Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự tham gia của người khuyết tật trong xây dựng chính sách về người khuyết tật

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 01/12/2019

Ngày nay, người khuyết tật đang ngày càng thể hiện được vai trò và tiếng nói của mình vào xã hội thông qua việc thành lập các tổ chức của người khuyết tật tại địa phương, tăng cường tham gia vào các hoạt động đời sống. Đồng thời với đó, Nhà nước cũng ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của người khuyết tật trong sự phát triển của xã hội đặc biệt là trong hoạt động xây dựng chính sách mà người khuyết tật là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.

Quyền tham gia của người khuyết tật trong xây dựng chính sách về người khuyết tật

Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia vào quá trình quyết định chính sách và chương trình trực tiếp liên quan đến họ (điểm o Lời mở đầu). Đồng thời với đó khoản 3 Điều 4 CRPD cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của Nhà nước trong xây dựng và thi hành pháp luật và chính sách nhằm thi hành Công ước này, và trong các quá trình ra quyết định khác liên quan đến các vấn đề về người khuyết tật, phải tham khảo ý kiến và cho phép người khuyết tật, kể cả trẻ em khuyết tật, chủ động tham gia thông qua các tổ chức đại diện của họ.

Trong pháp luật Việt Nam, đầu tiên phải kể đến là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rõ tại khoản 2 Điều 6: Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Nhà nước đã và đang nhận thấy được tầm quan trọng của các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, đảm bảo đúng tinh thần nguyên tắc của quốc tế “không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi". Để đảm bảo được sự tham gia đầy đủ của nhóm đối tượng chịu tác động, hạn chế việc “bỏ lại phía sau" mà trong quy định về hồ sơ trình phê duyệt dự án văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải có ý kiến của đối tượng chịu tác động.

Trong Luật người khuyết tật 2010 - văn bản điều chỉnh trực tiếp các quy định liên quan đến người khuyết tật, pháp luật đã giao quyền lợi cho các tổ chức của người khuyết tật có quyền thực hiện tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với người khuyết tật. Việc tham gia một cách đầy đủ, toàn diện trong việc xây dựng chính sách đảm bảo nguyên tắc tham gia và hòa nhập trọn vẹn và hữu hiệu vào xã hội trong CRPD.

Những khó khăn người khuyết tật gặp phải khi thực hiện quyền tham gia xây dựng chính sách pháp luật

Có thể nói, pháp luật Việt Nam đã và đang tạo nhiều điều kiện cho người khuyết tật tham gia hoạt động hoạch định chính sách khi họ là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản này. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc người khuyết tật tham gia hoạt động xây dựng chính sách vẫn còn thấp và đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập như:

Luật người khuyết tật 2010 mới chỉ quy định về các tổ chức của người khuyết tật được tham gia mà chưa nhấn mạnh được quyền tham gia của người khuyết tật trong việc xây dựng chính sách. Hiện nay Việt Nam có khoảng 22 hội người khuyết tật cấp tỉnh[1], trong khi đó Việt Nam có tất cả 63 tỉnh thành, có 713 đơn vị cấp huyện, nhưng không phải địa phương nào cũng có tổ chức của người khuyết tật. Việc thiếu các cơ quan đại diện cho chính người khuyết tật sẽ làm giảm bớt đi tiếng nói của người khuyết tật vào xã hội và điều này có thể dẫn đến nhiều địa phương chưa có tổ chức của người khuyết tật không mời người khuyết tật tham gia vào quá trình xây dựng chính sách.

Nhiều đại diện tổ chức của người khuyết tật có ý kiến rằng họ không được mời tham dự vào quá trình xây dựng chính sách tại địa phương. Mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản[2], tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ quan không mời người khuyết tật hay đại diện tổ chức của người khuyết tật tham gia vào các cuộc họp, hội thảo,… lấy ý kiến trong việc đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hay dự thảo dẫn đến nhiều văn bản được ban hành chưa có ý kiến tham gia của người khuyết tật.

Việc phổ biến thông tin lấy ý kiến về quá trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa mang tính phổ quát. Hiện nay, nhiều địa phương sau khi xây dựng xong dự thảo đã đăng tải văn bản lên cổng thông tin điện tử của mình, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp huyện lại chưa có mục góp ý kiến văn bản[3]. Trong khi đó đây đang được coi là một hình thức chính, quan trọng trong việc lấy ý kiến của người khuyết tật vào quá trình xây dựng chính sách. Ngoài ra, các hình thức tổ chức lấy ý kiến đối với người khuyết tật còn chưa đang dạng và chưa phù hợp với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Hiện nay, nhiều đơn vị chỉ tổ chức lấy ý kiến thông qua các cuộc họp, hội thảo nhưng lại chưa chú ý kiến địa điểm tổ chức cuộc họp, hội thảo không tiếp cận đối với người khuyết tật, đồng thời cũng không phổ biến rộng rãi đến cộng đồng. Điều này dẫn đến cơ hội người khuyết tật tham gia vào việc xây dựng chính sách còn gặp hạn chế.

Nhiều người khuyết tật chưa biết đến quyền tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài việc nhiều người khuyết tật biết nhưng khó tiếp cận với quyền này thì cũng có nhiều người khuyết tật không biết mình có quyền tham gia vào việc xây dựng góp ý chính sách pháp luật. Điều này cũng gián tiếp thể hiện việc tuyên truyền phổ biến các quy định về quyền này cho người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế. Có thể do nguyên nhân như địa phương chưa thực hiện hoạt động tuyên truyền này, hoặc có địa phương đã thực hiện nhưng không bằng nhiều hình thức khác nhau dẫn đến không phù hợp với các dạng tật khác nhau. Ví dụ như người khuyết tật nghe nói sẽ không thể tiếp cận việc tuyên truyền này nếu chỉ tuyên truyền trên loa, đài phát thanh hay truyền hình mà không có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu, hay người khuyết tật nhìn không thể tiếp cận nếu tuyên truyền thông qua bản tin, báo...

Có thể nói, ngay trong cả mặt chính sách và thực thi cũng đang còn một số vướng mắc nhất định khiến cho người khuyết tật gặp khó khăn khi thực hiện các quyền tham gia của mình trong việc xây dựng, góp ý chính sách. Điều này đặt ra cho Nhà nước phải xây dựng các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trên, giúp cho người khuyết tật thực hiện một cách tốt nhất quyền của mình, đồng thời hoà nhập vào cộng đồng.

Đề xuất, kiến nghị

Luật người khuyết tật cần sửa đổi theo hướng quy định người khuyết tật có quyền tham gia vào xây dựng, góp ý chính sách theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhà nước cần nghiên cứu để ban hành các chính sách đơn giản hoá các thủ tục để thành lập Hội người khuyết tật, khuyến khích địa phương phát triển các tổ chức của người khuyết tật để họ tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng chính sách.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến quyền của người khuyết tật trong việc tham gia, góp ý chính sách bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau phù hợp với từng dạng khuyết tật.

Trong qúa trình đề nghị xây dựng văn bản và lấy ý kiến của người khuyết tật cần phải được thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông để tăng cường sự đóng góp của người khuyết tật vào trong quá trình này.

Đồng thời cần có các quy định bắt buộc các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải có phần riêng dành cho việc góp ý các chính sách.


[1] Theo thông tin do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cung cấp

[2] Điều 129 và khoản 2 Điều 133 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015