Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Giọt nước tràn ly

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 21/07/2023

Phiên tòa xét xử bị cáo P.V.Đ diễn ra vào một ngày thời tiết đìu hiu, ảm đạm như chính tinh thần của những người trong cuộc vậy. Nhìn tấm lưng gầy yếu người thanh niên tật nguyền đang trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bị hại cúi đầu không biết suy nghĩ gì, người mẹ già thì nghẹn ngào ngồi lặng lẽ phía dưới phòng xử án, tôi lại xót xa. Vì đâu nên nông nỗi này?

Sinh ra ở một phố huyện nghèo, những khiếm khuyết về chân tay đã khiến P.V.Đ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các anh chị em khác trong gia đình. Dù vậy, cái thời đói ăn đói mặc ấy lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời anh khi được sống trong sự yêu thương, bao bọc của người thân. Thời gian dần trôi, chẳng mấy chốc mọi người đều trưởng thành, cuộc sống cũng khấm khá dần lên. Các anh chị lần lượt lập gia đình, ra riêng, chỉ còn Đ vẫn ở lại trong căn nhà xưa, chăm sóc cha mẹ già. Thương Đ, cũng muốn cho đứa trẻ nhiều thiệt thòi có chút gì “giắt cạp quần” sau này, ông bà đã họp gia đình và thỏa thuận rằng: “Mỗi anh chị ra ở riêng cha mẹ đều cố gắng lo cho chút ít, cũng coi như có nhà cửa cả rồi. Cái nhà cũ kỹ này cha mẹ muốn để phần em, nó thiệt thòi nhiều rồi, cũng chẳng có ai để nương tựa. Sau này cha mẹ qua đời, mấy anh chị em chịu khó chạy qua chạy lại trông em nha”. Anh còn nhớ như in từng ánh mắt, cử chỉ của các anh chị khi trả lời cha mẹ, rằng “anh chị em trong nhà, ông bà cứ phải nói khách sáo làm gì, chúng con không thương em thì thương ai”, “Chú út chăm cha mẹ, cái nhà này phần chú, ấy là phải đạo rồi”... Nghe lời ấy, cha mẹ Đ cũng dặn dò: “Ừ, thì cứ trao đổi thế, chúng tao già rồi, chẳng biết trời cho ở lại đến khi nào, chỉ mong sau mà xuôi tay thì mấy đứa chúng mày chịu khó chạy qua chạy lại trông em”… Tiếng cười nói ấm áp khi đó ai biết rằng vài năm sau lại thay bằng những tiếng chửi rủa, nhiếc móc.

Mọi sự bắt đầu kể từ khi sau vài năm quy hoạch, không biết là may mắn hay bất hạnh mà căn nhà cũ kỹ ấy lại trở thành mặt tiền sau khi trên huyện mở đường liên xã. Giá đất nơi đây cũng tăng lên vài ba lần so với trước. Tận dụng lợi thế này, Đ bắt đầu “khởi nghiệp” với một tiệm tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Cứ tưởng rằng khi kinh doanh ổn định, có nguồn thu nhập thì Đ có thể “báo hiếu” cha mẹ, vun vén, đỡ dần anh chị em nhưng “cơm, áo, gạo, tiền” lại khiến người thân thay đổi. Trong gia đình lớn có người bắt đầu “nóng mắt” và hối hận vì thỏa thuận khi xưa. Ban đầu chỉ là những lời nói bóng gió của các chị dâu về cái sự khó khăn khi các cháu ngày một khôn lớn, rồi thì “con nào chẳng là con, cho đứa này phải nghĩ đến đứa kia”, thậm chí cái sự khiếm khuyết của Đ cũng bị lôi ra làm bàn đạp để đề nghị bán nhà, rằng “chú ấy không vợ con, lại tàn tật, sau về già chẳng trông cậy vào anh chị, các cháu chẳng nhẽ lại chờ người dưng. Giờ nhà đất đang được giá thì cứ bán đi, rồi mua một căn nhỏ hơn gần nhà anh chị làm cái kho cho chú ấy, cũng dễ bề chạy qua chạy lại hơn”… Nhưng với Đ, căn nhà nhỏ vừa là nơi chứa đựng đầy ắp những kỷ niệm của đại gia đình qua bao thế hệ và cũng là nguồn sống chính của anh và cha mẹ già. Thu nhập từ cửa hàng không chỉ giúp Đ có thể tự trang trải cuộc sống hàng ngày mà còn giúp anh tích lũy được một khoản để phụng dưỡng cha mẹ và phòng khi ốm đau. Ít ai thấu hiểu hết nỗi gian truân mà Đ đã trải qua: Để có được cửa hàng như ngày hôm nay, anh đã từng phải vật lộn với rất nhiều công việc mưu sinh và nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, nếu bán mảnh đất này chuyển đi thì anh sẽ phải làm lại từ đầu, gần như quay về “con số không”. Anh phải cố vươn lên, không thể mãi ỷ lại, trông chờ vào khoản tiền trợ cấp của Nhà nước, cũng chẳng thể bấu víu mãi vào người thân khi họ cũng còn bao nỗi lo. Vì vậy, Đ kiên quyết không đồng ý bán nhà và bỏ ngoài tai những lời bóng gió đó mà tiếp tục công việc của mình. Anh cứ nghĩ rằng thời gian trôi qua, người thân sẽ hiểu cho mình, nhưng đâu ngờ rằng mọi chuyện lại tồi tệ hơn.

Trong buổi làm việc với chúng tôi – những người đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho vụ việc của Đ, anh buồn rầu kể về cơ sự khi đó. Sau mấy năm vật lộn, việc kinh doanh của Đ dần ổn định thì cha già lâm bệnh. Tiền nong trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi mà chẳng thể níu giữ người ở lại. Thời điểm đó, mối tình của anh với cô gái làng bên cũng “sớm nở, tối tàn” vì vấp phải sự phản đối của gia đình người yêu. Những cú sốc liên tiếp đó khiến anh sa sút tinh thần và trở nên bi quan hơn. Đã có một thời gian anh phải tìm đến rượu và thuốc lá cho khuây khỏa để vực dậy tinh thần mà sống tiếp vì anh còn mẹ già. Càng trớ trêu hơn, khi cơn “sốt” đất thổi qua làng, chuyện đất cát lại lần nữa bùng lên khiến anh cả - người từng bế bồng, chăm bẵm Đ từ tấm bé cũng bắt đầu mắng Đ vô ơn, thậm chí là mạt sát cái sự khiếm khuyết của Đ như là nguồn cơn của những thiệt thòi mà anh ta phải gánh chịu từ trước đến giờ… Đ có thể bỏ ngoài tai lời bàn tán của bà con chòm xóm, của họ hàng, nhưng điều anh không thể chịu đựng được nhất đó là những lời nhiếc móc đến từ chính người thân ruột thịt mình. Mọi thứ cứ dồn nén từng chút một cho đến ngày giỗ của cha anh thì bùng phát.

Trong bữa cơm hôm đó, sau khi nhấp đôi ba chén, trong men say, mấy người anh của Đ và vài người bà con bắt đầu “rượu vào lời ra”, khuyên răn Đ phải biết sống sao cho phải đạo với gia đình. Thấy Đ không nói lại, người anh cả bắt đầu “văng” lời tục tĩu và “động chân động tay để dạy dỗ thằng em”, còn Đ chỉ biết cà nhắc quanh bàn để tránh né. Thấy vậy, mẹ già, chị gái hoảng hốt can ngăn, họ hàng thì lôi anh trai Đ ra về. Nhìn khung cảnh lộn xộn của những mâm cơm tan tành, Đ trực chào nước mắt, anh đã dặn lòng nhẫn nhịn để cho qua chuyện nhưng anh càng nhẫn nhịn thì người khác càng lấn tới. Cộng với những lời chì chiết của người thân, lời phụ họa của họ hàng… cứ văng vẳng bên tai Đ như “cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà”. Anh dùng hết sức bình sinh mà bật dậy, vớ lấy cái vỏ chai rượu trên bàn rồi lật đật lao ra ngõ, đập vào đầu người anh đã say ngất ngưởng. Sau này trước Tòa, Đ đã nghẹn ngào kể về giây phút nghiệt ngã ấy: “Lúc đó, bị cáo chẳng nghĩ được gì nhiều nữa, khi anh ấy ngã xuống, bị cáo tiếp tục lao vào để xả hết những uất ức đè nén bấy lâu”. Đến khi mọi người tách được đôi bên ra thì quần áo Đ đã dính đầy máu của anh mình. Sau khi vội vã cùng mọi người đưa anh trai đến bệnh viện để điều trị, đồng thời, băng bó qua vết thương của bản thân, Đ đã cùng mẹ già dìu nhau đến công an xã trình báo sự việc. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi sau khi Đ đã xin lỗi, chi trả tiền thuốc men và bồi thường theo yêu cầu thì gia đình anh trai Đ đã có đơn yêu cầu cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với em trai mình về tội “cố ý gây thương tích”. Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh thì tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của người bị hại là 22%. Căn cứ vào lời khai và kết quả giám định thương tích, Công an huyện đã ra quyết định khởi tố P.V.Đ về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Kể từ ngày sự việc xảy ra, mọi thứ trong nhà đều xáo trộn. Dù được tại ngoại nhưng nỗi lo lắng đứa con út phải đi tù khiến người mẹ già ngày ngày lấy nước mắt thay cơm, tìm mọi cách chạy vạy để giúp con mình thoát khỏi vào vòng lao lý. Do là người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nên Đ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư đã trao đổi rằng vụ án của Đ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ theo quy định pháp luật. Biết được điều đó, Đ cùng mẹ và cả chị gái, anh hai đã xuống nhà nhiều lần để xin gia đình anh trai rút đơn khởi tố. Thế nhưng, người anh cả và chị dâu lại nhất quyết đòi truy cứu đến cùng “để dạy cho nó một bài học”. Bãi nại không thành, vụ án được tiến hành theo đúng trình tự tố tụng và được đưa ra xét xử.

Ngày ra Tòa, nhìn người mẹ già lặng lẽ ngồi phía dưới phòng xử với tấm lưng còng và đôi mắt rớm lệ, Đ ân hận vô cùng. Phải chi khi đó anh giữ được bình tĩnh một chút thì có lẽ không đến cơ sự này. Sau những lời tranh luận, biện hộ của các bên trong phiên tòa, trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định và kết luận rằng có cơ sở xác định hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo (anh P.V.Đ). Tòa kết luận rằng: Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội. Bị cáo có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cố ý gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 22%. Hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã bồi thường cho gia đình bị hại, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bị cáo Đ là người khuyết tật nặng (có Giấy xác nhận khuyết tật), hành vi phạm tội của bị cáo cũng xuất phát một phần đáng kể nguyên nhân từ hành vi trái pháp luật của người bị hại. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ như trên, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng quy định tại các Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt P.V.Đ 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 01 (một) năm tính từ ngày xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa kết thúc cũng là lúc phố vắng lên đèn, hai mẹ con Đ dìu dắt nhau ra về, bị hại cũng rời phiên xử, hai anh em cùng bước qua một cánh cửa nhưng nét mặt lạnh lùng như chưa hề quen biết. Và, cũng thật trớ trêu thay khi người anh cả là người bị hại trong vụ án, nhưng chả được ai hỏi han một câu sau phiên tòa. Bà con chòm xóm dự phiên Tòa đều ùa đến an ủi Đ, ai cũng thương cảm cho anh! Nhưng luật là luật, Đ vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt theo quy định, may mà còn được Tòa cho hưởng án treo!

Còn Đ, sự việc có lẽ đã để lại vết thương sâu hoác trong lòng anh, Đ nghẹn ngào thốt lên: “Cơn sốt đất thổi qua làng, thổi luôn cả cái tình thân rồi các bác, các anh chị ạ. Giờ mình chỉ mong chấp hành tốt án phạt và tiếp tục làm việc chăm sóc mẹ già. Còn người anh trai ấy, có lẽ thân duyên mình cạn quá nên chỉ đi nửa cuộc đời với nhau thôi”. Nhìn theo bóng dáng lay lắt của mẹ con Đ, tôi và mọi người xung quanh đều tràn lên nỗi xót xa khó tả với hoàn cảnh của chàng trai khuyết tật ấy. Trong đầu tôi vang lên bao nhiêu chữ “Nếu”: Nếu người anh cả của Đ không quá tham lam, không quá lạnh lùng thiếu tình với người em út khuyết tật thì đã không xảy hậu quả như hôm nay? Và nếu Đ biết kiềm chế hơn chút nữa thì đã không phải hầu tòa?... Nhưng một câu hỏi cứ ám ảnh tôi nhất là: Nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy liệu bản thân mình có đủ bình tĩnh khi “giọt nước tràn ly” không?!!!

- Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:….”

- Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.