Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 26/05/2020

Câu hỏi: Xin cho hỏi doanh nghiệp có được lấy lý do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: “Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

“Lý do bất khả kháng khác” theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Do địch họa, dịch bệnh;

b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”

Theo quy định trên, dịch bệnh Covid-19 là một lý do bất khả kháng như vậy. Do đó, trong tình hình bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, nếu doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm thông báo cho người lao động biết trước một khoảng thời gian nhất định theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012. Cụ thể:

- Với hợp đồng lao động không xác định thời hạn: ít nhất 45 ngày;

- Với hợp đồng lao động xác định thời hạn: ít nhất 30 ngày;

- Với hợp đồng mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng: ít nhất 03 ngày làm việc.