Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Biện pháp trừ vào thu nhập của người thi hành án dân sự

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 16/05/2020

Câu hỏi: Tôi nghe nói có biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là trừ vào thu nhập của người thi hành án. Xin hỏi cụ thể quy định này như thế nào?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Căn cứ Điều 77 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về biện pháp trừ vào thu nhập của người thi hành án được quy định như sau:

1. Đối tượng thu nhập của người phải thi hành án gồm: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Căn cứ thực hiện việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Theo thỏa thuận của đương sự;

- Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

- Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Mức khấu trừ:

Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định điều kiện sinh hoạt tối thiểu như sau:

2. Mức tiền tối thiểu để lại cho người phải thi hành án phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể”.

Theo quy định trên Chấp hành viên căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của địa phương nơi người phải thi hành án cư trú để xác định điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Trường hợp địa phương nơi người phải thi hành án cư trú chưa có quy định thì xác định điều kiện sinh hoạt tối thiểu theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì mức chuẩn hộ nghèo 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Lưu ý: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định trên.