Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Gian nan tìm việc

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 30/09/2020

Học nhiều làm gì, học nghề thêu rồi đi lại khó khăn như thế liệu có ai thuê làm việc không? Chỉ tốn tiền, tốn thời gian. Người khác đi học còn chưa chắc đã kiếm được việc nữa là…” Những lời xì xào bàn tán, can ngăn luôn bên tai Nga khi cô bắt đầu đi học nghề thêu.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bản thân Nga là người khuyết tật bị liệt hai chân bẩm sinh, từng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và học tập. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nga có ý định thi đại học. Nhưng do gia đình khó khăn, chị trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, lại thêm việc bao thanh niên ở làng đi học đại học mà cũng chưa xin được việc, chị quyết định đi học nghề thêu. Chị nghĩ đó là cách để giúp đỡ gia đình, chí ít gia đình cũng tiết kiệm thêm khoản học phí không nhỏ nếu bỏ ra cho chị đi học đại học. Bên cạnh đó, chị cũng mong muốn có thể làm việc sớm hơn để tự trang trải sinh hoạt cá nhân của mình với suy nghĩ có tương lai tươi đẹp hơn.

Mặc dù, thời gian đầu khi học nghề thêu, nhiều người xung quanh và hàng xóm nói ra nói vào nhưng nhận được sự ủng hộ và động viên từ gia đình, đặc biệt là mẹ, Nga như có thêm động lực. Chị càng quyết tâm không chịu đầu hàng số phận. Chị luôn tâm niệm rằng: “Chỉ cần mình cố gắng học, thực hành tốt thì mình sẽ có việc làm. Mình tin là mình sẽ làm được!”. Với sự chăm chỉ và kiên trì học nghề, cùng khả năng tiếp thu nhanh, sau khoảng 03 tháng, Nga đã thành thạo nghề. Cũng như bao như người khác, chị mong muốn tìm được một nơi làm việc phù hợp để có thu nhập ổn định.

Nga đã đi tìm nhiều nơi, đến nhiều công ty, cơ sở sản xuất để xin việc nhưng do là người khuyết tật nên họ đều từ chối. Một số nơi nhẹ nhàng trả lời, cùng với lý do thêm: “Em bị khuyết tật như thế này sẽ không đủ sức khỏe, không đáp ứng được nhu cầu sản phẩm của công ty, em thử tìm kiếm các công ty khác xem nhé!”. Một số công ty khác thì tế nhị hơn, họ không giải thích nhiều chỉ từ chối khéo là đã tuyển đủ người, hẹn chị lần khác.

Bên cạnh đó, cũng có không ít công ty nói theo kiểu không cần biết chị có làm được nghề hay không: “Ở đây không còn tuyển thêm nhân viên, đi chỗ khác mà xin việc”, thậm chí có công ty, cán bộ nhân sự còn sẵng giọng: “Chúng tôi đã tìm được người rồi, chị đi chỗ khác mà nộp hồ sơ!” nhưng ngay lập tức, khi có ứng viên khác – là người không khuyết tật vào nộp hồ sơ xin việc, họ lại nhận hồ sơ luôn ngay trước mặt Nga. Nga rất buồn, chị lặng lẽ rời đi, tiếp tục đến nộp hồ sơ ở những công ty khác.

Cũng có công ty đồng ý nhận chị vào làm việc nhưng với mức lương cực kỳ thấp. Nhân viên tuyển dụng của công ty đó trao đổi trực tiếp với Nga, dù chưa qua thử việc cũng như chưa biết rõ khả năng và kỹ năng làm việc của chị: “Người không khuyết tật ở công ty hiện nay đang làm việc với mức lương 7.000.000 đồng/tháng thì chúng tôi sẽ trả cho chị với mức lương 2.000.000 đồng/tháng, nếu chị đồng ý thì ngày mai chị có thể qua làm việc luôn.”

Lại có cơ sở sản xuất thêu đồng ý nhận Nga vào làm việc nhưng mức lương cũng không khá hơn, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với công ty trả lương 2.000.000 đồng/tháng kia. Nga đã từ chối những công ty và cơ sở sản xuất như vậy. Bởi chị hiểu được rằng những công ty, cơ sở sản xuất đó, đã có sự phân biệt khá nặng nề giữa người lao động không khuyết tật và người lao động khuyết tật (mà không cần biết tay nghề của người lao động khuyết tật ra sao). Nếu chấp nhận làm việc ở những nơi như thế, chị sẽ luôn bị đối xử bất công, bị bóc lột khá tàn tệ.

Ròng rã mấy tháng trời, ban ngày thì chị cầm hồ sơ đi xin việc, tối đến chị lại lên mạng tìm kiếm nơi tuyển dụng nhưng đều không có kết quả. Chị cũng không nhớ mình đã đến bao nhiêu nơi, nộp bao nhiêu bộ hồ sơ nhưng nhận lại chỉ là con số không tròn trĩnh. Những lời xì xào, bàn tán của hàng xóm và mọi người xung quanh ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn: “Đấy, đã bảo là cho đi học nghề làm gì, giờ học xong rồi, mãi cũng có xin được việc đâu!…”. Những lời nói của hàng xóm cứ văng vẳng bên tai Nga và mọi người trong gia đình Nga làm cho hi vọng xin được việc làm trước đây của Nga dần dần mất đi.

Đang trong lúc chán nản và tuyệt vọng thì một tia hi vọng nhỏ nhoi đến với chị. Thông qua người quen, Nga được giới thiệu đến một công ty sản xuất sản phẩm thêu xuất khẩu. Tuy đã được bộ phận tuyển dụng nhân sự của công ty kiểm tra tay nghề trước khi được nhận vào, nhưng ban đầu đa số mọi người trong công ty nhìn chị với ánh mắt ái ngại, có lẽ trong đầu họ đang nghi ngờ khả năng làm việc của chị. Nhưng rồi, sau 01 tháng làm việc, bằng sự nỗ lực và kỹ năng nghề thuần thục của mình, chị đã làm ra nhiều sản phẩm đẹp mắt. Dần dần, những lao động khác trong công ty đã thay đổi cách nhìn khác về khả năng làm việc của chị. Đến bây giờ, Nga đã trở thành “tay thêu cứng” của công ty, được mọi người trong công ty quý mến, được cấp trên tin tưởng giao cho những công việc quan trọng và thu nhập hàng tháng của chị thậm chí còn cao hơn một số người lao động không khuyết tật cùng công ty.

Từ đó, cuộc sống của Nga ngày càng ổn định hơn, bước sang một trang mới, nhờ lòng kiên trì và ước mơ được lao động mà Nga đã có thể tự làm được công việc mà mình yêu thích, tạo ra thu nhập dựa trên sức lao động của mình.

Giá như, các công ty, cơ sở sản xuất mà chị đã nộp hồ sơ xin việc trước đó, có những đánh giá khách quan hơn về khả năng, kỹ năng làm việc của ứng viên, không có sự phân biệt khi tuyển dụng nhân sự thì họ cũng đã không bị “tuột tay” một lao động khuyết tật giỏi nghề như Nga, và có lẽ cuộc sống của chị đã thay đổi sớm hơn. 

* Khoản 2 Điều 33 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về việc làm đối với người khuyết tật:

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.”

* Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.”

* Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

Điều 7. Vi phạm về tuyển, quản lý lao động

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, độ tuổi, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật.