Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điều kiện và quy trình rà soát, thẩm định và xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 06/07/2020

Câu hỏi: Đầu năm nay, do dịch tả lợn Châu Phi khiến đàn lợn gia đình chúng tôi nuôi chết sạch, kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn. Hiện gia đình tôi muốn xin vào diện hộ nghèo nhưng hiện cơ quan nhà nước đã xét duyệt các hộ nghèo của năm nay rồi thì gia đình tôi muốn bổ sung có được không? Nếu được cần làm thủ tục gì?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 và Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 06 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, hiện nay có hai loại hộ nghèo, hộ cận nghèo là: (1) Hộ nghèo, hộ cận nghèo được rà soát, công nhận định kỳ hằng năm; (2) Hộ nghèo phát sinh, hộ cận nghèo phát sinh được xét duyệt bổ sung thường xuyên.

Trong đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 và khoản 1 Điều 5 Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, những hộ không thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo địa phương quản lý nhưng phát sinh khó khăn đột xuất trong năm sẽ được xét duyệt bổ sung.

Cụ thể hơn, Phụ lục số 1a Thông tư số số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 quy định: Trường hợp xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên chỉ xem xét, thẩm định bổ sung đối với những hộ gia đình có đời sống khó khăn do các nguyên nhân sau:

+ Chịu hậu quả của các rủi ro, biến cố đột xuất trong năm, bao gồm: thiên tai (hạn hán, lũ lụt, bão, giông lốc, sóng thần); môi trường bị ô nhiễm nặng; tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật nặng; gặp rủi ro về kinh tế (chịu thiệt hại nặng về các tài sản chủ yếu như nhà ở, công cụ sản xuất, mất đất sản xuất, mất mùa, dịch bệnh); gặp rủi ro về xã hội (bị lừa đảo, là nạn nhân của tội phạm).

+ Có biến động về nhân khẩu trong hộ gia đình (như sinh con, có thêm con dâu về nhà chồng, bộ đội xuất ngũ trở về gia đình, có thành viên đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình bị chết và các trường hợp biến động khác về nhân khẩu gây các tác động khó khăn đến điều kiện sống của hộ gia đình.

Đối chiếu quy định trên với trường hợp của anh chị, gia đình anh/chị phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do nguyên nhân gặp rủi ro về kinh tế (dịch bệnh), anh/chị có thể làm thủ tục đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên.

Quy trình rà soát, thẩm định và xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm được tiến hành theo trình tự được quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH như sau:

- Hộ gia đình (thường trú hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên) viết giấy đề nghị Trưởng thôn/tổ dân phố xác nhận theo mẫu (Phụ lục số 1a ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH) và nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận;

- Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã lập danh sách các hộ gia đình có giấy đề nghị (theo Phụ lục số 2a ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH) và tổ chức thẩm định theo mẫu Phiếu B (theo Phụ lục số 3b ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH); báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh; niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thời gian thẩm định, xét duyệt và ban hành Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị của hộ gia đình. Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì cần nêu rõ lý do.