Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ III): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 22/03/2022

KỲ IV: VẤN ĐỀ ĐẢM BẢO QUYỀN HỌC TẬP CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Với vai trò là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), Việt Nam đã thừa nhận và thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật với định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, quy định của Luật Người khuyết tật hiện hành vẫn tồn tại một số vấn đề khiến việc bảo đảm quyền học tập của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, cần phải được tiếp tục bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới.

Học tập là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có người khuyết tật. Được học tập nghĩa là người khuyết tật được trang bị kiến thức, kỹ năng để nâng cao nhận thức của bản thân, trang bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo cuộc sống ổn định và chất lượng, đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, nâng cao cơ hội sống độc lập, hòa nhập cộng đồng. Quyền học tập của người khuyết tật đã được ghi nhận tại Điều 24 của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD). Trong đó, các quốc gia thành viên thừa nhận và thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật có định hướng rõ ràng, đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện triển khai với các biện pháp thích hợp. Để hướng tới thực thi quyền được giáo dục của người khuyết tật, các quốc gia thành viên của CRPD phải bảo đảm hệ thống giáo dục ở mọi cấp và học tập suốt đời cho người khuyết tật cùng với người không khuyết tật trên cơ sở bình đẳng về cơ hội “trong giáo dục tiểu học, trung học và đại học…trong những hoàn cảnh và điều kiện hội nhập”, “Các quốc gia cần đảm bảo giáo dục cho người khuyết tật là một bộ phận hợp thành trong hệ thống giáo dục quốc gia[1].

Là một thành viên của CRPD, Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ phải nội luật hóa quyền được giáo dục của người khuyết tật trong hệ thống pháp luật của mình và phải đảm bảo quyền đó được thực hiện một cách tốt nhất. Cũng chính vì vậy, cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Bên cạnh các chính sách được ghi nhận trong Luật Người khuyết tật năm 2010 (Chương IV từ Điều 27 đến Điều 31), một số chính sách giáo dục đối với người khuyết tật cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Giáo dục năm 2019 (các Điều 4, Điều 11, Điều 13, Điều 15, Điều 28, Điều 63, Điều 85…) và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Có thể thấy rằng, với tư cách là quốc gia thành viên CRPD, hệ thống chính sách giáo dục đối với người khuyết tật đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thừa nhận, tôn trọng và thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật có định hướng rõ ràng theo tinh thần của CRPD.

Học sinh khuyết tật trong giờ học dưới sự hướng dẫn của giáo viên tại Thừa Thiên Huế

Tuy nhiên, phân tích các chính sách trong lĩnh vực giáo dục đối với người khuyết tật tại Luật Người khuyết tật năm 2010, trên cơ sở đánh giá tính tương thích với các quy định có liên quan trong CRPD cũng như tính thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật trong nước cho thấy: Quy định của Luật Người khuyết tật hiện hành vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập trong cách quy định về quyền học tập của người khuyết tật:

Trước hết, nhằm đảm bảo quyền học tập của người khuyết tật, CRPD đã quy định rằng “các quốc gia thành viên phải bảo đảm hệ thống giáo dục ở mọi cấp và học tập suốt đời cho người khuyết tật cùng với người không khuyết tật trên cơ cơ sở bình đẳng về cơ hội”, “đảm bảo rằng người khuyết tật có thể tiếp cận giáo dục phổ thông cấp ba, dạy nghề, bổ túc và học tập suốt đời mà không có sự phân biệt nào và trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Để đạt được mục đích này, quốc gia thành viên sẽ bảo đảm tạo điều kiện hợp lý cho người khuyết tật” (khoản 1 và khoản 5 Điều 24 CRDP). Mặc dù quy định này đã được chuyển hóa trong Luật Người khuyết tật năm 2010 nhưng xuyên suốt các điều khoản trong Chương IV Luật này cho thấy, chính sách về giáo dục trong Luật Người khuyết tật hiện hành vẫn nghiêng về hướng “khuyến khích”, “tạo điều kiện” của Nhà nước đối với quyền được tiếp cận giáo dục của người khuyết tật mà thiếu khẳng định rõ về việc Nhà nước có nghĩa vụ “đảm bảo một hệ thống giáo dục hoà nhập ở tất cả các cấp và chương trình học tập suốt đời” như quy định của CRPD.[2]

Hơn nữa, sau hơn 10 năm thi hành, một số chính sách về phát triển giáo dục của Luật Người khuyết tật năm 2010 đã trở nên lạc hậu so với những quy định pháp luật hiện hành có liên quan, cụ thể là Luật Giáo dục năm 2019. Chẳng hạn, tại khoản 3 Điều 4 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định về phát triển giáo dục như sau: “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời”. Trong khi đó, với tư cách là đạo luật chuyên ngành về người khuyết tật, thì chính sách của Luật Người khuyết tật hiện hành lại chưa thể hiện rõ được quyền của người khuyết tật, cũng như chưa thể hiện sự bình đẳng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật trong giáo dục[3].

Tiếp đó, để đảm bảo người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông, CRPD cũng đã quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 rằng “người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông trên cơ sở sự khuyết tật, và trẻ em khuyết tật không bị loại khỏi giáo dục tiểu học bắt buộc, hoặc giáo dục trung học, trên cơ sở sự khuyết tật”. Trong Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đã có những quy định về trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc đảm bảo quyền học tập cho người khuyết tật. Tuy nhiên, cũng như trên, khoản 1 Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010 chỉ quy định rằng “Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật” mà không nhấn mạnh được trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo cho người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục.

Học sinh khuyết tật nỗ lực thích ứng trong việc hòa nhập giáo dục tại trường tiểu học ở Ba Vì, Hà Nội

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Người khuyết tật năm 2010 xác định trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc “…không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật” đang còn gây tranh cãi và chưa thực sự tương tích với quy định của CRPD. Câu hỏi đặt ra: Thế nào là từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật? Trường hợp nào thì được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học? Mặc dù đến nay đã có một số văn bản dưới luật quy định chi tiết về vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật[4], nhưng thực tế những quy định này vẫn chưa có nhận diện rõ ràng về hành vi từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến việc thực hiện pháp luật không thống nhất, vì vậy trên thực tế cũng đã có một số vi phạm tới quyền học tập của người khuyết tật. Qua thực tiễn tư vấn pháp luật của ACDC cho thấy, vẫn có trường hợp lãnh đạo trường mẫu giáo, tiểu học tại địa phương từ chối tiếp nhận trẻ khuyết tật nhập học vì lý do khuyết tật. Việc từ chối hầu hết không được thể hiện bằng văn bản.

Mặt khác, khi so sánh với pháp luật các nước ASEAN, quy định của CRPD về việc đảm bảo người khuyết tật không bị loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục trên cơ sở khuyết tật đã được một số quốc gia quy định rõ ràng. Ví dụ, khoản 1 Điều 28 Luật Người khuyết tật Malaysia quy định: “người khuyết tật sẽ không bị từ chối khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật, trẻ em khuyết tật sẽ không bị từ chối từ mầm non, tiểu học, trung học và giáo dục đại học trên cơ sở bình đẳng như với những người hoặc trẻ em không bị khuyết tật, bao gồm cả đào tạo nghề và học tập suốt đời”. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc tiếp cận hệ thống giáo dục của người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật theo hướng đảm bảo quyền học tập của người khuyết tật.

Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng để đảm bảo quyền học tập của người khuyết tật,  các quy định liên quan đến giáo dục đối với người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật năm 2010 cần phải được sửa đổi, bổ sung như sau:

Bổ sung quy định về mặt nguyên tắc: “người khuyết tật có quyền được học tập, giáo dục trên cơ sở bình đẳng với những người không khuyết tật với hỗ trợ phù hợp” nhằm khẳng định quyền học tập của người khuyết tật tại tại Điều 27 Luật Người khuyết tật hiện hành, tương thích với quy định của CRPD.

Đồng thời, để khẳng định quyền học tập suốt đời của người khuyết tật và để đảm bảo người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật, cần phải bổ sung quy định mang tính nguyên tắc: “người khuyết tật có quyền học tập suốt đời, không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật” nhằm phù hợp với tinh thần của Điều 24 của CRPD.

Giáo viên hướng dẫn cho học sinh khuyết tật trí tuệ sử dụng kỹ năng tin học văn phòng

Nhằm đảm bảo nguyên tắc này, cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc tiếp nhận người khuyết tật nhập học tại khoản 1 Điều 30 Luật Người khuyết tật hiện hành. Theo đó, thay vì quy định việc cơ sở giáo dục không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật một cách chung chung như vậy, có thể quy định theo hướng khẳng định trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc tiếp nhận người khuyết tật nhập học: “Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tiếp nhận người khuyết tật nhập học theo quy định của pháp luật”. Đồng thời với quy định này, cần giao cho Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết về trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tư vấn cho người khuyết tật, gia đình người khuyết tật tuyển sinh; chỉ rõ các trường hợp nào được phép từ chối người khuyết tật nhập học; những trường hợp nào việc từ chối người khuyết tật nhập học bị xem là trái pháp luật; đặc biệt là phải xây dựng các chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái pháp luật.

Chỉ khi Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định cụ thể như vậy mới tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng hơn đối với việc xử lý tình trạng từ chối học sinh khuyết tật nhập học đang diễn ra đối với một số cơ sở giáo dục hiện nay. Ngoài ra, quy định này một phần nào đó cũng sẽ góp phần đặt ra yêu cầu, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực giáo dục quan tâm các điều kiện bảo đảm kinh phí, nhân sự, cơ sở vật chất... đối với các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo quyền được học tập của người khuyết tật./.


[1] Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng cơ hội cho người khuyết tật năm 1993 của Liên hợp quốc, Quy tắc 6: Giáo dục.

[2] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2020), Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội, tr.25.

[3] Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (2016), Nghiên cứu chính sách pháp luật tại một số nước ASEAN về giáo dục đào tạo, dạy nghề tạo việc làm và tiếp cận công trình, tiếp cận giao thông, y tế và phục hồi chức năng, Hà Nội.

[4] Như Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật; Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/01/2018 quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật; Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/09/2020 ban hành Điều lệ Trường tiểu học; Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/09/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em;…