KỲ III: VẤN ĐỀ CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là nhu cầu tất yếu của con người, đối với người khuyết tật (NKT) thì nhu cầu này lại càng quan trọng và cấp thiết. Xuất phát từ nhu cầu mang tính khách quan, chính đáng ấy của NKT, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, tập luyện và phục hồi chức năng của NKT đã được ghi nhận tại Chương III của Luật NKT năm 2010 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác[1] của Việt Nam. Về cơ bản, hệ thống chính sách về chăm sóc sức khỏe đối với NKT của nước ta đã đảm bảo phù hợp với nội dung tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD, Điều 25-26). Tuy nhiên, qua hơn một thập kỷ đi vào thực tiễn đời sống, một số nội dung quy định về chăm sóc sức khỏe của Luật NKT năm 2010 và hệ thống văn bản chuyên ngành cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, lạc hậu, trong đó, phải kể đến quy định về quyền lợi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với NKT. Cụ thể:
Để phù hợp với tinh thần của điểm a, Điều 25 - CRPD về trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc “cung cấp cho NKT sự chăm sóc và chương trình y tế cùng loại, cùng chất lượng, cùng tiêu chuẩn miễn phí hoặc giá thành vừa phải như đối với những người khác...”[2], căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước, khoản 2, Điều 22, Luật NKT năm 2010 đã quy định về nguyên tắc đảm bảo quyền lợi về BHYT của NKT trong khám bệnh, chữa bệnh như sau: “NKT được hưởng chính sách BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT”. Trong đó, xác định rằng, “NKT có xu hướng sức khỏe kém hơn và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ cao hơn đáng kể so với người không có khuyết tật, do vậy họ phụ thuộc rất nhiều vào BHYT”[3], Nhà nước ta cũng đã có chính sách cấp thẻ BHYT cho NKT, song, phạm vi đối tượng NKT được cấp thẻ BHYT bị giới hạn chỉ bao gồm những NKT mức độ nặng hoặc đặc biệt nặng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (điểm g, khoản 3, Điều 12, Luật BHYT hiện hành). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, NKT nhẹ vốn thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhưng lại chưa được Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT. Nó cũng dẫn đến một thực tế, nếu NKT không thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội khác (như hộ nghèo, hộ cận nghèo,...) hoặc không thuộc diện mua BHYT bắt buộc theo cơ sở lao động thì NKT mức độ nhẹ hầu như không được hưởng bất kỳ chính sách ưu tiên nào về BHYT.
Trên thực tế, nhu cầu về khám bệnh, chữa bệnh của NKT rất cao. Thống kê cho thấy, có đến 89% NKT nhẹ có các dấu hiệu sức khỏe cần lưu ý để khám và chữa trị. Thậm chí, do mức độ suy giảm các chức năng ít hơn nên tần suất tiếp cận các dịch vụ y tế của NKT nhẹ thường nhiều hơn so với nhóm NKT nặng. Trong vòng 06 tháng qua, 100% NKT nhẹ đã đến các cơ sở y tế khám bệnh, trong khi tỷ lệ này ở nhóm NKT nặng là 83%.[4] Thế nhưng đến nay, nước ta vẫn còn gần 50% NKT (hơn 3 triệu người) phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh[5]. Mặc dù nhận thức của phần đa dư luận hiện nay về NKT mức độ nhẹ là họ vẫn có khả năng lao động, có thu nhập và có thể tham gia BHYT bắt buộc theo cơ sở lao động hoặc mua BHYT theo hộ gia đình với giá vừa phải như người không khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ có việc làm của NKT nói chung, NKT nhẹ nói riêng còn thấp (37% NKT nhẹ chưa có việc làm, 59% có việc làm bấp bênh)[6]. Điều này, đồng nghĩa với việc tỷ lệ NKT nhẹ không nằm trong diện mua BHYT bắt buộc theo cơ sở lao động là khá cao. Đồng thời, không phải NKT nhẹ nào cũng đủ điều kiện để mua BHYT theo hộ gia đình khi mà phần lớn trong số họ thuộc diện hoàn cảnh khó khăn[7], trong khi tình trạng khuyết tật đã làm tăng thêm 10% chi phí sinh hoạt (ước tính) của họ[8]. Với tần suất tiếp cận các dịch vụ y tế thường xuyên như vậy, chi phí khám chữa bệnh (đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài) là một vấn đề lớn đối với NKT nhẹ. Do hạn chế về thu nhập và khả năng tích lũy tiết kiệm, đa phần NKT nhẹ không đủ khả năng chi trả cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, có đến 95% NKT nhẹ chưa có thẻ BHYT đều đánh giá chi phí khám, chữa bệnh là cao và rất cao so với khả năng kinh tế của hộ gia đình[9]. Chính vì vậy, việc được cấp miễn phí một chiếc thẻ BHYT là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo sự an tâm và giảm bớt gánh nặng cho cho NKT nhẹ[10].
Mặt khác, đối với những NKT nhẹ đã tham gia BHYT bắt buộc tại cơ sở lao động hoặc tự mua BHYT hộ gia đình thì mức hưởng thanh toán BHYT của họ hiện chỉ là 80%, chưa được hưởng mức thanh toán BHYT cao nhất (100%) như NKT nặng, NKT đặc biệt nặng. Trong khi đó, tần suất sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh của họ cao nhất cũng đang khiến họ phải đối mặt với áp lực chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, việc được tăng mức hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cũng là điều rất cần thiết đối với NKT nhẹ[11].
Như vậy, mức sống thấp, phải chi trả nhiều chi phí cho quá trình khám, chữa bệnh (đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài) cùng với việc không được Nhà nước cấp/ hỗ trợ về BHYT đã khiến cho NKT nhẹ vô hình trung bị thiệt thòi hơn so với những NKT khác. Đồng thời, điều này cũng khiến họ “vô tình” bị bỏ lại phía sau những chính sách ưu tiên về an sinh xã hội, trong đó có khám, chữa bệnh bằng BHYT. Những vấn đề trên đã và đang có nguy cơ dẫn đến hiện tượng “những NKT không có BHYT hoặc không được BHYT đầy đủ thường trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân”[12]. Trong khi đó, việc cấp thẻ BHYT cho NKT không phân biệt mức độ đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, ví dụ, ở Indonesia (một quốc gia cùng khu vực ASEAN với Việt Nam), một người chỉ cần có “giấy chứng nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật” thì sẽ là đối tượng được trợ cấp xã hội, được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, mà không có sự phân biệt giữa khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng[13].
Chính vì vậy, để đảm bảo thực hiện quyền của NKT theo CRPD mà Việt Nam đã tham gia, đảm bảo quyền của tất cả NKT, đặc biệt là những NKT có mức độ khuyết tật nhẹ (và cả NKT trung bình - nếu Luật NKT mới bổ sung mức độ này[14]), chúng tôi thấy rằng về lâu dài, cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22 Luật NKT hiện hành theo hướng quy định về mặt nguyên tắc chính sách cấp thẻ BHYT cho tất cả NKT. Điều này không chỉ đảm bảo tất cả NKT được tiếp cận BHYT bình đẳng, mà còn đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh của NKT nhẹ (và trung bình), giảm thiểu được những rủi ro về bệnh tật cho bản thân NKT, các rủi ro kèm theo cho gia đình họ và cộng đồng nói chung.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, việc cấp thẻ BHYT cho tất cả NKT ngay lập tức có thể tạo thành “gánh nặng” không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo khả năng thực thi của đề xuất với tình hình tài chính - ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn trước mắt, có thể quy định việc cấp BHYT miễn phí cho NKT nặng, NKT đặc biệt nặng. Đối với NKT ở mức độ khuyết tật dưới mức độ nặng (gồm mức độ khuyết tật nhẹ và mức độ khuyết tật trung bình), cần cân nhắc quy định theo hướng: Nhà nước có chính sách hỗ trợ NKT nhẹ (và trung bình) được ưu tiên mua BHYT và hưởng ưu đãi chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Ví dụ: Nhà nước có chính sách hỗ trợ NKT nhẹ (và trung bình) được ưu tiên mua BHYT và hưởng ưu đãi chi phí khám bệnh, chữa bệnh tương đương với mức ưu tiên dành cho hộ cận nghèo.
Việc quy định về mặt nguyên tắc trong Luật NKT cũng là cơ sở cho việc cụ thể hóa quyền được cấp thẻ BHYT của NKT (không phân biệt mức độ khuyết tật) trong Luật BHYT sửa đổi./.
[1] Như Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009,…
[2] Điểm a, Điều 25, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.
[3] Theo Bảng tóm tắt về Quyền tiếp cận Chăm sóc Sức khỏe NKT (Uỷ ban Quốc gia Khuyết tật Hoa Kỳ), trích tại bài viết “Vai trò của truyền thông về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật” của tác giả Nguyễn Thanh Xuân tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ” tổ chức ngày 16/07/2021.
[4] Nhóm chuyên gia (2021), Báo cáo “Rà soát và đề xuất bổ sung một số quy định dành cho Người khuyết tật trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi”, tại Hội thảo “Thực trạng bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật” ngày 21/12/2021, Hà Nội, tr.14.
[5] Thảo Hương, “Quyền bình đẳng của người khuyết tật - Kỳ 3: Khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe”, tại địa chỉ: https://baophunuthudo.vn/article/31041/170/ky-3-kho-khan-trong-tiep-can-dich-vu-y-te-cham-soc-suc-khoe/, cập nhật ngày: 03/09/2019.
[6] Nguyễn Thị Thanh Uyên (Trưởng nhóm nghiên cứu), “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật nhẹ”, tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ” tổ chức tại TP.HCM, ngày 16/07/2021.
[7] Theo Báo cáo Điều tra Quốc gia Người khuyết tật, gần ¾ số NKT từ 15 tuổi trở lên sống trong hộ gia đình nghèo đa chiều, không đi học, không bằng cấp. Theo khảo sát của nhóm chuyên gia năm 2021, 82% NKT nhẹ có cuộc sống không ổn định.
[8] Nguyễn Thị Thanh Uyên (Trưởng nhóm nghiên cứu), “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật nhẹ”, tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ” tổ chức tại TP.HCM, ngày 16/07/2021.
[9] Nhóm chuyên gia (2021), Báo cáo “Rà soát và đề xuất bổ sung một số quy định dành cho Người khuyết tật trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi”, tại Hội thảo “Thực trạng bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật” ngày 21/12/2021, Hà Nội, tr.14.
[10] Số liệu khảo sát cho thấy, 85% NKT tại các địa phương cho rằng thẻ BHYT là vô cùng cần thiết với họ.
[11] Theo Khảo sát của nhóm chuyên gia năm 2021, có đến 95% NKT có nguyện vọng tăng mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
[12] Theo Bảng tóm tắt về Quyền tiếp cận Chăm sóc Sức khỏe NKT (Uỷ ban Quốc gia Khuyết tật Hoa Kỳ).
[13] Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (2016), Nghiên cứu chính sách pháp luật tại một số nước ASEAN về giáo dục đào tạo, dạy nghề tạo việc làm và tiếp cận công trình, tiếp cận giao thông, y tế và phục hồi chức năng, Hà Nội.
[14] Trong Kỳ I của Chuyên đề, tác giả Lê Hoa đã kiến nghị “sửa đổi quy định về mức độ khuyết tật của người khuyết tật tại Luật người khuyết tật 2010 (khoản 2, Điều 3) theo hướng chia nhỏ chi tiết hơn mức độ khuyết tật thành 04 mức: Đặc biệt nặng; nặng; trung bình và nhẹ”.