTT, GT &DL.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung vào Điều 38 của Luật Người khuyết tật 2010 quy định trách nhiệm (bắt buộc) của các cơ sở VH, TDTT, GT &DL trong việc đảm bảo công khai thông tin về mức độ bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật về cơ sở vật chất của tổ chức mình, nhằm tăng cường giải pháp cần thiết đảm bảo quyền của người khuyết tật khi lựa chọn tham gia các dịch vụ nói trên.

Thứ ba, việc hỗ trợ, khuyến khích đối với huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật và vận động viên người khuyết tật đạt giải trong thi đấu thể thao còn chưa được khẳng định rõ ở tầm chính sách của Luật Người khuyết tật hiện hành

    Trong những năm gần đây, chỉ riêng lĩnh vực thể thao, các phong trào thi đấu của người khuyết tật trong nước và nước ngoài ngày càng “khởi sắc”: Các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đã giành được nhiều huy chương trong các đại hội thể thao Người khuyết tật quốc tế như Ðại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Paragames) năm 2018, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được tổng cộng 40 huy chương các loại; giành 01 huy chương bạc tại Paralympic Tokyo 2020...[14] Đằng sau những chiến thắng đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực của đội ngũ huấn luyện viên thể thao và vận động viên thể thao người khuyết tật. Tuy nhiên, xét về cơ chế chính sách thì hiện nay, cả Luật Thể dục, thể thao năm 2019 và Luật Người khuyết tật năm 2010 (Điều 37) đều thiếu khẳng định ở tầm luật những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật và vận động viên người khuyết tật lập thành tích cao tại các đại hội, giải thi đấu thể thao. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành một số chính sách cụ thể khuyến khích đối với các huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các đại hội, giải thi đấu quốc tế, trong đó có các đại hội, giải thi đấu quốc tế dành cho người khuyết tật[15]. Đây là những cơ sở pháp lý cần thiết để động viên, khuyến khích đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên thể thao người khuyết tật. Do vậy, đã đến lúc nên nghiên cứu, cân nhắc để “luật hóa” quan điểm chính sách khuyến khích nói trên tại Luật người khuyết tật mới. Cụ thể, chúng tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào nội dung Điều 37 của Luật Người khuyết tật 2010 nội dung: Nhà nước có chính sách sách hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật và vận động viên người khuyết tật lập thành tích cao tại các đại hội, giải thi đấu thể thao.

Tóm lại, vấn đề tăng cường đảm bảo quyền của người khuyết tật trong lĩnh VH, TDTT, GT &DL đòi hỏi cần có sự rà soát, sửa đổi bổ sung đồng bộ các chính sách đang lồng ghép trong một số đạo luật khác nhau. Nhưng thiết nghĩ, những chính sách trong lĩnh vực nêu trên cần sớm được hoàn thiện trước tiên trong quy định của Luật Người khuyết tật mới với tư cách là đạo luật “ chuyên ngành” về vấn đề người khuyết tật./.


[1] Theo Điều 30, CRPD :

Quốc gia thành viên công nhận quyền của người khuyết tật được tham gia vào đời sống văn hóa , trên cơ sở bình đẳng với những người khác, và tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm người khuyết tật: Được tiếp cận văn hóa phẩm, các chương trình truyền hình, phim, nhà hát và các hoạt động văn hóa khác dưới dạng dễ tiếp cận;

Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí và thể thao trên cơ sở bình đẳng với những người khác,khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động thể thao quần chúng tới mức rộng rãi nhất có thể;bảo đảm rằng người khuyết tật có thể tiếp cận các sự kiện du lịch, vui chơi và thể thao;vv

[2] Các Điều 40, 41,59 ....

[3] Nghị định số 28/2012/NĐ-CP (Điều 11), Nghị định số 38/2021/NĐ-CP[3] (Điều 32), Quyết định số 1190/QĐ-TTg (khoản 9 mục II)...

[4]  Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi như: Từ chối cung cấp dịch vụ, trang thiết bị phục vụ NKT tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Không thực hiện miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT khi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định; Từ chối để NKT tham gia hoạt động văn hóa, thể thao của NKT khi có đủ điều kiện…

[5] Ví dụ: Quyết định số 225/QĐ-TCDL ngày 08/05/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu rõ:  Ở những nơi có điều kiện, mỗi khu vệ sinh cần có ít nhất một phòng vệ sinh cho người khuyết tật. Phòng vệ sinh này phải có cửa rộng hơn để xe lăn có thể vào được và xung quanh nhà vệ sinh có đường dẫn (dành cho xe lăn)).

[6] Khoản 2 Điều 36 và Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.

[7] Bao gồm: Bảo tàng, di tích văn hóa- lịch sử, thư viện và triển lãm; Nhà hát, rạp chiếu phim; Các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; Các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác.

[8] Theo Báo cáo quốc gia về NKT 2016 của Tổng Cục Thống kê thì tỷ lệ người khuyết tậ có việc làm tuổi từ 18-4- là 46,30%; từ 41-64 tuổi là 57,12%. Đa số người khuyết tật có việc làm là người khuyết tật ở mức độ nhẹ.

[9]  Theo Wold Bank: Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người của Việt Nam tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Nguồn: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

[10] Theo Tổng Cục Thống kê: Trong Quý I/2022, lượng khách du lịch tăng khá cao ở một loạt tỉnh như: Khánh Hòa tăng 55%; Phú Yên: tăng 37%; Lâm Đồng tăng 48%; Hà Giang tăng 47%; Quảng Ninh tăng 56%...( Nguồn: ttps://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/hoat-dong-du-lich-tai-nhieu-dia-phuong-khoi-sac-trong-quy-i-nam-2022).

[13] Hiện nay một vài dự án hỗ trợ thông tin tiếp cận cho NKT cũng đã bước đầu xây dựng được trang thông tin về du lịch tiếp cận. Xem: http://www.vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/tao-hanh-trinh-du-lich-khong-rao-can-cho-nguoi-khuyet-tat-34782-4411.html

[14] Đào Thanh Tùng (TTXVN, Vietnam+, 2021), Thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam cao hơn dự kiến, https://www.vietnamplus.vn/thanh-tich-cua-doan-the-thao-paralympic-viet-nam-cao-hon-du-kien/738246.vnp, cập nhật ngày: 03/9/2021.

[14] Trung Hưng (2021), Đoàn Việt Nam giành tổng cộng 40 huy chương tại Asian Para Games 2018, https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/doan-viet-nam-gianh-tong-cong-40-huy-chuong-tai-asian-para-games-2018-337927, cập nhật ngày: 14/10/2018.

Đào Thanh Tùng (TTXVN, Vietnam+, 2021), Thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam cao hơn dự kiến, https://www.vietnamplus.vn/thanh-tich-cua-doan-the-thao-paralympic-viet-nam-cao-hon-du-kien/738246.vnp, cập nhật ngày: 03/9/2021.

[15] Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với các huấn khuyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung huấn luyện, thi đấu.