Sharing vision - Bringing Empowerment

Cách tính thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc

  • Perform: Lê Thảo
  • 01/07/2021

Câu hỏi: Xin cho hỏi, cuối tháng này tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty do tôi phải di chuyển nơi ở vì công việc gia đình. Phía công ty cũng đồng ý cho tôi nghỉ việc, hai bên thỏa thuận với nhau để chấm dứt hợp đồng lao động. Bộ phận nhân sự công ty thông báo tôi đủ điều kiện để được trợ cấp thôi việc nhưng tôi chưa hiểu rõ về cách tính thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc, mong được tư vấn. Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.”

Như vậy, thời gian để tính trợ cấp thôi việc được xác định theo công thức sau:

 

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

 

 

=

Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động

 

 

-

 

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

 

Trong đó, dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, cách xác định thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động và thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định như sau:

- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:

+ Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc;

+ Thời gian thử việc;

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

+ Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;

+ Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động và thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.