Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự cần thiết khi quy định tội dâm ô với người khuyết tật trong bộ luật hình sự

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 28/08/2017

Tạo sao cần quy định tội dâm ô với người khuyết tật trong Bộ luật hình sự?

BLHS năm 1999 và được sửa đổi năm 2015 đã có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi nhưng chưa có quy định về tội dâm ô với người khuyết tật. Việc giới hạn phạm vi nạn nhân của hành vi dâm ô không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Trong quá trình làm việc cùng người khuyết tật, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người khuyết tật bị dâm ô nhưng đối tượng thực hiện lại không bị truy cứu vì lý do không quy định trong bộ luật hình sự. Có thể thấy, đây chính là bất cập trong Bộ luật hình sự khi bỏ xót đối tượng, vì:

Thứ nhất, xét về hành vi:

Có quan điểm cho rằng, vì trẻ em chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất, bị hạn chế về khả năng nhận thức tình dục nên chủ thể thực hiện chưa muốn thực hiện hành vi giao cấu. Nhóm nạn nhân này dễ dàng bị tội phạm dụ dỗ, lợi dụng trong khi đó đối tượng thực hiện là người thành niên thường đã phát triển đầy đủ về mặt nhận thức và sinh lý. Tuy nhiên đây chỉ là một lý do nhất định, có nhiều nạn nhân là người thành niên, có nhận thức và phát triển sinh lý đầy đủ nhưng vẫn bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi dâm ô, không có ý định giao cấu với nạn nhân. Việc không giao cấu có thể vì nhiều lý do khác nhau và việc tìm hiểu lý do vì sao tội phạm không thực hiện giao cấu đối với người lớn là không cần thiết. Do vậy, pháp luật hình sự giới hạn phạm vi đối tượng của hành vi dâm ô là trẻ em là không hợp lý.

Thứ hai, xét về yếu tố nạn nhân là người khuyết tật:

Người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Sự khiếm khuyết hoặc suy giảm chức năng được thể hiện dưới nhiều dạng tất khác nhau gồm: vận động, nghe – nói, nhìn, thần kinh – tâm thần, trí tuệ và một số dạng tật khác. Đối với một số dạng tật như trí tuệ, thần kinh – tâm thần, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc nhận thức các hành vi liên quan đến vấn đề giới tính, tình dục, hay những hành vi gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của họ. Đối với một số dạng tật như vận động, nghe – nói, nhìn hay một số dạng tật khác thì họ lại không đủ khả năng để kháng cự  đối với những hành vi dâm ô của người khác. Do đó, nếu xét đến khía cạnh người bị phạm tội (nạn nhân), người khuyết tật rất dễ trở thành đối tượng bị phạm tội bởi sự thiếu nhận thức về giới tính, tình dục hay không có khả năng kháng cự của họ.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia quy định về những trường hợp xâm phạm tình dục (trong đó bao gồm cả dâm ô) đối với người khuyết tật là một điều luật riêng biệt của họ. Ví dụ, Điều 179 Bộ luật hình sự của Cộng hoà liên bang Đức đã có quy định về các hành vi lạm dụng tình dục đối với người không có khả năng kháng cự, những người đó bao gồm những người tâm thần hoặc bị rối loạn nhận thức, người không có khả năng về thể chất thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Hay tại Vương quốc Anh, mục 3 của Đạo luật tội tình dục 2003 đã xác định hành vi cố tình đụng chạm, sờ mó người khác (người từ đủ 18 tuổi trở nên) thì tuỳ theo bản án sẽ phạt tù không quá 6 tháng hoặc phạt tiền không vượt quá mức tối đa quy định hoặc cả hai. Có thể thấy, pháp luật quốc tế không có sự giới hạn về độ tuổi khi quy định hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và cùng với một hành vi xâm phạm, với mỗi đối tượng khác nhau sẽ có biện pháp và hình thức xử phạt khác nhau. Pháp luật hình sự Việt Nam nên học hỏi theo pháp luật quốc tế trong vấn đề này.

Thứ ba, xét về hậu quả của hành vi dâm ô:

Người khuyết tật là những người dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tâm lý, họ dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài. Khi có một hành vi dâm ô đối với người khuyết tật thì họ thường phải gánh chịu nhiều tác động về tâm lý, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tình cảm. Thực tế, trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật, chúng tôi đã gặp nhiều người khuyết tật từ đủ 16 tuổi trở lên, sau khi bị dâm ô họ trở nên khép mình, sợ hãi mọi người, sợ hãi mọi sự đụng chạm từ tất cả mọi người xung quanh mình. Ví dụ, con gái bà S (tỉnh Bình Phước) là chị V (22 tuổi), từ lúc mới sinh ra chị V đã mắc bệnh chậm phát triển, nói rất ít. Tháng 01/2014, chị bị ông Chủ tịch HĐND xã L.V.T có hành vi dâm ô. Hành vi gây ra hậu quả là chị V bị hoảng loạn tinh thần và phải nhập bệnh viên tâm thần. Khuyết tật của chị V khiến chị không thể nhận thức và tự bảo vệ được bản thân khi bị xâm phạm tình dục.

Thứ tư, xử lý vi phạm đối với hành vi dâm ô người khuyết tật từ đủ 16 tuổi trở lên:

BLHS không quy định về tội dâm ô đối với người khuyết tật nên khi có hành vi dâm ô đối với người khuyết tật từ đủ 16 tuổi trở lên thì rất khó có thể xử lý nghiêm khắc. Việc xử lý đối với hành vi dâm ô với người từ đủ 16 tuổi trở lên khi hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng đến tinh thần thì có thể xử lý theo Điều 121 BLHS 1999 về tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của hành vi dâm ô không chỉ tổn hại đến tinh thần, còn tổn hại trực tiếp đến sức khoẻ của người bị hại. Chúng tôi từng tư vấn cho một gia đình tại Thừa Thiên Huế có người khuyết tật trí tuệ. Gia đình bắt gặp ông H có hành vi dâm dục với cháu, sau khi gia đình tố cáo lên Công an thì được trả lời: vì cháu đã đủ 16 tuổi 7 ngày nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô với trẻ em. Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng cũng như bảo vệ quyền của người khuyết tật và sự nghiêm minh của pháp luật, việc quy định tội dâm ô đối với người khuyết tật trong BLHS cũng là cần thiết, giống như tội dâm ô đối với trẻ em.

 Kiến nghị

Pháp luật hình sự Việt Nam cần bổ sung quy định về tội dâm ô với người khuyết tật. Việc này cũng phù hợp với Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật đã được Việt Nam phê chuẩn năm 2014, theo đó, người khuyết tật phải được pháp luật bảo hộ để chống lại những can thiệt xâm phạm đến danh dự, uy tín của người đó (Điều 22). Ngoài ra, Công ước cũng nhấn mạnh: “Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn chặn những hình thức bóc lột, bạo hành và lạm dụng bằng cách đảm bảo, chưa kể đến các biện pháp khác, các hình thức hỗ trợ và trợ giúp mang tính nhạy cảm về tuổi tác và nhạy cảm về giới cho người khuyết tật, gia đình và những người chăm sóc của họ bao gồm cả việc cung cấp thông tin và giáo dục về cách phòng tránh, nhận biết và tố cáo các vụ việc bóc lột, bạo hành và lạm dụng. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo rằng các công tác bảo hộ phải mang tính nhạy cảm về giới, tuổi tác và khuyết tật”.

Việc mở rộng này cũng phù hợp với thực tế Việt Nam khi đã có nhiều trường hợp người khuyết tật bị dâm ô mà đối tượng thực hiện không bị xử phạt, không thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật. Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục cũng đã được đưa vào Bộ Luật Lao động 2012, đây có thể coi là những bước đầu thể hiện sự quan tâm của pháp luật đến hành vi dâm ô đối với người đã thành niên.

 -------------------------------------------------------------------

1Xem khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010

2.https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stgb/englisch_stgb.html

3.Nguồn: http://baodatviet.vn/phap-luat/chu-tich-hdnd-xa-bi-to-sam-so-co-gai-khuyet-tat-3038479/