Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Phụ nữ khuyết tật và sự bất bình đẳng trong hôn nhân gia đình

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 27/09/2019

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, nếu tính cả nguồn số liệu tổng rà soát hành chính người khuyết tật, tổng số người khuyết tật thì cả nước có tổng số 6.225.519 người khuyết tật, trong đó có 5.553.860 người từ 18 tuổi trở lên. Tỉ lệ nữ khuyết tật cao hơn nam khuyết tật. Điều đó cho thấy, số lượng phụ nữ khuyết tật là trong độ tuổi kết hôn là rất lớn, tuy nhiên họ lại đang gặp rất nhiều bất bình đẳng trong vấn đề hôn nhân gia đình như khó kết hôn, không được quản lý tài chính trong gia đình…

Pháp luật quy định như thế nào về quyền bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình?

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) (Điều 6) ghi nhận rằng phụ nữ khuyết tật dễ bị phân biệt đối xử, do đó, các quốc gia phải tiến hành các biện pháp để đảm bảo cho họ được hưởng trọn vẹn và bình đẳng các quyền tự do cơ bản của con người. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (Điều 36) đã khẳng định rõ: nam, nữ có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Để thể hiện tinh thần của Hiến pháp, khoản 4 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nhấn mạnh nguyên tắc hôn nhân bình đẳng giữa vợ và chồng… và nguyên tắc bảo vệ, hỗ trợ người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình. Trong gia đình, Điều 18 Luật bình đẳng giới 2006 cũng quy định vợ chồng có quyền bình đẳng trong các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, sở hữu tài sản chung, sử dụng nguồn tài sản chung… Khoản 6 Điều 14 Luật người khuyết tật 2010 quy định nghiêm cấm hành vi cản trở quyền kết hôn, sinh con của người khuyết tật. Người nào cản trở quyền kết hôn, quyền sinh con của người khuyết tật sẽ bị xử lí vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[1]. Mặc dù, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã có những quy định nhằm đảm bảo quyền bình đẳng đối với người khuyết tật nói chung, tuy nhiên, đối với riêng phụ nữ khuyết tật, pháp luật Việt Nam chưa thực sự có những quy định rõ ràng.

Phụ nữ khuyết tật gặp những bất bình đẳng gì trong hôn nhân gia đình?

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã và đang cố gắng thực hiện sự bình đẳng đối với phụ nữ khuyết tật nhưng đến thời điểm hiện tại, phụ nữ khuyết tật vẫn đang chịu nhiều sự bất bình đẳng kép (vì lí do giới tính và lí do khuyết tật) trong vấn đề hôn nhân và gia đình.

Thứ nhất, bất đình đẳng trong việc kết hôn

Kết quả điều tra về tình trạng của người khuyết tật do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội tiến hành năm 2008 cho thấy, tình trạng hôn nhân giữa nam và nữ là người khuyết tật có sự khác biệt rất lớn. Có đến 70% người khuyết tật nam tuổi từ 15 trở lên ở Thái Bình kết hôn. Trong khi tỷ lệ này ở nữ chỉ khoảng 20%. Tại Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có mức chênh lệch về tỷ lệ người khuyết tật không kết hôn khá lớn (59% là nữ, 33% là nam); Đồng Nai (nữ 66%, nam 51%)[2]. Điều này có thể do một số nguyên nhân như:

Một là, chưa có quy định riêng về bảo vệ quyền kết hôn của phụ nữ khuyết tật trong các văn bản pháp luật về bình đẳng giới, về người khuyết tật. Mặc dù vẫn thừa nhận phụ nữ khuyết tật là những người yếu thế, chịu nhiều sự bất bình đẳng, nhưng pháp luật vẫn chưa thực sự dành sự “ưu tiên” bảo vệ họ trong các văn bản pháp luật.

Hai là, những định kiến trong xã hội vẫn đang là những rào cản khiến người khuyết tật khó kết hôn. Những quan niệm: phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong sinh nở, di truyền khuyết tật đến đời sau, không làm được việc nhà, không chăm sóc con cái, không thể kiếm tiền… đều là những nguyên nhân dẫn đến người khuyết tật khó kết hôn[3]. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều phong trào liên quan đến phụ nữ được phát động lại càng tạo thêm định kiến giới, chẳng hạn như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan[4]”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang[5]” v.v… Ngoài ra, quan điểm người khuyết tật không nên kết hôn cũng là một trong những lý do khiến cho người khuyết tật gặp khó khăn trong kết hôn. Gần 10% người trả lời cho rằng người khuyết tật không nên kết hôn. Thái độ này giải thích tại sao có sự khác biệt lớn về tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên giữa nhóm người khuyết tật và nhóm người không khuyết tật: Tỷ lệ người khuyết tật đang có vợ/chồng là 51,9% so với 71,5% ở người không khuyết tật; có 35,2% người khuyết tật có tình trạng hôn nhân là góa, ly hôn hoặc ly thân; trong khi con số này ở người không khuyết tật chỉ 7,6%[6].

Ba là, sự tự ti, e ngại của phụ nữ khuyết tật khi kết hôn. Cũng chính bởi những định kiến giới, định kiến về khuyết tật cũng có những tác động không nhỏ đến tâm lý của phụ nữ khuyết tật trong vấn đề kết hôn. Nhiều phụ nữ khuyết tật nghĩ rằng mình không lao động nặng, cơ thể không “lành lặn” nên sợ người khác phái không dám cưới, nếu có thì cũng chỉ là lợi dụng[7].

Thứ hai, phụ nữ khuyết tật và bất bình đẳng về quyền sinh con

Phụ nữ khuyết tật để kết hôn đã khó nhưng khi sinh con vẫn còn gặp nhiều rào cản. 13,4% phụ nữ khuyết tật không được khuyến khích sinh con, 7,5% bị phê phán vì muốn sinh con và 6% bị cấm sinh con. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 20% trong nhóm thảo luận cho biết địa phương họ có triển khai một số hoạt động bao gồm tư vấn về sinh sản cho người khuyết tật, đề ra các chính sách bảo vệ quyền được sinh con của người khuyết tật, truyền thông và giáo dục cho cộng đồng về quyền sinh con của người khuyết tật nhưng tần suất thực hiện khá thấp, trong khi người khuyết tật đều mong muốn địa phương thường xuyên triển khai những hoạt động trên[8].

Thứ ba, phụ nữ khuyết tật và bất bình đẳng về quyền quyết định các vấn đề trong gia đình

Tỉ lệ nữ khuyết tật kết hôn là 87,9% nhưng làm chủ hộ chỉ chiếm 8,4%, trong khi nữ không khuyết tật kết hôn là 82,7% làm chủ hộ là 91,6%[9]. Điều này cho thấy, tiếng nói của người khuyết tật trong các gia đình còn thấp. Tiếp đó, bình đẳng trong sở hữu, sử dụng tài sản chung giữa vợ chồng, trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình (tạm gọi chung là bình đẳng về kinh tế) và trong phân chia công việc gia đình… được xem là một trong những nội dung quan trọng về bình đẳng giới trong quan hệ gia đình đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận[10]. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay hầu như chưa có tài liệu thống kê chính thức nào của cơ quan nhà nước công bố về tỉ lệ vợ hoặc chồng là người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật có quyền quyết định tài sản chung vợ chồng; tỉ lệ khối lượng công việc nhà mà vợ hoặc chồng là người khuyêt tật, nhất là phụ nữ khuyết tật phải gánh vác[11]… Việc thiếu thông tin này không có nghĩa là quyền bình đẳng về kinh tế, về công việc nhà… của người khuyết tật, nhất là của phụ nữ khuyết tật trong quan hệ gia đình đã được đảm bảo trên thực tế, mà cần được nhìn nhận là một điểm khó khăn, bất cập hiện nay đối với việc phân tích, đánh giá thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình liên quan đến người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng bất bình đẳng đối với phụ nữ khuyết tật trong hôn nhân gia đình?

Nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất bình đẳng đối với phụ nữ khuyết tật bắt nguồn từ những định kiến xã hội đã tồn tại từ xa xưa, vì vậy, phải xác định rằng để thay đổi những định kiến này không phải là việc dễ dàng, nhanh chóng mà cần phải từ từ, lâu dài thông qua các biện pháp như:

  • Bổ sung các quy định của pháp luật dành riêng cho phụ nữ khuyết tật liên quan đến bình đẳng giới trong hôn nhân gia đình như: khẳng định việc kết hôn, sinh con của phụ nữ khuyết tật là quyền thiêng liêng, vốn có và bình đẳng như những người khác trong Luật hôn nhân và gia đình, Luật người khuyết tật,… Trong các chính sách đó, nhấn mạnh trách nhiệm trước hết của Nhà nước trong việc đề ra các chính sách đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ khuyết tật trong vấn đề hôn nhân và gia đình và tổ chức thi hành các chính sách đó.
  • UBND các cấp cần tăng cường quy mô và chất lượng các hoạt động tuyên truyền về chính sách pháp luật, phổ biến kiến thức về quyền bình đẳng của phụ nữ khuyết tật tới cộng đồng và tới chính những phụ nữ khuyết tật với cách hình thức khác nhau và phù hợp với từng dạng khuyết tật (như mời phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu tham gia cuộc họp, tăng cường kênh truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu, phát tờ rơi chữ nổi tuyên truyền cho người mù, tăng cường hoạt động tuyên truyền thông qua Hội/đoàn thể địa phương,…).
  • Rà soát các chế độ báo cáo, chế độ báo cáo thống kê, chương trình điều tra thống kê (cấp bộ ngành hoặc cấp quốc gia), bổ sung các chỉ tiêu/ phân tổ thống kê cần thiết về bình đẳng giới, BLG đối với đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật. Thường xuyên công bố các thông tin thống kê nói trên theo quy định của pháp luật (liên quan đến trách nhiệm của Tổng Cục Thống kê; Ủy ban quốc gia về người khuyết tật và các bộ ngành có liên quan).
 

[1] Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

[4] Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” trong nữ CNVCLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

[5] Ban Chấp hành TW Hội LHPN VN kỳ họp thứ X (khoá X) đã lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ.

[6] Báo cáo Điều tra quốc về về người khuyết tật năm 2016 – Tổng cục Thống kê

[8] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Báo cáo Nghiên cứu tình hình thực hiện UN CRPD tại Việt Nam, 2016, tr.45.

[9] Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016; NXB Thống kê 2018

[10] Điều 7, Điều 18 Luật bình đẳng giới 2006.

[11] Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016; NXB Thống kê 2018.