Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Phương thức giáo dục hòa nhập

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 17/08/2020

Câu hỏi: Tôi có con là người khuyết tật vận động năm nay 7 tuổi. Tôi muốn hỏi hiện nay có những phương thức giáo dục người khuyết tật gì? Nay tôi muốn cho cháu nhập học vào lớp một ở trường tiểu học gần nhà thì cháu có đủ điều kiện nhập học không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

1. Phương thức giáo dục người khuyết tật

Điều 28 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định ba phương thức giáo dục người khuyết tật là: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Trong đó:

- Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Phương thức giáo dục này nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử (Khoản 1 Điều 15 Luật Giáo dục năm 2019).

- Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục (Khoản 5 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010).

- Giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục (Khoản 6 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010).

Trong các phương thức giáo dục trên, phương thức giáo dục hòa nhập là phương thức được Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tham gia, hai phương pháp còn lại chỉ nên được sử dụng trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập hoặc nếu gia đình/người giám hộ cảm thấy cần thiết.

Theo thông tin câu hỏi của anh/chị, chúng tôi đang hiểu anh/chị đang muốn cho cháu học theo phương thức giáo dục hòa nhập. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho anh chị về phương thức giáo dục hòa nhập:

2. Phương thức giáo dục hòa nhập

Theo Khoản 2 Điều 28 Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật. Do vậy, nếu anh/chị muốn cho cháu học tại trường tiểu học gần nhà thì anh chị có thể cho cháu học theo phương thức giáo dục hòa nhập. Với phương thức giáo dục hòa nhập, con của anh/chị sẽ học chung với các bạn không phải là người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, về độ tuổi, hồ sơ nhập học của cháu sẽ có những chính sách đặc thù như sau:

* Độ tuổi nhập học:

Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục năm 2019, khoản 1 Điều 15 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật và khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.

Theo điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục năm 2019, tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi. Như vậy, độ tuổi nhập học lớp một đối với học sinh khuyết tật là không quá 9 tuổi.

Đối chiếu với thông tin anh/chị cung cấp, con anh/chị năm nay 7 tuổi, đáp ứng độ tuổi nhập học tiểu học đối với học sinh là người khuyết tật.

* Hồ sơ nhập học:

Theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, hồ sơ của người khuyết tật học hòa nhập bao gồm:

- Hồ sơ nhập học chung theo quy định đối với từng cấp học, trình độ đào tạo;

- Giấy xác nhận khuyết tật;

- Kế hoạch giáo dục cá nhân.

Lưu ý: Theo Điều 9 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, mỗi người khuyết tật học hòa nhập có Kế hoạch giáo dục cá nhân. Kế hoạch giáo dục cá nhân do giáo viên phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, gia đình người khuyết tật xây dựng trên cơ sở khả năng và nhu cầu của người khuyết tật, chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục. Kế hoạch giáo dục cá nhân bao gồm các thông tin về: khả năng, nhu cầu; các đặc điểm cá nhân; mục tiêu năm học và mục tiêu học kỳ; thời gian, nội dung, biện pháp và người thực hiện; kết quả đánh giá và điều chỉnh sau đánh giá đối với người học.