Chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng nỗi đau “màu da cam” vẫn hiện diện, để lại di chứng về cả thể xác lẫn tinh thần cho nhiều thế hệ. Những tưởng gia đình tôi đã thoát khỏi “lời nguyền” đó khi thế hệ bố mẹ và anh chị tôi trưởng thành mạnh khỏe. Nhưng thật không ngờ, di chứng “màu da cam” lại gọi tên tôi - đứa cháu nhỏ nhất của ông nội, một cựu binh chiến đấu tại chiến trường B thời kỳ trước năm 1973.
Tôi bắt đầu có vấn đề “nặng” về xương khớp từ khi lên 10 tuổi, tay trái không cử động được bình thường, khớp chân cũng sưng tấy, đau nhức khiến tôi sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Nhưng những thiệt thòi đó không thể dập tắt được ước mơ đến trường của tôi. Con đường gập ghềnh, lầy lội mùa mưa, cái nắng cháy da thịt của miền đất nắng gió, những cơn đau buốt mỗi khi trái gió trở trời không thể cản được bước chân tôi tới trường, tới với tương lai mà tôi luôn hi vọng. Biết con gái ham học, với vài ba sào ruộng, mấy con lợn, con gà cùng gánh xôi nho nhỏ, dù nghèo khó, bố mẹ cũng cố gắng lo cho tôi học hành tới nơi tới chốn. Ngày tôi nhận được kết quả thi đỗ vào trường đại học ngành xã hội, cả nhà tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Rồi niềm vui thoáng chốc nhường chỗ lại cho những ưu tư. Bàn tay của bố mẹ chai sần nhiều hơn vì phải đi phát thêm nương, trũng mắt của bố sâu hơn vì những đêm đi đơm đó bắt thêm con lươn, con cá để sáng sớm mẹ mang ra chợ bán. Tất cả chỉ để lo cho cuộc sống sinh viên sắp tới của tôi, vì nghe đâu, sẽ tốn kém nhiều lắm. Cuối cùng, bố mẹ tôi đã quyết tâm mở một quán ăn gia đình từ những đồng vốn ít ỏi tích lũy bao năm và vay mượn thêm từ hàng xóm với hi vọng chăm lo cho tôi học hành thành tài.
Cuộc sống sinh viên của tôi tưởng chừng cứ thế êm đềm trôi qua thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Cái xóm nhỏ vốn không mấy nhộn nhịp nay lại càng tiêu điều hơn do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Quán ăn vì thế phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc gia đình tôi mất đi khoản thu nhập chính. Từ cuối năm 2020, tôi cũng đã phải học trực tuyến theo chính sách “ai ở đâu học ở đó”. Chiếc điện thoại thông minh cũ kỹ dùng để tìm tài liệu trong những năm học trước giờ trở nên “ọp ẹp”, không “gánh” được những phần mềm học tập. Đường truyền mạng yếu khiến tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là trong kỳ thi trực tuyến. Dịch bệnh ngày càng căng thẳng, diễn biến thất thường nên việc học trực tuyến cứ thế mà kéo dài mãi. Chẳng còn cách nào, tài sản trong nhà còn vài con gà, con lợn tính nuôi để cho anh trai tôi cưới vợ cũng đành phải bán đi để lo thiết bị cho việc học của tôi. Một chiếc bàn được đặt ngoài vườn, một chiếc máy tính được mua trả góp, wifi xin dùng ké của nhà hàng xóm là tất cả hành trang của tôi khi đó. Mặc dù còn thiếu thốn nhưng đó là sự hi sinh và tình thương của tất cả các thành viên trong gia đình dành cho tôi học hành.
Ngày kết thúc giãn cách, tưởng chừng như mọi việc sẽ trở lại bình thường thì đợt dịch Covid-19 thứ 4 ập đến rất nhanh, khiến những lao động phổ thông như gia đình tôi lâm vào khốn cùng. Anh, chị tôi đi làm ở khu công nghiệp bị cho nghỉ việc không lương, quán ăn nhỏ chưa mở cửa được mấy ngày lại dừng hoạt động. Thu nhập không có, những khoản tiết kiệm cuối cùng cũng phải lôi ra trang trải chi tiêu hàng ngày, đôi khi còn phải “giật tạm” bên hàng xóm láng giềng. Một năm học mới lại đến, áp lực kinh tế quá lớn khiến tôi đã có lúc muốn tạm ngừng học một năm để không làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Nhưng cả nhà kiên quyết không cho phép, bố mẹ bảo dù “đập nồi bán sắt” cũng không để tôi nghỉ học. Tôi lao vào tìm kiếm những khoản học bổng khác nhau nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”.
Ảnh mang tính chất minh họa
May thay, sát ngày tựu trường, Nghị định về chính sách thu, miễn giảm học phí được ban hành, và đặc biệt từ năm học này, những sinh viên khuyết tật như tôi thuộc đối tượng được miễn học phí. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt vẫn là một gánh nặng đối với cả gia đình, khi mà bố mẹ, anh chị tôi đều phải ở nhà và không có thu nhập nào khác. Chúng tôi tính đến việc tìm các khoản vay vốn, song vấn đề thế chấp tài sản cũng như trả lãi lại khiến chúng tôi chùn bước. Trong lúc loay hoay chưa biết làm thế nào, tôi đã tâm sự với cô cố vấn học tập - người luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Cô đã thông tin cho tôi về chính sách vay vốn dành cho sinh viên. Chính sách này tôi từng nghe nói, nhưng điều kiện vay vốn phải là sinh viên hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn,… hơn nữa trong giai đoạn giãn cách, không thể đến trường để xin xác nhận. Hiểu những lo lắng của tôi, cô chia sẻ: “Hiện nhà nước đang có chính sách tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội, nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các em hết mức có thể”. Cô dặn tôi gặp Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn địa phương để hỏi thủ tục chi tiết. Lời chia sẻ của cô như cơn mưa rào sau những ngày nắng hạn, đem đến niềm hi vọng cho gia đình tôi trong đại dịch này.
Như “tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”, gia đình tôi hồ hởi sang nhà bác Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn và được bác hướng dẫn cụ thể về điều kiện, phương thức cho vay, mức vay cũng như trình tự thủ tục vay vốn một cách nhiệt tình. Bác cũng cho chúng tôi địa chỉ hòm thư điện tử của ngân hàng chính sách xã hội huyện. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với nhà trường và được các thầy cô tạo xác nhận, gửi trước bản scan Giấy xác nhận tới hòm thư điện tử Ngân hàng chính sách xã hội huyện và hòm thư của tôi. Với các giấy tờ này, tôi có thể làm thủ tục vay vốn trước, bản gốc sẽ được bổ sung sau khi tôi đi học trực tiếp. Thủ tục bình xét, xác nhận, lập danh sách, kiểm tra, xét duyệt điều kiện vay vốn tại Tổ tiết kiệm lẫn Ngân hàng chính sách cũng được thực hiện nhanh chóng. Đầu tháng này, khoản vay sinh viên của tôi đã được xét duyệt với mức vay 2.500.000 đồng/tháng (25.000.000 đồng/năm học), lãi suất 0,55%/tháng và giải ngân kỳ đầu của năm học này thông qua chuyển khoản.
Khoản tiền này đã giúp chia sẻ phần nào nỗi lo về chi phí trong sinh hoạt, học tập cho tôi và gia đình, tiếp thêm niềm tin cho những sinh viên gặp khó khăn như tôi vững bước theo đuổi con đường học vấn, nuôi dưỡng ước mơ để xây dựng tương lai.
Chương trình vay vốn dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) được thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV và một số văn bản liên quan như Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV,…
Trong đó, đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh trong thời gian theo học được thực hiện như sau:
- Đối tượng được vay vốn (khoản 3 Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg):
“3. HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú”.
- Điều kiện vay vốn (Điều 4 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg):
“1. HSSV đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Đối với HSSV năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.
3. Đối với HSSV từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu”.
- Mức cho vay (Điều 1 Quyết định số 1656/QĐ-TTg): Tối đa là 2.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
- Lãi suất cho vay (Điều 1 Quyết định số 750/QĐ-TTg): Lãi suất cho vay hiện nay là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
- Thủ tục vay vốn:
+ Người vay viết Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu in sẵn do ngân hàng cấp) kèm Giấy xác nhận của nhà trường hoặc Giấy báo nhập học của HSSV gửi cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
+ Tổ Tiết kiệm và vay vốn kiểm tra các điều kiện theo quy định, lập danh sách hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn trình Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và gửi NHCSXH làm thủ tục phê duyệt cho vay.
Để tạo điều kiện cấp giấy xác nhận cho HSSV làm thủ tục vay vốn do dịch Covid-19, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành Công văn số 8225/NHCS-TDSV ngày 17/09/2021 yêu cầu Giám đốc chi nhánh NHCSXH các tỉnh thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh chỉ đạo và đề nghị các trường/cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn tạo điều kiện để cung cấp kịp thời bản chính giấy xác nhận theo hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho các HSSV đang theo học tại trường. Trong trường hợp nhà trường không thể cung cấp kịp thời bản chính giấy xác nhận cho HSSV trong thời gian giãn cách xã hội hoặc thực hiện học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HSSV liên hệ với nhà trường để được gửi trước bản chụp giấy xác nhận (bản scan/ảnh chụp có dấu đỏ) qua hòm thư điện tử của nhà trường gửi đến hòm thư điện tử của NHCSXH nơi cho vay và hòm thư của HSSV.