Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số nét khái quát về chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến phòng, chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

  • Thực hiện: Ths.Lê Hải Yến - Nguyễn Tiến Đạt
  • 29/07/2018

Theo thống kê năm 2013 của tổ chức Y tế thế giới (WHO), 35% phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của bạo lực, bạo lực tình dục (BLTD)1 . Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật (PNTEGKT) còn có nguy cơ cao hơn trở thành nạn nhân của bạo lực, BLTD so với những đối tượng khác.

Cũng theo WHO, bạo lực tình dục được xác định là “bất cứ hành vi tình dục hoặc cố gắng thực hiện hành vi tình dục nào, bất cứ bình luận hoặc thúc đẩy về tình dục trái ý muốn của một người; hoặc bất cứ hành động buôn bán, chuyên chở một người nhằm cưỡng ép người đó quan hệ tình dục được gây ra bởi bất cứ ai có hay không có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân trong bất kỳ bối cảnh nào bao gồm cả gia đình và nơi làm việc”. 2

 Phòng, chống bạo lực tình dục đối với PNTEGKT trong pháp luật Việt Nam được quy định ra sao?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có chính sách riêng biệt trong phòng, chống BLTD đối với PNTEGKT. Bài viết này dựa trên hệ thống chính sách phòng chống BLTD dành cho phụ nữ, trẻ em gái nói chung và lồng ghép một số quy định hiện đang có đối với đối tượng người khuyết tật.

Một số hành vi tình dục được đề cập đến trong các văn bản pháp luật bao gồm: hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục (trong gia đình); hành vi khiêu dâm, sử dụng thuốc kích dục; hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể; quấy rối tình dục... Đặc biệt là các dạng hành vi của tội phạm tình dục được quy định cụ thể trong khung 1 của một loạt điều thuộc Bộ luật hình sự 2015 như trong các điều về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô… Riêng Luật trẻ em 2016 có định nghĩa về hành vi “xâm hại tình dục” đối với trẻ em (Khoản 8, Điều 4). Đối với hành vi mua bán người nhằm bóc lột tình dục đã có quy định riêng tại Luật phòng, chống mua bán người năm 2011. 

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi BLTD, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế có liên quan3 và xây dựng hệ thống chính sách tương đối rộng về phòng, chống BLTD.

Thứ nhất là nhóm chính sách phòng ngừa, bảo vệ PNTEGKT trước nguy cơ trở thành nạn nhân của BLTD. Nhóm này được đặc trưng bởi hai khía cạnh.

Đầu tiên, nghiêm cấm BLTD dưới mọi hình thức, áp dụng các biện pháp xử lý mang tính răn đe đối với chủ thể thực hiện hành vi này. Các quy định nghiêm cấm hành vi BLTD có thể tìm thấy ở một số đạo luật chuyên ngành như: Bộ luật lao động 2012 (Khoản 2 Điều 8); Luật giáo dục 2005 sửa đổi bổ sung năm 2015 (Khoản 1 Điều 75); Luật khám chữa bệnh  2009 (Điều 6); Luật người khuyết tật 2010 (Khoản 2 Điều 14) … Chế tài xử phạt hành vi BLTD bao gồm 2 cấp độ hành chính và hình sự. Đối với các hành vi bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền có thể dao động từ 500 nghìn lên đến 10 triệu đồng tùy mức độ hành vi4 . Đối với các hành vi BLTD được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, hình phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tù, đặc biệt đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em, khung hình phạt có thể lên đến chung thân hoặc tử hình5.  Một điểm cần lưu ý là vi phạm pháp luật đối với các đối tượng là trẻ em hay người khuyết tật được quy định là tình tiết tăng nặng trong cả pháp luật hình sự và hành chính6.  

Tiếp theo, đặt ra nghĩa vụ cho các cá nhân, tổ chức trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bạo lực, BLTD.  Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 khẳng định phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Bên cạnh  đó, chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép trong một số đạo luật khác như Luật phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) 2007 (Mục 1 chương 2);  Luật phòng, chống mua bán người 2011 (Chương 2); Luật trẻ em 2016 (Điều 48),…

Thứ hai là nhóm chính sách bảo vệ, hỗ trợ PNTEGKT là nạn nhân của bạo lực tình dục nhằm hạn chế tối đa hậu quả do hành vi này mang lại.

Pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLTD bao gồm: buộc người đang có hành vi BLTD chấm dứt hành vi, cấm họ tiếp xúc với nạn nhân, đưa nạn nhân đi cấp cứu và bố trí nơi ở an toàn; tư vấn về y tế, tâm lý, pháp luật và các hỗ trợ khác…Các biện pháp này được quy định tại  Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 (Khoản 1 Điều 5); ; Luật phòng, chống mua bán người 2011 (Điều 32); Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Khoản 2 Điều 62),…

Dù đã có hệ thống chính sách nhưng thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập

Đầu tiên, việc nhận diện các hành vi bạo lực tình dục còn nhiều khiếm khuyết. Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về BLTD. Đa số các thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật như “quấy rối tình dục”, “kích động tình dục”,“xâm phạm thân thể”…  còn chưa được giải thích cụ thể (Bộ Luật Lao động; Luật giáo dục; Luật khám chữa bệnh…và một loạt nghị định xử phạt vi phạm hành chính). Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện, phân loại và xử lý hành vi BLTD trong thực tiễn.

Hơn thế nữa, nội dung các chính sách phòng chống bạo lực tình dục còn những kẽ hở và bất hợp lý. Ví dụ: Bộ luật Lao động 2012 tại Điều 8 nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tuy nhiên Nghị định 95/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 88/2015/NĐ-CP) chưa đưa ra chế tài xử phạt cho loại hành vi này. Kế đến đó, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hai loại hành vi mang tính chất “bạo lực tình dục” trong phạm vi gia đình gồm hành vi “Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục” và “Kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng.”7  Tuy nhiên, rất khó để đồng nhất hai hành vi kể trên với các hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục” - được quy định là một trong hành vi bạo lực gia đình tại Điều 2 Luật PCBLGĐ (trong khi Luật này là cơ sở pháp lý của Nghị định 167 /2013/NĐ-CP nói trên). Đồng thời, việc không xử phạt hành vi BLTD giữa vợ, chồng như quy định đã viện dẫn ở trên dường như không tạo được sự bảo vệ cần thiết cho phụ nữ khuyết tật trong phạm vi gia đình. 

Sau cùng, nội dung các chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực tình dục chưa thể hiện rõ sự quan tâm hợp lý đối với phụ nữ trẻ em gái khuyết tật. Cụ thể: Trong khi trẻ em gái khuyết tật có thể tạm liệt kê vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệtvà được bảo vệ bằng những quy định đặc thù của Luật trẻ em, thì các văn bản pháp luật còn lại đang xếp phụ nữ khuyết tật trong nhóm chủ thể chung được bảo vệ, hỗ trợ phòng, chống BLTD mà hầu như không có một chính sách bảo vệ, hỗ trợ đặc thù nào dành cho đối tượng này.

Cần có sự thay đổi

Cần sửa đổi, bổ sung một cách thống nhất các định nghĩa liên quan tới BLTD trong từng luật chuyên ngành. Tách biệt 2 nhóm hành vi bao gồm: hành vi BLTD và hành vi xâm phạm thân thể thông thường; hành vi BLTD thông qua lời nói hoặc phương tiện khác nhằm tác động tới tinh thần, tư tưởng của nạn nhân và các hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm; góp phần làm tăng hiệu quả xử lý BLTD trên thực tiễn.

Phải xét tính phù hợp của các chính sách hiện hành, sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết dựa trên tình hình thực tế nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống BLTD nói chung. Ví dụ như bổ sung chế tài xử phạt đối với người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục, chế tài đối với hành vi “tấn công tình dục” trong phạm vi gia đình giữa vợ, chồng…

Cần việc xây dựng chính sách phòng chống bạo lực tình dục nên tiếp cận theo hướng có sự phân định rõ từng nhóm nội dung chính sách phù hợp với đặc điểm của đối tượng áp dụng chính sách, mà cụ thể là với PNTEGKT - nhóm đối tượng đặc thù, chịu bất lợi “kép” và dễ bị BLTD hơn các nhóm khác. Theo đó cần bổ sung, lồng ghép một số chính sách cụ thể, đặc biệt nhằm bảo vệ, hỗ trợ PNTEGKT là nạn nhân của BLTD vào trong các chính sách phòng chống BLTD hiện hành, như cân nhắc nghiên cứu bổ sung yếu tố nạn nhân là PNTEGKT (nặng, đặc biệt nặng) vào tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội phạm trong BLHS hiện hành; bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung vào nội dung một số đạo luật liên quan tới phòng chống BLTD ( như Luật PCBLGĐ, Luật phòng chống mua bán người,…) những quy định về các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLTD  phù hợp với  đặc điểm của  phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật.

__________________________________________________

 1 WHO, Global and regional estimates of violence against women: Prevalence and health effects of intimate partner violence and non-partner sexual violence, 2013, p.2

 2  World Health Organization, World report on violence and health, 2002, p.5

3 Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của ICCPR, ICESCR, CEDAW, CRPD và một số điều ước quốc tế khác.

 4 Xem điểm a, b Khoản 3 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Khoản 2 điều 21 nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục…

 Xem thêm Khoản 3 Điều 142 Bộ luật hình sự 2015

 Xem thêm Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.

  Xem thêm điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

  Xem thêm điều 10 Luật trẻ em 2016