Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Mạng ảo, tổn thương thật...

  • Thực hiện: Nguyễn Linh
  • 31/08/2019

Ánh Dương sinh ra trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ em – vốn là cặp vợ chồng hiếm muộn. Hạnh phúc chẳng được bao lâu, hơn 5 tuổi, một trận sốt cao đã lấy đi đôi chân của Dương. Đôi chân teo dần lại khiến em không thể chạy nhảy, nô đùa như bao đứa trẻ khác. Khó khăn nhân lên gấp bội khi Dương học hết phổ thông cơ sở, mặc dù cô bé học rất giỏi nhưng cha mẹ em buộc phải quyết định cho Dương nghỉ học vì trường trung học phổ thông cách xa nhà em, đường lại rất khó đi, gia đình không đủ điều kiện. Thấu hiểu nỗi khát khao được học của con, cha mẹ Dương đã mua cho em một chiếc máy tính cũ. Có lẽ với nhiều người chiếc máy tính đơn giản chỉ là một công cụ xem thông tin mạng nhưng đối với Dương nó như một tia sáng thắp lên trong tâm hồn em, là cánh cửa mở ra thế giới kiến thức.

Từ ngày mẹ sinh em bé, Dương cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình vì mẹ cũng không dành nhiều thời gian để quan tâm Dương như trước nữa. Thế rồi, với trí tò mò của một đứa trẻ mới lớn, em cũng lập cho mình một tài khoản facebook. Ở đó, Dương trút bầu tâm sự qua những dòng trạng thái và kết thêm nhiều bạn mới. Hơn nữa, từ khi có tài khoản facebook, Dương tìm được những người bạn có chung sở thích làm đồ handmade như mình. Em như tìm thấy niềm vui của cuộc đời, hàng ngày em được chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và cả sở thích của bản thân với các bạn trong nhóm. Trong đó có Tuấn - năm nay 23 tuổi là hay quan tâm đến bài viết của Dương nhất. Lúc đầu, Tuấn dành rất nhiều lời khen ngợi Dương có đôi bàn tay khéo léo. Nói chuyện qua màn hình máy tính được một thời gian thì Tuấn muốn gọi video với Dương nhưng Dương lưỡng lự từ chối. Thấy vậy, Tuấn bảo rằng chỉ cần gửi một bức ảnh của Dương cho Tuấn biết Dương trông thế nào thôi. Dương dần cũng bị những lời nói của Tuấn thuyết phục và gửi hình của mình cho Tuấn. Thấy tấm hình Dương với đôi bàn chân không lành lặn Tuấn thay đổi hẳn thái độ và cho rằng Dương đã nói dối mình và mọi người trong nhóm khi không nói thật mình là người khuyết tật. Dù Dương có giải thích thì Tuấn vẫn chỉ trích, miệt thị Dương. Không chỉ thế, Tuấn còn tìm ra họ đầy đủ của em, địa chỉ nhà cụ thể. Đỉnh điểm, biết Dương không muốn ai biết chuyện, Tuấn liền đe dọa sẽ công khai ảnh của Dương cho mọi người biết nếu em không đưa cho hắn ba triệu đồng. Dương hoảng sợ, Dương không muốn mọi người biết vì nếu họ biết Dương khuyết tật, lúc đó sẽ không còn ai chơi với em nữa. Suy nghĩ ngay ngô của đứa trẻ mới lớn đã khiến Dương lo sợ không dám nói với bố mẹ để tìm cách giải quyết.

Một lần tình cờ vào phòng Dương, mẹ của em vô tình đọc được những đoạn tin nhắn giữa con gái mình và người tên Tuấn. Với bản năng của một người mẹ, bà biết rằng con gái mình đang gặp nguy hiểm. Thay vì quát mắng con thì mẹ Dương lại lắng nghe câu chuyện của em, bình tĩnh kìm nén cảm xúc trong lòng. Nghe xong, mẹ Dương liền ra cơ quan công an để tố cáo hành vi của Tuấn với đầy đủ bằng chứng là những đoạn tin nhắn đe dọa tống tiền của Tuấn.

Môi trường mạng có thể ví như một con dao hai lưỡi, nơi chứa đựng nhiều nội dung từ bổ ích cho đến xấu xa. Nếu không được trang bị những kiến thức về cách sử dụng mạng xã hội thì trẻ em cũng rất dễ bị lợi dụng và trở thành nạn nhân.

*********************

Điểm c Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.

Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;”