Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách Người cao tuổi

  • Thực hiện: Administrator
  • 26/04/2018

Theo dự báo của Liên Hiệp quốc, số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trên khắp thế giới sẽ tăng từ 760 triệu trong năm 2010 lên khoảng 2 tỷ người vào năm 2050 (tức là từ 11% lên 22% tổng dân số thế giới). Nếu như vào năm 1990, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chỉ chiếm 7,2% dân số thì đến năm 2011, tỷ lệ này là 10%, chính thức bắt đầu giai đoạn “già hóa dân số”. Theo dự báo, đến năm 2038, người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng dân số - tăng gấp ba lần trong vòng 24 năm.

Như vậy, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”, khi tốc độ già hóa dân số tiếp tục tăng nhanh trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người mới ở mức trung bình thấp (khoảng 2.000 đô la Mỹ), các chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi chưa thực sự hoàn chỉnh và chủ động để hướng đến đón nhận hiện tượng già hóa dân số tích cực.

Thực tế cho thấy, quyền được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, chăm sóc, bảo vệ và thụ hưởng các phúc lợi trong hệ thống an sinh xã hội của người cao tuổi là đòi hỏi chính đáng và cũng là mục tiêu đặt ra cho những người xây dựng chính sách người cao tuổi. Tuy nhiên, chính sách cho người cao tuổi trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa mạnh mẽ cũng cần có những căn cứ pháp lý vững chắc, tức là các nội dung, định hướng, giải pháp chính sách được Hiến định. Đây không chỉ là hình thức bộc lộ nội dung của chính sách người cao tuổi mà cốt lõi là phương thức, căn cứ, hiệu lực pháp lý vững chắc đảm bảo thực thi thành công mục tiêu, giải pháp giải quyết vấn đề già hóa dân số và các vấn đề phát sinh liên quan người cao tuổi ở nước ta.

Các bản Hiến pháp nước ta đều xuyên suốt thể hiện tư duy nhất quán: người cao tuổi cần thiết phải được hỗ trợ, giúp đỡ trước hết về mặt vật chất. Hỗ trợ này có thể là chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, chính sách hỗ trợ chi phí mua BHXH, BHYT, cứu trợ, bảo trợ,…bằng hệ thống ngân sách nhà nước hoặc nguồn tài chính khác. Tuy nhiên, do công tác này liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào nguồn ngân sách, tài chính nên dẫn đến một số vấn đề phát sinh: Theo khảo sát của các cơ quan nghiên cứu phân tích chính sách, sau hơn 08 năm thực hiện Luật Người cao tuổi và 4 năm thực hiện Hiến pháp 2013, mức độ đáp ứng các quyền kinh tế (vật chất - xã hội) của người cao tuổi ở nước ta đạt từ 50 - 60%, gần 90% người cao tuổi được đảm bảo nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở. Đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ hằng tháng, chiếm đến 77% trong tổng số đối tượng được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng; hàng nghìn người cao tuổi được hỗ trợ xóa nhà tạm, sữa chửa nâng cấp nhà ở, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1 triệu người cao tuổi, thăm hỏi, động viên ốm đau cho hơn 900.000 người cao tuổi. 

Tuổi thọ dân số Việt Nam tăng lên phản ánh thành tựu kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, điều kiện sống, mức sống đa số người cao tuổi nước ta còn khá thấp, sức khỏe kém, tuổi thọ khỏe mạnh nước ta chưa cao, mỗi người cao tuổi chịu 14 năm bệnh tật, 95% người cao tuổi có bệnh và trung bình là 2,69 căn bệnh/ người…. Từ năm 2009 đến nay, các chương trình khám chữa bệnh đã tư vấn các bệnh về mắt cho hơn 2 triệu người cao tuổi, trong đó có 200.000 người được mổ tủy tinh thể miễn phí gần 400 tỉ đồng. Theo báo cáo tổng quan của ngành y tế số lượng người cao tuổi có thẻ BHYT tăng từ 24,3% năm 2004 lên 63% năm 2006, các hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi có thẻ BHYT được thực hiện hiệu quả, chất lượng phục vụ tốt hơn, nhiều địa phương có chủ trương thành lập quỹ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có nhiều điểm mới: chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại cơ sở tập trung và chăm sóc dựa vào cộng đồng… Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thời gian qua cũng đứng trước các thách thức lớn. Chất lượng các loại dịch vụ y tế, khám chữa bệnh có thẻ BHYT, vấn đề y đức, tiêu cực trong ngành y tế,… có tác động tiêu cực đến thực hiện quyền được đảm bảo chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi nếu xem đây là lực lượng yếu thế trong xã hội. Tỉ lệ người cao tuổi đến khám, chữa bệnh và được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ tại tuyến cơ sở rất thấp, nhiều bệnh viên tuyến huyện chưa thành lập được khoa lão khoa, công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế còn chậm.

Ngoài việc được đảm bảo hỗ trợ, chia sẻ về vật chất, đảm bảo sức khỏe thì người cao tuổi được quyền tham gia, tiếp cận với các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, nghỉ mát, các hoạt động khác bồi bổ, nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên, chúc thọ người cao tuổi.... Tính đến hết năm 2016, cả nước có 58.099 câu lạc bộ người cao tuổi, thu hút 2,6 triệu người cao tuổi tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các tổ chức này chính là tính hình thức hay hành chính hóa, chưa đem lại lợi ích thiết thực, ý nghĩa, thậm chí mang tính phong trào. Đánh giá việc đảm bảo quyền được chăm lo về đời sống tinh thần, chỉ có 8,6% người cao tuổi đánh giá nó được thực hiện mức độ tốt, rất tốt; 54,7% cho rằng chính sách này không được thực hiện tốt ở địa phương.

Người cao tuổi được quyền được xã hội thừa nhận, tôn trọng và khẳng định vị thế, đây là quyền rất tiến bộ và rất mới của người cao tuổi được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Có thể thấy, đây vừa là quyền nhưng cũng là nhu cầu tất yếu của người cao tuổi. Quyền này được hiểu chính là việc người cao tuổi với đầy đủ phẩm chất, kỹ năng, năng lực,… được xã hội coi trọng, ghi nhận và bản thân người cao tuổi sử dụng nó để góp phần tiếp tục công hiến cho xã hội.

Theo kết quả khảo sát của các cơ quan nghiên cứu cho thấy, có hơn 2,5 triệu người cao tuổi vẫn đang tham gia lao động, sản xuất kinh doanh; 95.000 người cao tuổi làm trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; hơn 300.000 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi; 1,24 triệu người cao tuổi nghỉ hưu vẫn tham gia công tác trong hệ thống chính trị tại nơi cư trú.

Nhằm củng cố, phát huy quyền con người, quyền công dân người cao tuổi theo Hiến pháp Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về người cao tuổi theo các định hướng:

Thứ nhất, nghiên cứu thấu đáo, có luận cứ khoa học hợp lí, thuyết phục để xác định rõ diện người cao tuổi hưởng trợ cấp, cân nhắc tổng thể nguồn lực và hiện trạng xã hội,… mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội so với hiện tại; tạo hành lang pháp lý khuyến khích huy động nguồn lực xã hội và các loại hình tổ chức tư nhân, phi chính phủ tham gia thực hiện chính sách người cao tuổi; hệ thống chính sách pháp luật người cao tuổi cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hệ thống, đầy đủ về số lượng, có chất lượng, công bằng, minh bạch và đúng luật.

Hai là, nghiên cứu và có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động nguồn lực của khu vực tư (tăng cường xã hội hóa) trong việc giải quyết các vấn đề lớn trong chính sách người cao tuổi, góp phần đảm bảo khắc phục khó khăn hiện tại ngân sách cho các khoản trợ cấp, phục vụ thiết lập Qũy người cao tuổi tại các địa phương, mở rộng diện thụ hưởng nhận hỗ trợ vật chất cho người cao tuổi... Đặc biệt, coi trọng phát triển, nhân rộng mô hình tham vấn, hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi thông qua vai trò của cộng đồng, xã hội và các tổ chức hành nghề công tác xã hội.

Ba là,đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực y tế, trong đó, chú trọng đến việc cải cách thủ tục liên quan cung ứng dịch vụ y tế cho người cao tuổi, chấn chỉnh trách nhiệm công vụ, nâng cao y đức của đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, cần có chiến lược quy hoạch tổng thể ngành y để thích ứng với vấn đề già hóa dân số của Việt Nam hiện nay. Trong đó, cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực ngành y chất lượng, có phẩm chất nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi già hóa dân số. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như Viện Lão học, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi,…và trang bị tri thức để công động và xã hội thích ứng với già hóa dân số một cách tích cực.

Bốn là,các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, tham vấn để ban hành chiến lược về tận dụng, sử dụng nguồn nhân lực từ đội ngũ người cao tuổi đảm bảo khoa học hợp lí. Như phân tích trên, với tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, người cao tuổi ngày càng có vai trò quan trọng, trở thành nguồn lực đắc giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định, tham vấn chính sách người cao tuổi cần đặt chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực người cao tuổi trong tổng thể chính sách người cao tuổi ở nước ta.

Năm là, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, và đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách người cao tuổi của Nhà nước đến đội ngũ người cao tuổi. Việc nhận thức đầy đủ về thách thức già hóa dân số của người dân có tác động tích cực trong việc kéo dài thời gian già hóa dân số, cân bằng cơ cấu dân số quốc gia thông qua chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe,… Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ ràng rằng, trong hoạt động của các cơ quan này, cần xem việc chăm lo người cao tuổi cùng toàn xã hội là trách nhiệm, là hành vi đạo đức và gìn giữ truyền thống dân tộc Việt Nam bên cạnh nghĩa vụ pháp lý, trách nhiệm công vụ.

Sáu là, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong thực hiện chính sách người cao tuổi và thích ứng với vấn đề già hóa dân số ở nước ta. Việt Nam cần tranh thủ mối quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó chủ động với vấn đề già hóa dân số, thực hiện tốt chính sách người cao tuổi nhằm sẻ chia kiến thức, học tập mô hình, kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo, linh hoạt gắn với văn hóa, đặc thù tình hình kinh tế - chính trị của quốc gia. Ngoài ra, cần tăng cường và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ trong huy động nguồn lực, kỹ thuật, thực hiện tham vấn chính sách người cao tuổi,… cho các cơ quan nhà nước nhằm kịp thời điều chỉnh, cập nhật và ứng phó với diễn biến mới của vấn đề già hóa dân số Việt Nam trong tương lai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội & UNFPA (2016), Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi 2010 - 2014, Hà Nội.

2. Diễn đàn các Nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPPD) (2016), Tài liệu tham khảo dành cho các đại biểu Quốc hội. Già hóa tích cực. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đầu tư cho thanh niên.

3. Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) (2016), Thông tin tóm tắt: Già hóa dân số nhanh chóng ở Việt Nam - Thách thức và cơ hội

4. Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) , Thông tin tóm tắt: Đánh giá mô hình thí điểm chăm sóc người già dựa vào cộng đồng của Qũy Dân số Liên Hiệp quốc.

5. Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) & Tổng cục Thống kê (2016), Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014: Cơ cấu tuổi, giói tính và một số vấn đề kinh tế xã hội ở Việt Nam, Nxb Thông tấn.

6. Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) & Tổng cục Thống kê (2016), Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014: Mức sinh ở Việt Nam: Những khác biệt, xu hướng và yếu tố tác động, Nxb Thông tấn.

7. Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) & Tổng cục Thống kê (2016), Dự báo dân số Việt Nam 2014 - 2049, Nxb Thông tấn.

8. Ủy ban quốc gia về người cao tuồi (2016), Nghiên cứu đánh giá: Thực trạng người cao tuổi và tình hình già hóa dân số Việt Nam, Hà Nội.

9. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2010), Một số vấn đề cơ bản về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

10. Vũ Huy Từ, Lê Chi Mai và Võ Kim Sơn (1998), Quản lý Khu vực công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội

 

GS. Nguyễn Thị Mỹ Dung

ThS. Bùi Nghĩa

Link bài viết:

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/chinh-sach-nguoi-cao-tuoi-tiep-can-tu-quyen-co-ban-cua-cong-dan-trong-hien-phap-viet-nam-18136