Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tình tiết tăng nặng liên quan đến nạn nhân là người khuyết tật: Điểm mới trong bộ luật hình sự 2015

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 27/04/2018

Việc ban hành Luật người khuyết tật năm 2010 và phê chuẩn thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) cũng đặt ra yêu cầu dành cho các nhà làm luật phải đưa ra các biện pháp cụ thể trong Bộ luật hình sự (BLHS) để bảo vệ tối đa các quyền của người khuyết tật. Trong BLHS 2015, việc đưa tình tiết tăng nặng liên quan đến nạn nhân là người khuyết tật được xem là một điểm mới đáng ghi nhận.

Thế nào là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam (năm 2015) chưa có định nghĩa pháp lý về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS), tuy nhiên khoa học pháp luật hình sự cũng đã có một số khái niệm như:

(1) “Tình tiết tăng nặng TNHS là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm tăng lên so với trường hợp bình thường và do đó được coi là căn cứ để tăng nặng TNHS đối với trường hợp phạm tội đó”1

(2) “Các tình tiết tăng nặng TNHS là những tình tiết trong một vụ án cụ thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu một hình phạt nghiêm khắc hơn trong một khung hình phạt”2

(3) “Những tình tiết tăng nặng TNHS là những tình tiết làm cho một hành vi phạm tội hoặc người phạm tội tăng lên mức độ nguy hiểm cho xã hội để từ đó cần áp dụng hình phạt nặng hơn trong phạm vi một khung hình phạt đã được xác định”3

Dù với cách hiểu như thế nào thì tất cả khái niệm trên đều mang những đặc điểm: là tình thiết làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; là tình tiết quan trọng để Toà án làm căn cứu quyết định người phạm tội có thể chịu một hình phạt cao nhất trong khung hình phạt đã được xác định tại BLHS.

Lịch sử hình thành quy định về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự - phạm tội đối với người khuyết tật

Năm 1985, Bộ luật hình sự (BLHS) đầu tiên của Việt Nam được ban hành, trong đó, cũng đã đề cập đến các tình tiết tăng nặng hình phạt (thời điểm này trong BLHS gọi đây là tình tiết tăng nặng hình phạt) (Điều 39 BLHS 1985). Trong khoảng 15 năm tồn tại với 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 với hơn 100 điều luật được sửa đổi bổ sung đã phần nào đáp ứng được sự đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong đó việc hoàn thiện quy định về tội phạm và hình phạt ở một số tội danh theo hướng định lượng dấu hiệu định tội, phân hóa trách nhiệm hình sự qua việc tách tội danh và cụ thể hóa các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng về các tội xâm phạm sở hữu, kinh tế. Tuy nhiên, BLHS 1985 vẫn chưa có những quy định dành riêng nhằm bảo vệ đối tượng người khuyết tật, cụ thể là trong các tình tiết được xác định là làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Đến năm 1999, BLHS thứ hai được ban hành đã kế thừa các quy định trong BLHS 1985 và bổ sung thêm một số tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội… và giảm bớt đi một số tình tiết tăng nặng khác để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội bấy giờ (Điều 48 BLHS 1999). Mặc dù trải qua một thời gian dài thực hiện, sửa đổi, bổ sung đối với BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), BLHS Việt Nam vẫn chưa đề cập đến tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với đối tượng yếu thế là người khuyết tật. Trong khi đó người khuyết tật (nhất là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) là đối tượng rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi tội phạm vì chính lý do sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ. Người khuyết tật có quyền được pháp luật bảo vệ  một cách tối đa, giống như các đối tượng yếu thế khác (trẻ em, phụ nữ có thai người cao tuổi…). Như vậy, các chế tài hình sự áp dụng đối với những tội phạm mà nạn nhân của các tội phạm đó là những đối tượng yếu thế (trong đó có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) cũng cần thiết được quy định nghiêm khắc hơn trong BLHS  để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.  

Ngày 27/11/2015 Quốc hội thông qua BLHS năm 2015 và sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với người khuyết tật. So với Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định tình tiết “Phạm tội đối với người tàn tật” là dấu hiệu định khung của duy nhất một tội là tội hành hạ người khác theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 110 thì nay BLHS đã mở rộng phạm vi bảo vệ quyền của người khuyết tật dưới góc độ pháp luật hình sự bằng việc thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng cho mọi tội phạm. Điều này đánh dấu một bước ngoặt mới trong nhận thức về việc lồng ghép vấn đề khuyết tật trong BLHS, đưa BLHS 2015 trở thành một bộ luật tiến bộ nhất đảm bảo quyền của người khuyết tật, đồng thời cũng phù hợp với CRPD đã được Việt Nam ký kết. Về mặt thuật ngữ, thuật ngữ “người tàn tật” được thay bằng thuật ngữ “người khuyết tật” để phù hợp với Luật Người khuyết tật của Việt Nam (ban hành 2010). Tại khoản 1 Điều 52 BLHS 2015, có 15 tình tiết được coi là tình tiết tăng nặng TNHS (như phạm tội có tổ chức, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai…) Đặc biệt trong đó phạm tội với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là một trong các tình tiết tăng nặng TNHS (điểm k). Theo đó, người phạm tội nếu phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS. BLHS đã cho phép Toà án áp dụng tình tiết này để xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm, mọi hành vi phạm tội xâm hại đến người khuyết tật mà không cần xem xét đến ý chí chủ quan của tội phạm.

Vai trò của quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội đối với người khuyết tật

Thứ nhất, việc quy định các tình tiết tăng nặng TNHS góp phần hạn chế hành vi phạm tội đối với người khuyết tật. BLHS được ban hành có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Với vai trò này, việc quy định các tình tiết tăng nặng cũng nhằm hạn chế, phòng ngừa đối với các hành vi phạm tội đối với người khuyết tật, phần nào sẽ hạn chế các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ và tinh thần của người khuyết tật.

Thứ hai, phù hợp với quy định quốc về về quyền của người khuyết tật. Khoản 2 Điều 15 CRPD        quy định các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp hiệu quả về lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm ngăn ngừa sự tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm đối với người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Khoản 1 Điều 16 CRPD quy định các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội, giáo dục và các biện pháp khác để bảo vệ người khuyết tật không bị bất kỳ hình thức bóc lột, bạo hành hoặc lạm dụng nào, kể cả bóc lột, bạo hành hoặc lạm dụng trên cơ sở giới, bất kể trong hay ngoài gia đình. Như vậy, việc quy định các tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với người khuyết tật phù hợp với tinh thần của Công ước nhằm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyền của người khuyết tật.

Thứ ba, việc cân nhắc, xem xét để áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng TNHS trong vụ án hình sự và đối với mỗi người phạm tội cụ thể chính là đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt khung tương ứng được quy định khi đối tượng phạm tội là người yếu thế. Xét về yếu tố y tế, người khuyết tật là người khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận hoặc suy giảm chức năng, khiến người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc lao động, sinh hoạt, học tập4. Chính vì điều này, người khuyết tật rất dễ trở thành đối tượng phạm tội khi bị giảm hoặc mất khả năng phản kháng hoặc do hạn chế về nhận thức mà không biết mình trở thành nạn nhân của tội phạm. Những hành vi phạm tội đối với người khuyết tật gây nguy hiểm hơn cho xã hội và hoàn toàn xứng đáng bị tăng nặng TNHS.

Kết luận

Từ những phân tích trên cho thấy, việc quy định phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với cả lý luận và thực tiễn xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, vì nhiều rào cản trong nhận thức, môi trường vật chất, thông tin – truyền thông mà ngày nay việc tiếp cận của người khuyết tật đối với các chính sách pháp luật đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nên chăng, Nhà nước ta cần có nhiều biện pháp hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng nhất đến các chính sách liên quan trực tiếp đến người khuyết tật.

_________________________________________________

1Nguyễn Ngọc Hòa & Lê Thị Sơn. Thuật ngữ Luật hình sự. Trong sách: Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.116.

2Đinh Văn Quế. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.12; Đinh Văn Quế. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999. Phần chung. NXB thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.236-237.

3Đỗ Ngọc Quang. Chương III – Quyết định hình phạt của Phần thứ ba. Trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam. Trường Đại học Cảnh sát, Hà Nội, 1995, tr. 305.

4Xem khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010