Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách về tham gia bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật và thực tiễn thi hành tại Việt Nam

  • Thực hiện: Phạm Hương Thảo
  • 24/06/2019

Hiện nay, trường hợp một người khuyết tật cùng lúc thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tương đối phổ biến trong xã hội. Để đảm bảo thuận tiện trong việc quản lý nhà nước về cấp, phát BHYT cũng như khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người khuyết tật, mỗi người chỉ được xác định theo một loại đối tượng duy nhất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các quy định pháp luật về xác định đối tượng tham gia BHYT trên thực tế còn tồn tại không ít vướng mắc dẫn đến sự lúng túng cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng, đồng thời gây ra không ít rào cản cho người khuyết tật trong việc tiếp cận những quyền lợi chính đáng của mình về BHYT.

Việc tham gia BHYT của người khuyết tật đang được quy định và thực hiện như thế nào?

Ở thời điểm hiện tại, có thể kể đến khá nhiều nhóm văn bản pháp luật khác nhau đang điều chỉnh về đối tượng tham gia BHYT là người khuyết tật: Từ pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tới pháp luật về BHYT.

Trước hết, theo điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Nhà nước cấp thẻ BHYT cho “Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng”. Nếu hiểu theo quy định này, người khuyết tật chỉ cần có giấy xác nhận khuyết tật ở mức độ nặng hoặc đặc biệt nặng sẽ được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí mà không cần kèm theo bất cứ điều kiện nào khác. Bên cạnh đó, điểm g khoản 3 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 cũng quy định:“Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng” thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng. Trong số 06 đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng[1] bao gồm người khuyết tật đặc biệt nặng đang sống tại cộng đồng (không sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội) và người khuyết tật nặng, đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Thực hiện chế độ BHYT miễn phí đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong chính sách an sinh xã hội, khi người khuyết tật phải chịu nhiều gánh nặng hơn về tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe so với những người khác do họ chi trả nhiều hơn cho quá trình khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài.

Nhìn chung, những quy định về cấp, phát thẻ BHYT miễn phí đều tương đối dễ áp dụng khi người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng tham gia BHYT với tư cách là một đối tượng duy nhất. Tuy nhiên, nếu người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng thuộc hai hay nhiều đối tượng khác nhau tham gia BHYT thì đây lại thực sự là một vấn đề vô cùng phức tạp, đặc biệt là trường hợp người khuyết tật đồng thời là người có công với cách mạng, người đang hưởng lương hưu hoặc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự như sau và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất: (1) Nhóm do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng; (2) nhóm do tổ chức BHXH đóng (người đang hưởng lương lưu, người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do tai nạn lao động,…); (3) nhóm do ngân sách nhà nước đóng (người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội,…);… Theo đó, quỹ BHYT hiện nay đang áp dụng thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến với ba mức: 80%, 95% và 100%, trong đó người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT được hưởng mức chi trả cao nhất là 100%. Mặt khác, Luật Người khuyết tật 2010[2] quy định người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhận thấy sau nhiều năm thi hành trên thực tiễn, hàng loạt các quy định liên quan đến xác định đối tượng tham gia BHYT để giải quyết mức hưởng BHYT cho người khuyết tật đã sớm bộc lộ một số vấn đề bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, về xác định đối tượng tham gia BHYT: Chưa có sự giải thích rõ ràng như thế nào được coi là“người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội”. Hầu hết các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết chế độ BHYT đang mặc nhiên đồng nhất “thuộc diện hưởng” trợ cấp với “đang hưởng” trợ cấp[3]. Khi đó, ngoài đối tượng đầu tiên mà họ được xác định thì những người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng do đang hưởng ưu đãi người có công, lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước chi trả – Cách hiểu này lại mâu thuẫn với quy định về đối tượng được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí tại Điều 9 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, việc xác định đúng đắn và đầy đủ đối tượng tham gia BHYT tạo tiền đề rất quan trọng cho bước giải quyết quyền lợi của người khuyết tật về mức hưởng BHYT.

Thứ hai, về mức hưởng BHYT: Theo cách hiểu trên, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng không thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội có nguy cơ bị thiệt thòi về mức hưởng BHYT nếu như không được xác định là đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng. Đối với người khuyết tật đồng thời là người đang hưởng ưu đãi người có côngthì không có sự chênh lệch về mức hưởng, bởi lẽ họ cũng thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước chi trả và được được quỹ BHYT thanh toán 100% các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (trong phạm vi hưởng BHYT mà pháp luật quy định). Tuy nhiên, khi người khuyết tật đồng thời là người đang hưởng lương hưu hoặc người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (VD: trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp mất sức lao động;…) chỉ được quỹ BHYT thanh toán 95% hoặc 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong hưởng chế độ BHYT đối với những người cùng ở mức độ khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng.

Trường hợp thực tế:

Bà B nhận trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng từ năm 1995 đến nay. Tháng 12/2018, bà B đã làm thủ tục xác định mức độ khuyết tật và được UBND phường X cấp giấy xác nhận khuyết tật mức độ nặng. Vừa qua, bà B lên cơ quan bảo hiểm xã hội quận (nơi thường trú) để nộp bổ sung các giấy tờ liên quan đến khuyết tật để được hưởng BHYT ở mức 100% (trước đó bà B vẫn đang sử dụng thẻ BHYT của người hưởng trợ cấp tai nạn lao động nên chỉ được hỗ trợ thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến) nhưng bị từ chối do bà B không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội. 

Giải pháp nào để tháo gỡ tình trạng này?

Cần có hướng dẫn cụ thể đối với quy định tại điểm g khoản 3 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 để làm rõ được ý nghĩa của quy định “người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội” nhằm đảm bảo việc triển khai chính sách về tham gia BHYT được thi hành trên thực tiễn một cách chính xác, đầy đủ và công bằng. Phải chăng nên nghiên cứu quy định theo thiên hướng việc “thuộc diện hưởng” ở đây không đòi hỏi đối tượng đó phải đang hưởng một khoản lợi ích vật chất về mặt thực tế, vừa đảm bảo được lợi ích cho người khuyết tật mà vừa đảm bảo tính thống nhất giữa các điều khoản cùng điều chỉnh về một vấn đề.

Sau khi có quy định chi tiết, cần lên phương án, kế hoạch để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với các cán bộ lao động – thương binh và xã hội của UBND cấp xã và các cán bộ công tác về mảng BHYT trong cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện để việc triển khai việc thực hiện các chính sách tại địa phương một cách đúng đắn và đồng bộ.


[1]Xem thêm Điều 5 (Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng) Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

[2]Xem thêm khoản 1 Điều 51 (Áp dụng pháp luật) Luật Người khuyết tật năm 2010

[3]Kết luận này được rút ra từ hoạt động tư vấn pháp luật của Phòng Luật Trung tâm ACDC.