Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo hành, xâm hại

  • Thực hiện: Administrator
  • 05/07/2017

1. Thực trạng bạo hành và xâm hại trẻ em trong những năm qua

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là bóc lột sức lao động của trẻ em, các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường... gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai làm rúng động dư luận[1]và cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của những đứa trẻ và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành xẩy ra trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội[2].

“Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2014 đến năm 2016, toàn quốc đã phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 4.320 đối tượng gây án, xâm hại 4.140 em; Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 696 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 716 đối tượng gây án. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%). Trong đó, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang, bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án, tiền sự; người có quan hệ gần gũi với nạn nhân (người thân kể cả người ruột thịt, hàng xóm ở gần nhà, thầy giáo, người yêu…). Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, kể cả đối với trẻ em trai”[3].

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như coi việc đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và xâm hại.

Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về luật pháp, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em[4] (khoảng 50% tổng số vụ vi phạm) và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự. Bên cạnh đó, các quy định xử lý của pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em và sự can thiệp của các cơ có chức năng bảo vệ và giáo dục trẻ em và các cơ quan liên quan chưa thực sự xử lý kịp thời và thiếu quyết liệt[5].

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về một số quyền cơ bản của trẻ em được quy định theo pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em.

2. Một số quy định cơ bản về quyền trẻ em theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

2.1. Quyền trẻ em theo quy định của pháp luật quốc tế

Trong Luật Nhân quyền quốc tế, quyền trẻ em được chế định chủ yếu trong Công ước về quyền trẻ em (CRC, năm 1989) và hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC được thông qua năm 2000 (Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang). Trong đó khái niệm “Trẻ em” được xác định là những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đây là một điều luật mở cho các quốc gia thành viên. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể quy định các quyền trẻ em được bắt đầu ngay khi mang thai hay sau khi ra đời; và về độ tuổi được coi là trẻ em thấp hơn 18 tuổi so với quy định của CRC.

Quyền trẻ em được quy định dưới 04 dạng, trong đó 02 dạng đầu là quyền trực tiếp; hai dạng sau, tạm gọi là quyền gián tiếp hay quyền thụ động:

- Quyền: được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch,...

- Tự do (hay quyền cơ bản): tự do tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo,...

- Trách nhiệm của cha mẹ và xã hội: thực hiện các quyền trẻ em, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp,...

- Bảo vệ của cha mẹ và xã hội: khỏi sự bóc lột và lạm dụng tình dục, khỏi bị mua bán và bắt cóc, khỏi bị tra tấn và tước đoạt tự do, khỏi ảnh hưởng của xung đột vũ trang,...

Nội dung quyền trẻ em trong CRC được phân thành 04 nhóm: 

a/ Nhóm quyền được sống hay được tồn tại (các Điều 5, 6, 24, 26, 27); 

b/ nhóm quyền được bảo vệ (các Điều 2, 7, 8, 9, 10, 11, 16, 19, 20, 21, 22, 23, 25, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40); 

c/ nhóm quyền được phát triển (các Điều 17, 18, 28, 29, 31, 32); 

d/ nhóm quyền được tham gia (các Điều 12, 13, 14, 15, 17, 30).

2.2. Một số quyền cơ bản của trẻ em theo pháp luật của Việt Nam hiện hành[6] 

Cùng với việc phát triển kinh tế, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các bộ luật, luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990.

Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (trực tiếp là các Điều 14, 15 và được hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), năm 2013. Hiến pháp năm 1992, quyền trẻ em được chế định trực tiếp trong Điều 40 và được hàm chứa trong một số điều khác. Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em được quy định trực tiếp tại khoản 1, Điều 37: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014....

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các quyên trẻ em bao gồm:

- Quyền được sống, được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển[7].

- Quyền được khai sinh và có quốc tịch[8]: Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

- Quyền được chăm sóc sức khỏe[9]: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập[10].

- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng[11]: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội[12]; [13]; [14]; [15]; [16]; [17]; [18]; [19].

- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu[20]: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Đối với bậc tiểu học trẻ em không phải đóng học phí.

- Quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi[21].

- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc[22]: (i) Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình; (ii) Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em[23].

- Quyền về tài sản[24]: Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật. Cha mẹ có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo quản lý, bảo vệ, định đoạt tài sản riêng của trẻ em[25] và đảm bảo quyền dân sự của trẻ em về tài sản.

- Quyền bí mật đời sống riêng tư[26]: (i) Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; (ii) Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

- Quyền được sống chung với cha, mẹ[27]: Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con, thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự[28].

- Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ[29]: Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo Điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

- Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi[30]: (i) Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em; (ii) Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

- Quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục[31]

- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động[32]

- Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em[33].

- Được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt[34]

- Quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy[35]

- Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính[36]: 

(i) Được bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; 

(ii) không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

- Quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang[37]

- Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và Điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em[38].

- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội[39]

- Quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em và được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng[40]

- Quyền của trẻ em khuyết tật[41]: Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

- Quyền của trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên[42].

3. Các chế tài hình sự xử lý đối với các hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 dành các điều luật và quy định khung hình phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại và phạm tội với trẻ em như sau: Điểm b khoản 4, Điều 127. Tội làm chết; Điểm b, khoản 2 Điều 130, Tội bức tử; Điểm đ, khoản 2, Điều 133, Tội đe dọa giết người; Điểm e Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điểm c Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ; Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Điều; 148; Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng…  khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc.

4. Một số giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo hành và xâm hại

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình… và các văn bản hướng dẫn thực hiện; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại... Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em.

Thứ hai, đối với các gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu…

Thứ ba, Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý.

Thứ tư, Ngành Y tế cần quan tâm phát triển hệ thống ý tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Thứ năm, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng cần dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bí mật thông tin của trẻ em.

Thứ sáu, các cơ quan tố tụng cần kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em, tránh để tồn đọng, không để kéo dài các hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ bảy, cần tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; tuyên truyền, quảng bá về các số điện thoại khẩn 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em[43], đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Trung ương 18001567, đường giây nóng 113 và đường dây nóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ và khi cần sự trợ giúp.

 “Trẻ em như búp trên cành, là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước!”. Bởi vậy, việc “Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển”[44] là một trong những mục tiêu quan trọng, là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội và của mỗi gia đình.

Vũ Hải Việt

________________________________________

[1]Xem một số vụ việc bạo hành và xâm hại trẻ em xẩy ra trong thời gian qua đã được quần chúng phát hiện và các báo, đài đưa tin:

- Những vụ hành trẻ em chấn động dư luận thời gian qua - http://kienthuc.net.vn/event/bao-hanh-tre-em-209.html.

- Hàng loạt vụ bạo lực ở trường mầm non gây phẫn nộ trong năm 2017 - http://www.doisongphapluat.com/cong-dong-mang/nhung-vu-bao-luc-o-truong-mam-non-trong-nam-2017-a210934.html.

- Vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh: Lời khai rùng mình của bảo mẫu - https://baomoi.com/vu-bao-hanh-tre-o-truong-mam-non-mam-xanh-loi-khai-rung-minh-cua-bao-mau/c/24092619.epi.

[2]Xem bài: Trẻ em bị xâm hại vì khoảng trống của pháp luật - http://treem.molisa.gov.vn/SIte/vi-vn/13/367/17601/Default.aspx.

[3]Những số liệu báo động về xâm hại tình dục trẻ em - http://phunuvietnam.vn/luat-doi/nhung-so-lieu-bao-dong-ve-xam-hai-tinh-duc-tre-em-post30673.html.

[4] Rơi nước mắt với những đứa trẻ bị bố và mẹ kế bạo hành dã man - http://tintuconline.com.vn/xa-hoi/roi-nuoc-mat-voi-nhung-dua-tre-bi-bo-va-me-ke-bao-hanh-da-man-p0c1003n20171209101909100.vnn.

[5] Dư luận bất bình vì nhiều vụ xâm hại trẻ em không được xử lý thỏa đáng -  http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-luan-bat-binh-vi-nhieu-vu-xam-hai-tre-em-khong-duoc-xu-ly-thoa-dang-20170316110143526.htm.

[6]Hiến pháp năm 2013; Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014…

[7]  Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016.

[8]  Điều 13 Luật Trẻ em năm 2013.

[9] Điều 14. Luật Trẻ em năm 2016.

[10] Điểm e, khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014.

[11] Điều 15. Luật Trẻ em năm 2016.

[12] Khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[13] Khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[14] Khoản 1 Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[15] Khoản 2 Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[16] Khoản 3 Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[17] Khoản 1 Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[18] Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[19] Khoản 4 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

[20] Điều 16. Luật Trẻ em năm 2016.

[21] Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016.

[22] Điều 18 Luật Trẻ em năm 2016.

[23] Điều 19 Luật Trẻ em năm 2016.

[24] Điều 20 Luật Trẻ em năm 2014.

[25]Xem: Điều 76, 77 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[26] Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016.

[27] Điều 22 Luật Trẻ em năm 2016.

[28] Khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

[29] Điều 23 Luật Trẻ em năm 2016.

[30] Điều 24 Luật Trẻ em năm 2016.

[31] Điều 25 Luật Trẻ em năm 2016

[32] Điều 26 Luật Trẻ em năm 2016.

[33] Điều 27 Luật Trẻ em năm 2016.

[34] Điều 28 Luật Trẻ em năm 2016.

[35] Điều 29 Luật Trẻ em năm 2016

[36] Điều 30 Luật Trẻ em năm 2016.

[37] Điều 31 Luật Trẻ em năm 2016.

[38] Điều 32 Luật Trẻ em năm 2016.

[39] Điều 33 Luật Trẻ em năm 2016.

[40] Điều 34 Luật Trẻ em năm 2016

[41] Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016.

[42] Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016.

[43] Sáng 6/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã công bố chính thức số điện thoại khẩn 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - http://thoidai.com.vn/thoi-su/xa-hoi/111-tong-dai-dien-thoai-quoc-gia-bao-ve-tre-em_t114c4n70376.

[44]Tiết a mục 1 Điều 1 Quyết định số 67/QĐ-TTg, ngày 22/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015.

Link bài viết:

http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=412