Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vật vã vì tín dụng "đen"

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 25/04/2022

Những khó khăn về kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen với những lời quảng cáo “có cánh” mà không lường trước được cảnh khốn đốn khi sa chân vào ma trận này. Câu chuyện sau đây là một lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta tránh xa những thủ đoạn khó lường của tín dụng đen.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và sự thiếu hiểu biết đã đẩy nhiều người lâm vào tình cảnh kiệt quệ, nợ nần. Chị Châu, một người khuyết tật chân cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Tai nạn giao thông năm 16 tuổi đã cướp đi một bên chân trái của chị, con đường học hành của chị dở dang sau những tháng ngày chạy chữa bệnh. Kinh tế gia đình dần túng thiếu, chị đành phải lao vào con đường mưu sinh để cùng bố mẹ gánh vác gia đình. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do một bên chân bị tật nên công việc của chị không ổn định. Đến năm 24 tuổi, chị Châu mới được nhận vào làm việc lâu dài tại một công ty thêu gần nhà. Chị dần trở thành trụ cột trong nhà khi bố mẹ ngày một già yếu, đau ốm thường xuyên, em gái vẫn đang đi học. Thu nhập trong nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng cùng đồng lương của chị.

Khó khăn ập đến khi chị nằm trong danh sách cắt giảm lao động do công ty buộc phải thu hẹp sản xuất vì dịch bệnh Covid-19. Chị thực sự khủng hoảng khi nghĩ đến sau này, chẳng biết sẽ ra sao? Tiền trợ cấp xã hội hàng tháng của chị chỉ đủ trang trải một phần chi tiêu của cả nhà. Số tiền được chính quyền hỗ trợ cũng chỉ đủ để gia đình cầm cự thêm thời gian ngắn! Chỗ nào đăng tin tuyển lao động thời vụ, chị đều nhận việc về làm nhưng thu nhập thì bấp bênh.

Không còn cách nào khác, chị đành chạy vạy khắp nơi để vay tiền nhưng đều không hỏi được. Vay ngân hàng thì thủ tục phức tạp, phải chứng minh được khả năng trả nợ, mà gia đình chị thì khó đáp ứng được. Một người bạn gợi ý: “Vay qua ứng dụng trên điện thoại hoặc website đơn giản hơn, lãi suất thấp, thủ tục vay mất 10 phút trên điện thoại là tiền về tài khoản, không thẩm định gì cả.”. Rồi họ mách chị tìm nơi vay trên mạng với từ khóa vay tiền qua app hoặc website.

Theo lời chỉ dẫn, chị tìm được: Có ứng dụng cho người vay lần đầu chỉ được duyệt số tiền vay là 1,7 triệu đồng nhưng khách hàng chỉ nhận được 1,4 triệu đồng, còn 300.000 đồng là phí dịch vụ. Trong 08 ngày, người vay phải trả 2,1 triệu đồng (trong đó 1,7 triệu đồng tiền gốc và 400.000 đồng tiền lãi). Nếu chậm trả thì khách vay sẽ bị phạt 110.000 đồng/ngày. Sang ứng dụng khác: Sau khi trả đúng hạn khoản vay đầu thì người vay được xét duyệt vay 3 triệu đồng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày vay thì người vay phải trả 4,6 triệu đồng (trong đó 3 triệu đồng là tiền gốc và 1,6 triệu đồng là tiền lãi). Nếu đến hạn mà không trả được nợ thì đóng 600.000 đồng để gia hạn khoản vay. Các ứng dụng đều yêu cầu người vay tạo tài khoản và cung cấp các thông tin cá nhân như hình ảnh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ,... và bên cho vay cam kết bảo mật thông tin người vay. Người vay phải đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn, trong đó buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ, tài khoản mạng xã hội trên điện thoại người vay. Nếu người vay thỏa mãn đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển vào tài khoản cá nhân của người vay. Mặc dù lãi suất khá “chát” nhưng các ứng dụng, website vay tiền này có ưu điểm là thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn nên đã đánh trúng vào tâm lý cần tiền nhanh của người đi vay. Sau thời gian ngắn cân nhắc, chị Châu làm theo hướng dẫn để vay tiền. Ban đầu chị vay với số tiền ít và trả đúng hạn. Tuy nhiên, tình hình dịch dã kéo dài, thu nhập gia đình “nhỏ giọt” mà nhu cầu chi tiêu thì không giảm dù đã “bóp bụng” hết sức. Lần tiếp theo, chị Châu đành vay 8 triệu đồng của ứng dụng X. Khi đến hạn mà chưa có tiền trả thì nhân viên của ứng dụng đã giới thiệu chị nên vay ở các ứng dụng khác để bù vào trả nợ. Sau hai tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng, với số tiền lãi tăng theo cấp số nhân hàng ngày, đến nay chị Châu đang phải gánh khoản nợ 40 triệu đồng. Đến hạn mà chưa thấy chị trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ đã gọi điện chửi bới và đe dọa sẽ gọi điện cho tất cả người quen của chị để đòi tiền... Quá lo sợ nên chị chạy vạy khắp nơi lo tiền trả... 

Giữa lúc tâm trí rối bời thì chị được “mách nước”: “Ngoài các cột đèn dán đầy thông báo cho vay tiền không cần thế chấp tài sản, lãi suất cực thấp thậm chí là 0%, sao không ra đó mà hỏi?”. Chị Châu vội “xách xe” đi tìm… mấy cây “cột đèn tín dụng” và gọi vào số điện thoại của tờ rơi mà chị thấy phù hợp nhất thì bên kia nhắc máy và hỏi nhà ở đâu để họ đến nhà tư vấn. Hôm sau, người tên Dương xưng là nhân viên hỗ trợ tài chính đến nhà chị. Dương cho biết công ty của mình chuyên giúp những người cần vay nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Đến tối, Dương nhắn tin địa chỉ, hẹn thời gian, dặn chị mang hộ khẩu gốc, chứng minh nhân dân và hóa đơn tiền điện, tiền nước gần nhất để thẩm định. Như lịch hẹn, theo địa chỉ được cung cấp, chị Châu mang các giấy tờ được yêu cầu đến. Sau khi xem xét, Dương nói chị đủ điều kiện vay tiền, photo các giấy tờ của chị và làm hợp đồng mà không hỏi nghề nghiệp, khả năng trả nợ của chị?! Dương đưa chị bản thảo giấy vay nợ với thông tin sơ sài: số tiền vay là 40 triệu đồng, lãi suất theo thỏa thuận không trái quy định. Tuy nhiên, lãi suất thực tế Dương thỏa thuận bằng miệng với chị là 5.000 đồng/một triệu/ngày, trả tiền lãi theo tháng, quy ước 01 tháng là 30 ngày, nếu thời gian vay không đủ tháng thì Dương sẽ tính lãi từ ngày tiếp theo của ngày vay tiền cho đến ngày trả lãi, không ấn định ngày trả số tiền vay gốc. Đến ngày trả lãi mà chị Châu không trả được thì thống nhất số tiền lãi sẽ cộng vào tiền gốc để tính lãi tiếp theo... Chị đấu tranh tư tưởng giữa vay và không vay, vì nếu vay thì không biết kịp xoay xở để trả không khi nhẩm ra vay 40 triệu thì lãi là 200.000 đồng/ngày?! Nhưng rồi dưới áp lực và sự dồn ép của nhân viên thu nợ ứng dụng vay tiền online, chị đành cắn răng vay tiền. Chị suy tính vay Dương để trả ứng dụng vay tiền rồi vay lại để trả Dương chứ còn hơn là đi tù?! May mà nghe cô hàng xóm khuyên, chị đã ghi âm toàn bộ nội dung trao đổi giữa chị và Dương. Rồi chị nhắm mắt ký vào giấy vay nợ. Sau khi nhận đủ tiền từ Dương, chị trả nợ cho các ứng dụng vay tiền online. Tuy nhiên “đâm lao phải theo lao”, để trả khoản nợ “nặng ký” 40 triệu với 200.000 đồng lãi/ngày nợ Dương thì chị đành phải đăng ký vay tiếp các ứng dụng vay tiền. Vậy là, chị Châu buộc phải dấn thân sâu hơn vào cuộc chơi “vay chỗ nọ đập chỗ kia” mà không biết bao giờ đến hồi kết?! Nhưng khi chị đăng ký vay tiền lại trên ứng dụng thì đều được thông báo không đủ điều kiện vay ???!!!. Thời gian trả nợ Dương đến gần khiến chị “mất ăn mất ngủ”. Cả nhà chỉ trông vào con bò cái đang chửa, cũng phải đợi gần năm nữa mới có thể bán được lứa bê đầu tiên để trả nợ. Đến ngày trả nợ đầu tiên, chị Châu gọi điện xin khất nợ, hứa vẫn trả lãi đập vào gốc như thỏa thuận nhưng Dương thẳng thừng từ chối. Sau hai tháng chị không trả nợ, Dương dồn dập điện thoại đòi tiền, hắn nói chị lo bán nhà để trả nợ, bằng không cả nhà chị sẽ “không yên nổi một ngày” và cho chị “ăn cơm tù”. Gia đình chị cảm thấy như sống trong địa ngục khi liên tiếp bị Dương “khủng bố” điện thoại mỗi ngày, rồi lại cho người đến nhà đập cửa đòi tiền. Tuần tiếp theo, chị nhận thông báo từ phía công ty luật không rõ địa chỉ nói rằng đã kiện chị ra Tòa và đợi Tòa giải quyết. Cầm tờ giấy báo trên tay, toàn thân chị run lẩy bẩy, ngã khụyu... 

Nghĩ hồi lâu, chị gạt nước mắt đi thẳng tới nhà chị Cầm - Chủ tịch Hội người khuyết tật xã để nhờ giúp đỡ, vì chị cũng cùng đường rồi. Nghe chuyện, chị Cầm khuyên chị Châu nên đến công an trình báo. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định làm theo lời chị Cầm. Chị biết mình vay tiền nhất định phải trả nhưng cũng không để người thân bị đe dọa mãi. Cùng với lá đơn tố cáo, chị giao nộp bằng chứng về việc vay tiền cho công an. Mấy hôm trước, chị được thông báo mình là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cho vay nặng lãi của Dương. Chẳng biết tương lai sẽ thế nào, nhưng giờ chị đã thấm thía bài học “xương máu” mang tên “tín dụng đen”...

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2017: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.