Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hội và Quyền tự do lập Hội

  • Thực hiện: Administrator
  • 17/05/2017

Dân chủ thường được nhìn nhận dưới góc độ chính trị là hình thức tổ chức chính trị của xã hội dựa trên sự công nhận nhân dân như là nguồn gốc của quyền lực, dựa trên các quyền của nhân dân trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia và trao cho công dân một loạt quyền và tự do thực sự(1). Trong thế giới hiện đại, hình thức chính thể cộng hòa dân chủ đang được nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố và theo đuổi. Sở dĩ dân chủ có sức hấp dẫn và lôi cuốn mạnh mẽ xuất phát từ điều quan trọng đối với mỗi người là quyền tự do và quyền tham gia vào các công việc của quốc gia. Đặc điểm quan trọng nhất, bản chất nhất của dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng cá nhân con người của các chủ thể khác trong xã hội: “Sự công nhận nhân phẩm của mọi người trên toàn thế giới và các quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”(2). Như vậy, có thể đi đến nhận định quan trọng: dân chủ có thể được coi là giá trị xã hội và chính trị dưới hình thức các quyền con người. Chiếm một phần không nhỏ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia là các quy định về quyền con người, về cách thức thực hiện các quyền đó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một trong những quyền con người là quyền được tự do lập hội và quyền hội họp. Các quyền này xuất phát từ nhu cầu của cá nhân sống trong một xã hội cần những cách thức thể hiện đời sống tinh thần, mong muốn giao tiếp với cộng đồng. Quyền tự do lập hội cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình được ghi nhận đầu tiên tại Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948. Ngoài việc quy định “mọi người có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”, khoản 2 Điều 20 nêu rõ “không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào”. Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 22: “ Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Đây không phải là quyền tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra các hạn chế trong việc thực hiện quyền này vì lý do an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ các quyền, tự do, sức khỏe của người khác. Tinh thần đó từ Hiến chương và Công ước đã thể hiện nội dung của quyền bao gồm ba cách tiếp cận: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội (bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động của hội).

Ở nước ta, quyền lập hội và quyền hội họp bắt đầu được chính thức ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946. Tại thời điểm đó, khi mà các điều kiện về nhận thức và truyền tải thông tin còn rất hạn chế, thì việc quy định tại Điều 10 về quyền “tự do tổ chức và hội họp” là một minh chứng lớn cho các quyền dân chủ được xác lập trong nước. Quyền lập hội và quyền hội họp là hai quyền có phạm vi và nội dung khác nhau, nhưng có mối liên quan mật thiết và hợp thành bản chất của quyền, đó là tự do “hội” và “họp”. Để cụ thể hóa quyền này, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập hội. Tuy còn rất sơ lược, nhưng Sắc lệnh là sự khởi đầu cụ thể hóa về quyền lập hội và quyền hội họp của dân chúng. Quyền này được tiếp tục khẳng định tại các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta đối với việc trao các quyền về dân chủ cho công dân, trong đó có quyền lập hội và quyền hội họp. Sắc lệnh số 102 nêu trên đang còn hiệu lực cho tới thời điểm hiện tại; Chính phủ qua các thời kỳ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hơn nữa quyền lập hội của công dân. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45 hiện là những văn bản đang có hiệu lực thi hành cùng với Sắc lệnh 102/SL/L004 là căn cứ để điều chỉnh về các quyền lập hội và quyền hội họp của công dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước, hiện nay Sắc lệnh số 102/SL/L004 có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động của hội, do đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật về hội để thay thế Sắc lệnh. Xin có một số ý kiến về dự thảo Luật về hội như sau:

Thứ nhất: Về quyền lập hội của công dân.

Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo như Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật về hội là “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội”. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh cần mở rộng hơn nữa, bao gồm cả quy định về quyền lập hội của công dân. Cần tiếp cận dưới góc độ quyền lập hội của công dân trước, như là một nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về hội. Nếu phạm vi điều chỉnh mở rộng theo hướng này thì dự thảo cần thiết bổ sung một số điều để khẳng định và làm rõ hơn nữa nội dung về quyền lập hội của công dân.

Thứ hai: Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội.

Dự thảo Luật về hội quy định 05 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội bao gồm: 1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội; 2) Tự nguyện, tự quản; 3) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 4) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 5) Không vì mục đích lợi nhuận.

Trong hệ thống nguyên tắc trên cần bổ sung thêm nguyên tắc: đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích của hội, hội viên, cộng đồng. Đây là một tư tưởng quan trọng để gắn kết các hội viên với nhau, các hội viên với hội và với cộng đồng. Thực tế, nhiều hội đang hoạt động hợp pháp chưa thực hiện được nguyên tắc này nên các tôn chỉ mục đích của hội không được thực hiện đúng, xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, không tôn trọng những công bố của hội… Bổ sung thêm nguyên tắc trên cũng phù hợp về phương diện lý luận, bởi Dự thảo định nghĩa về hội như sau: “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thứ ba: Về thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội.

Nội dung của phần này chủ yếu phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước tương ứng với phạm vi hoạt động của hội. Để tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 về các cấp hành chính và đơn vị hành chính cần chuẩn hóa lại trong Dự thảo, đặc biệt cần bổ sung thêm thẩm quyền của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong những lĩnh vực trên, hiện nay Dự thảo chưa đề cập tới.

Bổ sung tương tự với những quy định liên quan (như trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội) đến cấp hành chính và đơn vị hành chính cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Thứ tư: Về các hành vi bị nghiêm cấm.

Cần bổ sung thêm hành vi gây khó khăn cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội để quyền lập hội của công dân được thông thoáng hơn, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân.

Thứ năm: Về điều kiện thành lập hội.

Dự thảo quy định có 6 điều kiện thành lập hội: 1) Tên; 2) Tôn chỉ mục đích; 3) Lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lắp với lĩnh vực chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động; 4) Có điều lệ; 5) Có trụ sở; 6) Có đủ số người đăng ký tham gia.

Trong 6 điều kiện trên thì điều kiện thứ 3 cần xem xét thận trọng, vì quy định như trên thuận lợi cho nhà nước trong công tác quản lý hội theo lĩnh vực và tôn chỉ, mục đích; nhưng đây là quy định “đóng” đối với quyền tự do lập hội của công dân, thậm chí đi ngược lại với quyền này, trái với quy định về đảm bảo quyền lập hội. Nếu công dân muốn thành lập hội trong lĩnh vực đó với những phương thức hoạt động khác, tôn chỉ mục đích khác, thành viên mới… thì không có quyền thành lập hội mới. Đó thực chất là hạn chế quyền lập hội của công dân, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc quản lý hội. Nếu công dân không được thành lập hội mới vì lý do quy định ở điều kiện thứ 3 thì sẽ xảy ra tình trạng công dân chỉ có cách lựa chọn hội đã thành lập rồi hoặc không gia nhập hội đó. Như vậy, với điều kiện này sẽ hạn chế quyền tự do lập hội và tự do hội họp của công dân.

Nhìn tổng thể, việc thiết kế Dự luật về hội nên bao hàm ba cách tiếp cận mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đặt ra, đó là: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội và quản lý nước về hội với những cho phép hoặc hạn chế nhất định mà nhà nước thấy cần thiết.

TS. Nguyễn Thị Minh Hà 

Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

-------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Chế độ dân chủ - Nhà nước và xã hội, N.M. Voskresenskaia và N.B. Davletshina, tr.17.

(2) Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948.