Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính Phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 15/09/2020

Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính Phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là: nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nội dung Nghị định chia làm 03 Nhóm chính sách chủ yếu trong phát triển giáo dục mầm non, gồm: Nhóm chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em mầm non và chính sách đối với giáo viên mầm non.

  1. Về nhóm chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non:

Nghị định khẳng định chính sách chung của Nhà nước trong đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non như:

-Tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp; đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với giáo dục mầm non.

- Khuyến khích thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

-. Bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương;…

 Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chính sách chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn. Trong đó:

  -Ưu tiên đầu tư kinh phí ngân sách  bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp và đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học.

-Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em : Kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/01 tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động (được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo quy định pháp luật).

Nghị định cũng quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ tối thiểu là 20 (hai mươi) triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

ii) Về nhóm các chính sách ưu tiên đối với trẻ mầm non:

Gồm các chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

  • Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo:

-Đối tượng áp dụng của chính sách này gồm :

Trẻ em độ tuổi mẫu đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:

+Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ ;

 +Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

+Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh… (nếu có);

+ Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

* Nội dung chính sách

Trẻ em thuộc đối tượng nêu trên được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Nghị định cũng quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục và phương thức thực hiện chính sách nói trên.

* Về chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp

-Đối tượng hưởng chính sách này là :Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.

- Nội dung chính sách:

 Trẻ em thuộc đối tượng nói trên được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

  Mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục và phương thức thực hiện chính sách nói trên.

  1. Về nhóm Chính sách đối với giáo viên mầm non

* Chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số

-Đối tượng hưởng chính sách:

Giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định pháp luật, đảm một trong những điều kiện sau:

+Trực tiếp dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên.

+Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số.

-Nội dung chính sách: Giáo viên mầm non thuộc đối tượng nói trên hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

*Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp

-Đối tượng hưởng chính sách

Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm những điều kiện sau: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định;có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục;trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

    -Nội dung chính sách: Giáo viên mầm non bảo đảm các điều kiện nói trên được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng .

Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, thay thế Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ(riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đến hết năm 2021).

Nội dung chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-dinh-105-2020-ND-CP-quy-dinh-chinh-sach-phat-trien-giao-duc-mam-non-452005.aspx.