Tôi sinh ra với khuyết tật bàn chân khoèo bẩm sinh. Dù có chạy chữa nhưng bàn chân của tôi không thể phục hồi. Lớn lên, với tính nhanh nhẹn và “máu” kinh doanh nên ngoài công việc chính là làm thư ký văn phòng tôi còn bán hàng online. Giữa tháng 2 năm ngoái, nơi tôi làm việc thông báo do dịch Covid-19 dẫn đến đơn hàng giảm nhiều khiến công ty lâm vào tình cảnh khốn đốn. Do đó, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với một số lao động khi hết hạn theo thỏa thuận trên hợp đồng, trong đó có tôi. Tôi chỉ còn biết bán hàng online để nuôi sống bản thân.
Cách đây một tuần, huyện bên xuất hiện một ca nhiễm Covid-19 mới. Bản thân tôi cũng từng tiếp xúc với F2 của bệnh nhân này nên những ngày sau đó tôi và gia đình luôn sống trong tâm trạng lo lắng và hoang mang. Tối đó, theo lời giới thiệu của người thân, tôi liên hệ với một người chuyên bán hàng xách tay Hàn có uy tín đang bán kit test Covid-19. Theo lời người bán, sản phẩm kit test này có nguồn gốc từ Hàn Quốc cho kết quả nhanh và độ chính xác khoảng 95%, hiện các hiệu thuốc nội địa Hàn đều bán kit test này. Kèm theo mỗi bộ kit test này là tờ hướng dẫn sử dụng. Giá sản phẩm là 280.000 đồng/kit, một bộ gồm hai kit có giá 550.000 đồng. Sau khi cân nhắc, tôi đặt mua hai bộ về sử dụng. Khi mới nhận sản phẩm, tôi khá băn khoăn vì hướng dẫn sử dụng không có tiếng Việt mà là tiếng Hàn nhưng hàng còn nguyên hộp, nguyên seal nên cũng yên tâm phần nào. Để chắc chắn, tôi cẩn thận kiểm tra thông tin về bộ kit test nhanh trên mạng và yên tâm khi biết sản phẩm này có xuất xứ từ Hàn sau khi tra mã vạch. Tuy không hiểu tiếng Hàn nhưng gia đình tôi vẫn có thể thực hiện việc xét nghiệm theo các bước được mô tả trong hình minh hoạ theo hướng dẫn sử dụng.. Sau khi thử bộ kit test và cho ra kết quả âm tính, tôi và gia đình thở phào.
Mấy ngày sau, thời sự tỉnh nhà đưa tin có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19. Trong nhóm chat của Câu lạc bộ người khuyết tật ở xã, tôi thấy mấy chị em đang nói câu chuyện xét nghiệm Covid-19. Mọi người đều hết sức lo lắng cho sức khỏe cho mình và người thân. Đa số các chị và tôi đều có tâm lý chung rất e ngại vào bệnh viện để xét nghiệm Covid-19 tại thời điểm “nhạy cảm” này vì sợ lây nhiễm chéo, thêm vào đó càng đông người có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 thì có thể càng lâu mới có kết quả… Giữa lúc mọi người đang bàn tán sôi nổi, tôi nhắn lại về việc mình đã sử dụng bộ kit test nhanh Covid-19 xuất xứ từ Hàn Quốc có độ nhạy cao, thời gian cho kết quả nhanh và có thể tự thực hiện tại nhà. Ban đầu mọi người đều tỏ ra nghi ngờ nên tôi đã gửi hình vỏ hộp và nhắn mọi người có thể tìm hiểu trên internet về kit test Covid-19 của Hàn Quốc. Một tiếng sau, có hai chị nhắn tin nhờ tôi mua giúp.
Tôi nghĩ sắp tới kit test sẽ là mặt hàng bán rất chạy nên tôi tìm mối để nhập hàng. Liên hệ lại với người bán cho tôi thì họ nói họ có cung cấp hàng sỉvới giá thấp hơn giá bán lẻ 15%. Tuy nhiên, vì việc vận chuyển hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nên phải đợi hai tuần sau mới có hàng nhưng yên tâm là hàng chính hãng Hàn Quốc. Họ yêu cầu tôi chuyển 500.000 đồng làm cọc. Đúng hẹn, tôi nhận được chục bộ kit test nhanh Covid-19. Để đẩy nhanh việc bán hàng, tôi đăng sản phẩm trên các trang thương mại điện tử mà tôi có tài khoản. Qua ba ngày, tôi đã bán được hai bộ. Cứ ngỡ mình kiếm được món lợi lớn nhưng tôi chẳng thể ngờ…
Chín giờ sáng, vẫn đang trong tình trạng ngái ngủ, tôi lật đật dậy mở cửa sau khi nghe chuông cửa. Sau khi tôi mở cửa, một người mặc trang phục của quản lý thị trường chìa Thẻ kiểm tra thị trường nói với tôi: “Chào chị! Chúng tôi ở Đội quản lý thị trường. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động đối với những cá nhân có hoạt động kinh doanh”. Mấy bữa nay, chuyện đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một vài cơ sở kinh doanh ở quanh khu vực tôi cũng biết nhưng chẳng ngờ đến mình cũng bị “sờ gáy” vì tôi chủ quan nghĩ rằng:“Mình kinh doanh không biển hiệu nên chắc đội quản lý thị trường họ cũng chẳng biết mà đến kiểm tra”.
Bị kiểm tra bất ngờ, tôi lo lắng ra mặt, giọng lí nhí:“Vâng ạ… Nhưng tôi không bán hàng giả...”. Sau đó, một đồng chí trong Đoàn kiểm tra đưa tôi Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hàng hóa, hóa đơn, chứng từ liên quan đến những sản phẩm tôi đang kinh doanh. Trong nhà tôi còn khoảng tám bộ kit test trong đó có ba bộ kit test nhanh Covid-19 đã được tôi đóng gói và ghi địa chỉ người nhận. Thấy tôi cứ lóng ngóng, một người đứng ra nói: “Đề nghị chị cung cấp các giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc của số hàng đang hiện có”. Tôi không có bất cứ một giấy tờ gì chứng minh hợp pháp về số kit test Covid-19 vì tôi nhập hàng qua thông qua người khác, họ cũng không đưa tôi giấy tờ gì mà chỉ đưa hàng, hợp đồng không có, nick facebook để trao đổi thông tin giờ họ đã khoá, từ trước đến nay, tôi nhập hàng cũng chẳng lấy hoá đơn hay chứng từ gì. Mà bây giờ biết tìm họ ở đâu? Sau khi kiểm tra, họ chụp hình toàn bộ tám bộ kit test Covid-19 và ghi vào biên bản kiểm tra yêu cầu tôi đọc và ký xác nhận những nội dung làm việc.
Thấy tình hình căng thẳng, tôi mếu máo:“Thưa cán bộ, em chỉ bán hàng online quy mô nhỏ, không có cửa hàng kinh doanh. Thấy nhiều người hỏi về mặt hàng kit test nhanh nên em mới nhập bán. Còn chuyện kit test này chưa có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc, thú thật em mua từ người khác, họ cam kết là hàng chính hãng nên em yên tâm vì mình không bán hàng giả nhưng không có giấy tờ như các anh yêu cầu. Em mong các anh bỏ qua cho em một lần đầu. Từ sau khi lấy hàng để bán em sẽ lấy giấy tờ cẩn thận”. Sau khi làm việc xong họ hẹn tôi 24 giờ sau mang giấy tờ chứng minh hàng hóa hợp pháp lên để làm việc. Sau đó, họ thông báo với tôi sẽ tạm giữ toàn bộ số hàng này để xác minh, điều tra thêm.
Một ngày sau, lên trên trụ sở của đội quản lý thị trường, tôi thú thật tôi chỉ có hàng không có giấy tờ. Sau đó, tôi được đồng chí đó giải thích rằng các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Chưa kể nếu đó là hàng giả thì khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Do vậy, hành vi của tôi là kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tôi bị phạt 3.000.000 đồng và bị tịch thu toàn bộ số hàng đó. Tôi nộp phạt rồi ngậm ngùi đi về… Đó là bài học nhớ đời cho tôi trong kinh doanh online mà đến giờ tôi không bao giờ dám tái phạm.
1. Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh: “1. Cá nhân hoạt động thương mại được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây: b) Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;…” 2. Căn cứ khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm: a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. 3. Căn cứ khoản 1,2 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là trang thiết bị y tế: từ 1.000.000 đồng- 100.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 2.000.000 đồng- 200.000.000 đồng đối với tổ chức tuỳ vào giá trị hàng hóa nhập lậu. |