Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Phòng chống lao động trẻ em trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

  • Thực hiện: Administrator
  • 14/03/2017

Sự phát triển của đất nước trong tương lai luôn luôn phụ thuộc vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày hôm nay. Đây là một công việc đòi hỏi kết hợp sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ ở quy mô quốc gia mà cả ở quy mô quốc tế. Muốn làm tốt công tác này, trước hết cần có chủ trương chính sách đúng đắn ở tầm vĩ mô. Sau đó là cách triển khai thực hiện rốt ráo, có bài bản ở cơ sở.

1. Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quyết tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em

  Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Việt Nam. Ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, khi đất nước giành được độc lập, Đảng và Chính phủ đã coi trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu về việc tạo mọi điều kiện để trẻ em Việt Nam được sống trong no đủ, được vui chơi, học hành và trở thành những người đủ tài năng, sức khỏe, đạo đức để xây dựng Việt Nam ngang tầm những nước tiên tiến trên thế giới. Tư tưởng này theo Bác Hồ suốt cả cuộc đời, ngay trong bản Di chúc, Bác vẫn căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là điều rất quan trọng và cần thiết”.

Chính vì vậy Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều này được thể hiện qua những văn kiện của Đảng, những nghị định, thông tư của Chính phủ; và đỉnh cao là Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em do Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004. Sau khi Luật đi vào cuộc sống, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, đạt được một số kết quả đáng khích lệ: đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt kết quả cao; khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, các chỉ số về sức khỏe trẻ em được cải thiện rõ rệt; có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trên phương diện quốc tế, Việt Nam cũng rất quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, tích cực tham gia các diễn đàn bảo vệ và chăm sóc trẻ em.  Minh chứng cho điều này là Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC). Phê chuẩn Công ước này, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hợp tác quốc tế để thực hiện và giám sát tiến độ thực hiện của CRC.  Trong chương trình hành động quốc gia để bảo vệ và phát triển trẻ em ngay từ năm 1991, đã nhấn mạnh: “Trẻ em cần phải được coi như những công dân đặc biệt của xã hội, các em cần được nhà nước và nhân dân chăm sóc và được dành cho những ưu tiên cũng như tạo môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Đây là chính sách kiên định của nhà nước Việt Nam”.

Người lớn cần cố gắng và có trách nhiệm đảm bảo cho các em không bị ốm đau, bảo đảm cho các em được ăn uống và được chăm sóc đầy đủ. Quyền được phát triển gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về tinh thần đạo đức và trí tuệ, cụ thể: Có mức sống đầy đủ để có thể phát triển về thể chất, trí tuệ tinh thần đạo đức và xã hội (Điều 27); Quyền được phổ cập giáo dục tiểu học không mất tiền, có điều kiện thuận lợi để học phổ thông, trung học, được dạy nghề, được khuyến khích đi học đều đặn, không bỏ học (Điều 28); Được phát triển tối đa về nhân cách, tài năng, khả năng tinh thần và thể chất, tôn trọng bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị của bản thân trẻ, tôn trọng giá trị quốc gia của đất nước mà trẻ em đang sống… (Điều 29). Quyền được bảo vệ vì trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn, do vậy trẻ em cần được gia đình, cộng đồng, xã hội và Nhà nước bảo vệ và chăm sóc một cách phù hợp, cụ thể: Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị rơi vào những hoàn cảnh và nhân tố nguy hiểm cho sự phát triển thể chất, đạo đức, tâm lý và xã hội, không bị cách ly cha mẹ và gia đình (Điều 20). Trẻ em cần được bảo vệ để không bị bất kỳ hình thức bạo lực thể xác hoặc tinh thần bị tổn thương hay bị xúc phạm, bị bỏ mặc hoặc bị xao nhãng (Điều 19). Trẻ em cần được bảo vệ chống lại việc sử dụng bất hợp pháp các chất ma túy và an thần, chống mọi hình thức bóc lột, xâm phạm tình dục, cả mại dâm, hiếp dâm hoặc sử dụng văn hóa phẩm khiêu dâm… (Điều 33, 34). Quyền được tham gia là mọi trẻ em đều có quyền được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến các em như chuyện học hành, những vấn đề trong gia đình, việc lựa chọn môi trường gia đình, vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên những ý kiến của trẻ em được xem xét đến mức nào tùy thuộc vào độ trưởng thành của các em, cụ thể: Trẻ em cần được chính kiến ý kiến riêng của mình và có quyền bày tỏ ý kiến đó. Được hội họp, gặp gỡ, tham gia các hoạt động. Được tự do tín ngưỡng, được bảo vệ chống lại sự vi phạm can thiệp vào vấn đề riêng tư, thư tín, danh dự. (Điều 12; 13; 14; 15; 16). Có thể nói Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra một loạt chính sách nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở mức tốt nhất.

2. Đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống

Luật trẻ em đã được Quốc hội thông qua năm 2016, sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, gồm 7 chương, 106 điều, đã quy định tương đối đầy đủ các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Luật khẳng định lại những quyền cơ bản của trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đồng thời dành nhiều nội dung về trách nhiệm của xã hội đối với trẻ em. Luật trẻ em quy định về độ tuổi: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Điều 4 Luật trẻ em (2016) quy định: Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Luật trẻ em cũng đã quy định về các chính sách của Nhà nước và trách nhiệm các tổ chức với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó nêu rõ các đối tượng trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị buôn bán…

Ngoài ra, Bộ Luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật lao động, Luật phổ cập giáo dục tiểu học… cũng có những điều khoản riêng liên quan đến trẻ em. Cuộc sống đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt những điều đã được luật hóa trong cuộc sống sinh động hàng ngày.

Chúng ta cần nhấn mạnh điều này: Lao động là một đặc trưng quan trọng của con người. Giáo dục cho trẻ em yêu lao động và tham gia lao động phù hợp với lứa tuổi của mình là một trong những nội dung được đưa vào chương trình giáo dục. Một trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi là “yêu lao động’’. Do vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc trẻ em bị cưỡng bức lao động, buộc phải lao động kiếm sống với việc trẻ em tự nguyện tham gia làm những công việc phù hợp với sức khỏe và điều kiện sinh hoạt. Muốn làm tốt điều này, phải hiểu rõ luật pháp. Bộ Luật Lao động của nước ta đã quy định những điều kiện để trẻ em có thể tham gia lao động như độ tuổi lao động được quy định trong luật: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kêt hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động (Điều 6). Độ tuổi học nghề quy định trong luật: Người học nghề ở cơ sở dạy nghề ít nhất phải đủ 13 tuổi, trừ một số nghề do Bộ LĐTBXH quy định và có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề học. Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Nơi có sử dụng lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu. Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên (Điều 119). Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ LĐTBXH quy định. Đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu (Điều 120). Quy định này thể hiện tính ưu việt và tạo cơ hội cho những tài năng trẻ được phát huy sớm các tài năng phù hợp với lứa tuổi của mình, đồng thời các nhà quản lý không bị giới hạn trong một khuôn khổ máy móc bởi chính sách trong các nội dung văn bản khác.

Ngoài ra, còn hàng loạt các văn bản dưới luật của các bộ, ngành hướng dẫn rất cụ thể việc thực hiện những điều luật đã quy định. Ví dụ, Thông tư số 21/1999/TT-BLĐTBXH ngày 11/9/1999 của Bộ LĐTBXH quy định danh mục nghề, công việc và điều kiện được nhận trẻ em chưa đủ tuổi 15 vào làm việc. Thông tư nêu rõ danh mục nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi làm việc như múa, hát, xiếc, sân khấu ( kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối…), điện ảnh, các nghề truyền thống như chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, thêu ren, mộc mỹ nghệ, vận động viên năng khiếu trong thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ xạ kích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây,cờ vua, cờ tướng… Danh mục này có thể được sửa đổi, bổ sung khi có yêu cầu, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhận trẻ em vào làm việc phải có điều kiện đủ 12 tuổi. Riêng đối với trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật phải đủ 8 tuổi. Trường hợp đặc biệt chưa đủ 8 tuổi thì do Bộ Văn hóa thông tin quyết định.

Như vậy, luật pháp và chính sách của Đảng, nhà nước ta về lĩnh vực bảo vệ trẻ em ngày càng phù hợp với thực tiễn ở nước ta và tinh thần Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Chính sách này đã tạo hành lang pháp lý để huy động mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tích cực, chủ động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của tình hình kinh tế – xã hội, luật pháp và chính sách đối với lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em sẽ luôn được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

3. Lao động trẻ em – Thực tế cần cái nhìn tỉnh táo và mềm dẻo

Vấn đề lao động trẻ em là một vấn đề mang tính toàn cầu và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc phòng chống, ngăn ngừa và giải quyết vấn đề lao động trẻ em đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể. Muốn xóa bỏ được lao động trẻ em, cần sự góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế.

Hiện nay, ở Việt Nam mức độ xử lý các đối tượng lạm dụng sức lao động ở trẻ em và bạo hành trẻ em vẫn còn quá nhẹ, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt hành chính. Đã đến lúc cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật lao động để xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi bóc lột lao động trẻ em và sử dụng lao động trẻ em không đúng pháp luật.

Tuy nhiên, cần phải công nhận một thực tế là hiện nay một số gia đình buộc phải để con em mình làm việc kiếm tiền để duy trì cuộc sống. Có những gia đình, có những miền quê nếu không rời làng đi kiếm sống, họ có thể bị chết đói. Vì vậy có một bộ phận trẻ em lang thang kiếm sống một mình hoặc di cư cùng với gia đình ở khắp nơi. Những em này rất dễ bị bóc lột, bị xâm hại và không được học hành.

Thực tế đó của cuộc sống buộc chúng ta, một mặt, đề cao sức mạnh của luật pháp, khẳng định rằng: Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi trẻ em, bóc lột trẻ em, bắt trẻ em làm việc quá sức trong các điều kiện độc hại; mặt khác, tạo ra những cơ hội để trẻ em học nghề, có thể làm việc để góp phần giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình, bảo đảm chính đời sống của các em.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, lao động trẻ em vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng người lao động dưới 15 tuổi nhưng trong thực tế, trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Đây là một thực tế đã diễn ra ở Việt Nam nhiều năm và chắc sẽ còn kéo dài một số năm nữa. Vào năm 2010, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói: “Việt Nam sẽ nỗ lực cố gắng xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất”).

Hiện nay tình hình kinh tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn. Chính sự nghèo đói, gia tăng dân số nhanh ở các thành phố lớn, công nghiệp hoá, đô thị hoá, vấn đề di cư đến các đô thị phát triển là những nhân tố góp phần làm gia tăng lao động trẻ em. Thực tế này cũng phải được tính đến trong việc thực thi chủ trương, chính sách.

4. Một số giải pháp trong công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em cần quan tâm

Thứ nhất: Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em; dạy nghề kết hợp với tạo việc làm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường quản lý Nhà nước với việc giải quyết triệt để tình trạng lao động trẻ em trong những điều kiện nặng nhọc độc hại.

Tại các địa phương cần đặt tiêu chí giảm nghèo là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Chính quyền cơ sở cần có chính sách tốt nhất để các gia đình nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp ở địa phương để giải quyết việc làm cho những gia đình đã được đào tạo nghề, phát triển kinh tế bền vững, gắn liền với các chương trình dạy nghề 1956, bảo đảm các quyền cơ bản cho trẻ em.

Thứ hai: Nhà nước cần có chính sách an sinh xã hội phù hợp đảm bảo các quyền cơ bản cho mọi trẻ em. Sửa đổi bổ sung các quy định không còn phù hợp về bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tăng chi phí hỗ trợ cho giáo dục dành cho trẻ em nghèo và gia đình nghèo có trẻ em học từ mẫu giáo đến các bậc phổ thông.

Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông – giáo dục về Luật trẻ em, công ước quốc tế về quyền trẻ em, đặc biệt là công tác vận động những gia đình nghèo không để trẻ em phải bỏ học tham gia lao động kiếm sống. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội và các hội nghề nghiệp, giáo dục nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng về việc phòng ngừa lao động trẻ em. Đưa tiêu chí không để lao động trẻ em vào nghị quyết các cấp cơ sở.

Thứ tư: Kiểm tra, giám sát nghiêm việc thi hành pháp luật về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em trong đó có quyền được học tập của trẻ em cũng như những điều khoản liên quan đến lao động trẻ em. Tăng cường pháp chế và thực thi các chế tài xử lý cưỡng bách đối với các vi phạm các quyền cơ bản của trẻ em từ gia đình đến cộng đồng.

Thứ năm: Củng cố và tổ chức quản lý tốt vai trò của đoàn thanh niên tại thôn/ bản… để tuyên truyền và giáo dục nhận thức cho trẻ em và cộng đồng, tổ chức theo hướng lồng ghép với các trường phổ thông, tổ chức đoàn, hội… để giảm bớt lao động trẻ em.

Thứ sáu: Gắn trách nhiệm của gia đình trong công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, nhưng khi gia đình không có khả năng và điều kiện thực hiện thì cộng đồng xã hội và nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ các gia đình thực hiện. Việc giúp đỡ này phải được thực hiện thông qua hệ thống chính sách và các chương trình hành động quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan tới bảo vệ trẻ em và cần ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có nguy cơ dễ bị tổn thương, trẻ em phải lao động sớm, trẻ em nghèo; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

Thứ bảy: Việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, hệ thống tổ chức và cán bộ bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em mang tính chuyên nghiệp và cấu trúc mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ theo 3 cấp độ (i) phòng ngừa, (ii) can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ; (iii) trợ giúp hòa nhập cộng đồng và tạo cơ hội phát triển.

Những năm qua, Việt Nam không ngừng mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế với xu hướng hội nhập, chia sẻ và phát triển. Sự hợp tác này đã đưa đến các bước tiếp cận mới trong quá trình lập kế hoạch ở cấp quốc gia và cấp địa phương và có  ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có phương pháp tiếp cận bảo vệ trẻ em, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Công tác lập pháp và giám sát về bảo vệ trẻ em của Quốc hội được tăng cường. Công ước LHQ về Quyền trẻ em và Luật trẻ em cũng đang đi vào cuộc sống.

Trong điều kiện hiện nay, thực thi những giải pháp nêu trên có khả năng hạn chế tình trạng lao động trẻ em và đảm bảo các quyền cơ bản cho trẻ em nghèo, trẻ em phải lao động sớm ở những khu vực nghèo, giải quyết phần nào tình trạng trẻ em bỏ học phải đi lao động kiếm sống, là những tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em ngày một tốt hơn.

Quách Thị Quế

Phòng Nghiên cứu Chính sách An sinh xã hội

Viện Khoa học lao động và Xã hội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969

2. Luật trẻ em (2016)

3. Luật lao động (2010)

4. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001)

5. Công ước quốc tế về quyền trẻ em (1990)

6. Nghiên cứu của ILO về lao động trẻ em (2006)

7. Báo cáo điều tra quốc gia về lao động trẻ em (2012)

8. Một số văn bản chính sách pháp luật cuả nhà nước…

Link bài viết:

http://ilssa.org.vn/vi/news/phong-chong-lao-dong-tre-em-trong-chien-luoc-bao-ve-cham-soc-va-giao-duc-tre-em-167