Đối với những đứa trẻ của cái bản nghèo chỉ độ chục nóc nhà lụp xụp, nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cách xa trung tâm huyện tới mười lăm, hai mươi cây số này, đi học các cấp cao với chúng là một thứ gì đó lạ lẫm, xa vời thậm chí là xa xỉ. Nhưng đi học cũng là thứ chúng luôn khát khao. Được đi học, chúng mới được biết cái chữ… Đối với C, đi học lại càng là điều không tưởng khi em không may bị cướp đi khả năng đi lại sau một cơn sốt cao, lúc ấy em chỉ mới được 2 tuổi. Nhìn con lủi thủi nép mình trên chiếc xe lăn đã cũ được tặng trong một đợt tình nguyện của tỉnh, nỗi lòng người làm cha, làm mẹ quặn thắt đau đớn. Nhưng biết làm sao được, chỉ trách sao ông trời quá bất công, cướp đi tương lai của đứa con thơ vô tội.
Thời gian dần trôi, C cũng đã đến tuổi đi học. Thế nhưng đi học chỉ là thứ xuất hiện trong giấc mơ bởi thực tại có quá nhiều trở ngại khiến cho nó không thể thành hiện thực. Gia đình em nghèo, nghèo lắm! Bố mẹ em phải làm việc vất vả trên nương rẫy để nuôi sáu miệng ăn. Các anh chị em của em cũng đã biết phụ giúp thêm cho bố mẹ, nhưng bữa đói vẫn luôn thường trực, có bữa chỉ có rau rừng và nước suối chan cơm. Khi bữa ăn còn không đủ thì lấy gì để đổi lấy cái chữ, lấy gì để theo em rong ruổi trên con đường gọi là “sự học”? Vả lại có bỏ qua điều kiện kinh tế đi chăng nữa thì quãng đường tới trường cũng lên tới hơn bốn cây số, với một đứa bé không thể đi lại được như em thì thử hỏi liệu phép màu có thực sự xảy ra? Cứ như thế, như thế, cuộc sống thực tại bóp nghẹt và siết chặt cái ước mơ nhỏ bé, khiến nó thoi thóp. Anh chị C chỉ hơn C một vài tuổi, thương em nên những lúc không lên nương làm rẫy, thường dạy C đọc, viết hay làm toán. C thông minh, sáng dạ nên hiểu rất nhanh. Ngày ngày, dưới sự chỉ dạy của các anh chị, C tập ghép vần, tập viết, tập làm toán, tập chăm sóc bản thân khi không có người thân giúp đỡ. Mặc dù có những lúc toàn thân đau nhức, cánh tay mỏi nhừ, nhưng nụ cười dường như không bao giờ tắt trên khóe môi em.
Dù biết con ham học, có cơ hội sẽ học rất tốt, nhưng bố mẹ em cũng nghĩ chỉ cần con khỏe mạnh, không còn bị những cơn đau hành hạ thì đã là hạnh phúc lắm rồi. Bố mẹ em chưa bao giờ dám nghĩ em có cơ hội được đi học như những đứa trẻ khác, vì mình nghèo quá mà em thì… Thế nhưng, hai tháng rồi ba tháng, một năm rồi hai năm, sự cố gắng và nghị lực phi thường của chàng trai bé nhỏ đã làm thay đổi cách nhìn của mọi người về em. Tấm gương hiếu học của em vì thế được cả bản làng biết tới và lấy làm gương cho những đứa con của mình. Tiếng lành đồn xa, tấm gương học tập của em đã dành được sự chú ý của mọi người, trong đó có cô giáo H.
Là một cô giáo trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm, H rời phố xin lên “gieo chữ” ở vùng cao này. Biết được câu chuyện đáng khâm phục của C, cô giáo H đã tìm hiểu, biết được em năm nay đã hơn 8 tuổi nhưng chưa từng được đến lớp. Chỉ qua một vài lần tiếp xúc với em, cô thấy C tuy nhỏ tuổi nhưng đã rất hiểu chuyện, em thương bố mẹ vất vả, biết gia đình mình không có đủ kinh tế và cũng biết mình không thể tự đi đến trường được nên chưa từng đề cập tới việc đi học với bố mẹ. Thế nhưng cô càng cảm nhận được rõ ràng khao khát tới trường cháy bỏng của cậu bé được kìm nén một cách vụng về. Điều đó đã thôi thúc lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của một nhà giáo. Thế là, cô giáo trẻ đã bắt đầu hành trình thuyết phục bố mẹ C để cho em được đến lớp, đến trường, được học cái chữ, được vui chơi với bạn bè, mặc dù biết trước rằng con đường đó có nhiều trở ngại và chông gai.
Ảnh mang tính chất minh họa
Cô giáo H kể lại rằng, quãng thời gian tiếp xúc, thuyết phục bố mẹ C cho em đi học là cả một câu chuyện dài. Khi đề cập tới việc đưa em đi học, bố mẹ C đã quả quyết cho rằng đó là điều không thể, vì gia đình nghèo quá, “cái bụng còn chưa no thì nó đi học làm sao?”, rồi tới việc quãng đường từ nhà tới điểm trường gần nhất cũng hơn bốn cây số mà em không thể tự đi đến trường, gia đình cũng không có người đưa em đi học, chăm sóc cho em… Qua những lần trao đổi, H cũng thấy những ưu tư đè nặng lên đôi mắt của vợ chồng người dân tộc mới chỉ bập bẹ tiếng Kinh. Nhận thức được những vấn đề trở ngại trên con đường được tiếp cận với cái chữ của C, cô giáo H đã tích cực tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan, rồi cứ thế vài ngày một lần, cứ tranh thủ thu xếp được thời gian, cô lại đều đặn tới thăm C và gia đình, tư vấn cho bố mẹ em về các quy định của pháp luật về quyền học tập của trẻ em khuyết tật cũng như trách nhiệm của gia đình trong đảm bảo, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học tập. Quan trọng nhất là cho bố mẹ C nhận ra rằng, các em và gia đình không hề đơn độc trong hành trình tới trường này, mà luôn có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách miễn, giảm đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, luôn có sự đồng hành của nhà trường trong việc dạy dỗ và hỗ trợ các em. Những lúc gặp khó khăn về ngôn ngữ, cô giáo H thường nhờ mấy bạn bên Đoàn thanh niên trong bản dịch lại bằng tiếng địa phương để bố mẹ em có thể hiểu cặn kẽ vấn đề. Khi biết được Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền học và các chi phí khác, bố mẹ em mừng lắm và cũng cảm thấy có lỗi vì đã không làm tròn trách nhiệm của cha mẹ tạo điều kiện cho con được học tập. Bên cạnh đó, H cũng bày tỏ mong muốn tình nguyện đưa đón C từ nhà tới trường và từ trường về nhà sau mỗi tuần học nội trú bằng chiếc xe máy mà cô dành dụm tiền tiết kiệm trong suốt quãng thời gian sinh viên. Cuối cùng, sau một năm kiên trì vận động và bằng sự tâm huyết chân thành của mình, H đã thuyết phục được gia đình C đồng ý cho em tới lớp.
Thế nhưng trớ trêu thay, sau nhiều mùa tựu trường, C đã quá tuổi 04 tuổi so với tuổi vào học lớp một. Hi vọng chợt lóe rồi lại vụt tắt. Số phận lại một lần nữa như đùa giỡn, thách thức với chàng trai nhỏ. Từ khi biết tin này, bố mẹ em luôn cảm thấy cắn rứt và có lỗi với con. Bởi nếu họ nhận thức đúng về quyền học tập của trẻ khuyết tật, trách nhiệm của mình trong việc cho con đi học cũng như những hỗ trợ của Nhà nước cho những trường hợp như C sớm hơn thì có lẽ em sẽ được cắp sách tới trường, được học tập và phát triển toàn diện như những đứa trẻ cùng trang lứa.
May mắn thay, nhằm tạo điều kiện tháo gỡ những trở ngại cản trở những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn như C, cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ Trường tiểu học, trong đó có quy định về những trường hợp vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định. Ngay sau khi nắm được thông tin này, cô giáo H đã chủ động liên hệ với nhà trường, hướng dẫn bố mẹ C để hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để cho C được đi học. Phép màu ngoài đời thực đã tới khi trưởng phòng Giáo dục và đào tạo của huyện quyết định chấp nhận cho C nhập học tại trường tiểu học xã nhà theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Ngày nhận tin báo, em như vỡ òa trong hạnh phúc, giọt nước mắt đã rơi, đó là những giọt nước mắt của sự vất vả, mặc cảm và tủi hờn của đứa trẻ khuyết tật thiệt thòi nhưng đầy nghị lực. Vậy là từ nay, khuyết tật không còn là vật cản trên con đường học tập, hòa nhập với cộng đồng của những đứa trẻ như em nữa. Đã rất lâu rồi, em mới thực sự được cười, được sống với hi vọng ngập tràn về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Sự cố gắng và kiên trì bền bỉ của em, của những nhà giáo tận tâm như H đã thực sự tạo ra phép màu ngoài đời thực!
* Khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về quyền đi học của mọi công dân (bao gồm cả người khuyết tật):
“1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
…
3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.”
* Khoản 3 Điều 28 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về trách nhiệm của gia đình trong việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học tập
“3. …Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân”.
* Khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về sự hỗ trợ của Nhà nước trong giáo dục đối với người khuyết tật:
“1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
2. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập”.
* Khoản 1 Điều 33 Điều lệ Trường tiểu học (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định về độ tuổi đi học của trẻ em khuyết tật:
“1. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định”.